Ông Huỳnh Kim Hoàng- Trưởng Phòng Thị trường việc làm thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2014 có nhiều cơ hội cho lao động (LĐ) Vĩnh Long sang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Nhu cầu tuyển dụng LĐ sang Nhật các ngành xây dựng, cơ khí, may công nghiệp, điện tử, nông nghiệp... đang tăng.
Ngoài học tiếng Nhật tốt, LĐ cần trau dồi kỹ năng nghề, có ý thức kỷ luật tốt sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại “xứ hoa anh đào”.
Ông Huỳnh Kim Hoàng- Trưởng Phòng Thị trường việc làm thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2014 có nhiều cơ hội cho lao động (LĐ) Vĩnh Long sang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Nhu cầu tuyển dụng LĐ sang Nhật các ngành xây dựng, cơ khí, may công nghiệp, điện tử, nông nghiệp... đang tăng.
Nhiều cơ hội sang “xứ hoa anh đào”
Nhật Bản là thị trường được đánh giá là lương cao, môi trường làm việc tốt, LĐ có nhiều cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ hiện đại. LĐ phổ thông làm việc tại Nhật có mức thu nhập trung bình từ 22- 26 triệu đồng/tháng, chưa kể làm thêm giờ; chuyên gia, kỹ sư, quản lý từ 40 triệu đồng/tháng trở lên.
Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Vĩnh Long, hiện có 12 doanh nghiệp đến đặt hàng tuyển LĐ sang làm việc tại Nhật, với nhu cầu tuyển hơn 2.000 LĐ. Riêng ngành may công nghiệp, Vĩnh Long có nhu cầu tuyển 150 LĐ nữ, trình độ tốt nghiệp cấp 2 trở lên.
Theo đó, LĐ sẽ được đào tạo may và tiếng Nhật tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, sau đó LĐ sẽ được nâng cao tay nghề may, kỹ năng LĐ tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, tuyển 100 LĐ phổ thông tốt nghiệp THPT, tỉnh sẽ đào tạo nghề và tiếng Nhật. Những LĐ đi Nhật sẽ chuẩn bị chi phí trên 100 triệu đồng.
Bộ LĐ-TB và XH đang phối hợp với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) thực hiện chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Đây là chương trình phi lợi nhuận do Tổ chức Dịch vụ công của Việt Nam thực hiện, chi phí thấp nhưng thu nhập cao, được rất nhiều LĐ quan tâm.
Điều kiện bắt buộc là người LĐ phải có trình độ THPT trở lên. Với chương trình này, tỉnh Vĩnh Long có chỉ tiêu tuyển 80 LĐ sang Nhật. Học viên được lựa chọn để tham gia chương trình đào tạo và được đài thọ tiền học phí, học phẩm, tiền ăn và ở nội trú trong thời gian học.
Trong thời gian 3 năm; được hưởng trợ cấp 80.000 Yên/tháng trong thời gian tu nghiệp (1 tháng đầu) và hưởng lương theo hợp đồng ký với công ty tiếp nhận, với mức lương tối thiểu trong năm thứ nhất và thứ 2 là 90.000 Yên/ tháng, năm thứ 3 là 100.000 Yên/ tháng; được bảo hiểm; sau khi hoàn thành chương trình, về nước đúng thời hạn sẽ được IM Japan hỗ trợ 600.000 Yên/người để khởi nghiệp.
Nếu có nguyện vọng làm việc trong các công ty Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, thực tập sinh sẽ được Bộ LĐ-TB và XH phối hợp với Văn phòng đại diện IM Japan tại Việt Nam giới thiệu để các công ty tuyển chọn.
LĐ cần rèn ngoại ngữ và tay nghề tốt
Theo các doanh nghiệp tuyển dụng, các ứng viên Việt Nam sang Nhật học tập và làm việc vì khác với các chương trình thực tập kỹ năng, khác thực tập sinh Việt Nam chỉ được tạm trú tại Nhật Bản 3 năm và nếu không thi đậu chứng chỉ nghề quốc gia của Nhật Bản thì phải quay về nước, không được phép ở lại làm việc.
Vì vậy, LĐ Việt Nam chỉ có thể đảm bảo năng lực cạnh tranh đối với các quốc gia khác và có cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật Bản bằng việc chứng tỏ năng lực ngoại ngữ, tay nghề tốt.
Chị Phạm Ngọc Yến (đang làm phiên dịch viên tại Nhật) cho biết: “LĐ phổ thông sang làm việc tại Nhật ngoài kỹ năng công việc, cần phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật là điều quan trọng để thực hiện đúng nội quy của công ty.
Có như vậy, LĐ mới được công ty đánh giá cao”. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phải đạt được kết quả ngoại ngữ tốt, em Nhật Thanh (du học sinh vừa học vừa làm tại Nhật) cho biết:
“Em cố gắng học tiếng Nhật bởi ngôn ngữ này rất khó nên ngoài việc học trên lớp, em phải tự tìm tài liệu đọc thêm ở trên mạng để giỏi tiếng, tìm hiểu văn hóa Nhật. Và em luôn thực hiện đúng nội quy của trường quy định về sinh viên làm thêm. Em hy vọng sẽ có kết quả học tập tốt tại Nhật và có cơ hội làm việc tại Nhật trong vài năm”.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh Lê Quang Đạo, năm 2014 tỉnh sẽ đột phá trong giải quyết việc làm là tập trung công tác xuất khẩu LĐ. Theo đó, tỉnh phát triển thị trường xuất khẩu LĐ, đổi mới công tác đào tạo, tạo nguồn LĐ xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường LĐ.
Để thu hút LĐ đi nước ngoài, đầu tháng 5, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức đi tuyên truyền, phổ biến các chính sách, công tác xuất khẩu LĐ cho lãnh đạo địa phương, cán bộ ấp, khóm trên địa bàn tỉnh tìm hiểu những quy trình, thủ tục cần biết và những chính sách vay vốn đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, khi tham gia xuất khẩu LĐ; tìm hiểu thông tin chính thức cho LĐ khi tham gia thị trường.
Cơ hội sang “xứ hoa anh đào” đang rộng cửa đối với LĐ trẻ. Sau 3 năm sang Nhật, họ tích lũy được vài trăm triệu đồng, được trau dồi kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn, biết ngoại ngữ, ý thức LĐ tốt hơn. Đó là nền tảng để phát triển nghề nghiệp bền vững.
Tháng 1/2014, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tiếp và làm việc với đại diện Trường Đại học Tokuyama- Nhật Bản. Theo đó, đề cập kế hoạch có thể hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Long với tỉnh Yamaguchi, Trường Tokuyama trên nhiều lĩnh vực như: văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp- công nghiệp công nghệ cao và sử dụng lao động.
Cụ thể như việc hợp tác giáo dục với Sở GD-ĐT trong việc dạy tiếng Nhật tại tỉnh Vĩnh Long và du học sinh tại Trường Tokuyama theo thỏa thuận ký kết; hợp tác đào tạo đại học và sau đại học; hợp tác công nghiệp công nghệ cao, tùy thuộc vào chương trình kêu gọi hợp tác đầu tư của tỉnh và kế hoạch hợp tác sử dụng lao động Vĩnh Long tại tỉnh Yamaguchi- Nhật Bản... |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin