
Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ (PN) chung tay xây dựng nông thôn mới”, Hội PN xã Hựu Thành (Trà Ôn) đã cụ thể hóa phong trào thông qua chương trình “Hỗ trợ PN phát triển kinh tế”, đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo.
Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ (PN) chung tay xây dựng nông thôn mới”, Hội PN xã Hựu Thành (Trà Ôn) đã cụ thể hóa phong trào thông qua chương trình “Hỗ trợ PN phát triển kinh tế”, đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo.
Tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo
![]() |
Các mô hình góp vốn xoay vòng giúp chị em có vốn đầu tư chăn nuôi rất hiệu quả.
|
Theo chị Ngô Thị Thùy Linh- Phó Chủ tịch Hội PN xã Hựu Thành (Trà Ôn): Từ khi Hựu Thành được chọn làm 1 trong 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới thì đời sống vật chất tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, kinh tế- xã hội có bước phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, trong đó có hội viên PN.
Nhìn chung, chị em nơi đây sống chủ yếu bằng nghề làm thuê và mua bán nhỏ, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống gặp nhiều khó khăn, một số hộ nghèo không có đất canh tác, thiếu vốn cũng như phương tiện sản xuất.
Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, hội xác định muốn giúp hội viên thoát nghèo bền vững cần phải tập trung trang bị cho chị em kiến thức, kỹ năng tự sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là hỗ trợ về vốn để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Hội PN xã chọn mô hình góp vốn xoay vòng, phong trào nuôi heo đất, giúp nhau cây con giống, ngày công lao động,... giúp chị em có ý thức tiết kiệm và tạo được nguồn vốn giúp nhau lúc khó khăn, tránh tình trạng vay nặng lãi và giảm chi phí thuê mướn nhân công lao động.
Đến nay, đã thành lập được 15 tổ hùn tiền với 224 thành viên, số tiền hùn từ 50.000- 200.000 đ/tháng, bình quân hàng tháng giúp cho 18 chị nhận trên 20 triệu đồng/người.
Ngoài ra, hội còn vận động thành lập tổ hùn vốn lúa với 136 thành viên tham gia, mỗi chị hùn 10 giạ, đã giúp cho 21 chị nhận với hơn 4.000 giạ lúa. Phong trào nuôi heo đất rất thiết thực và gần gũi nên các cấp hội tăng cường vận động đến tận hội viên để chị em hiểu rõ và tham gia. Đến nay, tất cả các chi hội đều có nuôi heo đất tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo.
Chị Bùi Thị Kim Oanh (ấp Vĩnh Tiến) vui mừng cho biết: “Khi nhận vốn được 13 triệu đồng, tôi nuôi bò đực lấy thịt, khoảng 5 tháng cho xuất chuồng, bán được hơn 17 triệu đồng. Tôi lại bắt con nghé 12,5 triệu đồng, xuất chuồng bán được 19 triệu đồng. Tôi tham gia 4- 5 chân vốn xoay vòng vì thấy khá an toàn so với chơi hụi bên ngoài. Nhờ làm ăn có hiệu quả nên cuộc sống gia đình tốt hơn trước rất nhiều”.
Hội PN xã còn trang bị cho chị em kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ để sản xuất đạt hiệu quả cao.
|
Còn chị Mai Thị Chất (ấp Vĩnh Tiến) thì đã nhận vốn xoay vòng được nhiều lần, mỗi lần nhận, chị dùng số tiền này đầu tư làm lúa, lo cho 4 thằng con trai ăn học đến nơi đến chốn, cất nhà cho các con mà không cần hỏi vay.
“Tôi thấy cách làm này rất hay, giúp chị em tiết kiệm được rất nhiều, mỗi đợt hốt được một khoản tiền kha khá có thể đầu tư làm kinh tế gia đình rất hiệu quả. Tôi sẽ tiếp tục tham gia để dành dụm sắm sửa nhà cửa khang trang lên”- chị Chất chia sẻ.
Trang bị kiến thức, kỹ năng sản xuất
Để giúp PN thoát nghèo bền vững, bên cạnh việc giúp vốn, hội còn trang bị kiến thức, kỹ năng để các chị tự sản xuất kinh doanh thông qua việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ thuật chăn nuôi, VAC; đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề nữ công gia chánh, xe dây lác, đan dây nhựa, tách hạt điều… có 230 PN tham gia.
Sau các đợt học, nhiều hội viên tìm được việc làm ổn định, mở rộng mô hình sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Mỗi chị kiếm thêm thu nhập 750.000- 1.000.000 đ/tháng. Nổi bật như tổ gia công của chị Nguyễn Thị Tím (ấp Vĩnh Tiến); Hồ Thị Diễm (ấp Vĩnh Sơn);…
Bên cạnh những mô hình vận động, hội còn tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho chị em PN tiếp cận nguồn vốn ủy thác hộ nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch… với lãi suất thấp để chăn nuôi trồng trọt và mua bán. Đến nay, tổng nguồn vốn do hội quản lý đạt gần 6,2 tỷ đồng. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả và gửi tiết kiệm gần 650 triệu đồng.
Năm qua, hội còn phối hợp mở các lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp ở ấp Vĩnh Trà, Vĩnh Tiến với 57 chị theo học, chuyển giao khoa học kỹ thuật được 7 cuộc có trên 500 người tham dự. Đồng thời, tư vấn và giới thiệu việc làm cho 285 chị đi làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất...
Những việc làm thiết thực trên đã góp phần cùng Đảng bộ xã xóa 15 hộ hội viên PN nghèo. Chị Ngô Thị Thùy Linh- Phó Chủ tịch Hội PN xã cho biết thêm, hàng năm, hội đều chỉ đạo các chi hội khảo sát đời sống, nhu cầu, đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên, PN nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Theo đó, từng mô hình phải gắn với phong trào của hội, đa dạng hóa các mô hình thu hút chị em tham gia.
Để góp phần xây dựng nông thôn mới, Hội PN xã đã vận động hội viên đào 193 hố rác để góp phần thực hiện tiêu chí 17 về môi trường; vận động hội viên và nhân dân hiến đất, hoa màu để làm đường nhựa ấp Vĩnh Tiến- Vĩnh Hội với tổng chiều dài hơn 2.400m2.
|
Bài, ảnh: YẾN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin