Nước máy nông thôn: không chạy kịp... đô thị!

06:05, 28/05/2014

Người dân ở 2 ấp Phú Hưng và Hòa Hưng thuộc xã Hòa Phú (Long Hồ) phản ánh tình hình nước máy chạy yếu, đục, thường xuyên bị cắt… Trong khi quản lý nhà máy nước (NMN) Hòa Phú 1 cho biết đã vận dụng hết điều kiện kỹ thuật để phục vụ, ngoài một số nguyên do khách quan, thì theo thiết kế ban đầu NMN phục vụ nước sạch nông thôn đã không theo kịp tốc độ phát triển của một đô thị


Ông Lợi chứng minh “nước không đục” ngay tại nhà máy nước.

Người dân ở 2 ấp Phú Hưng và Hòa Hưng thuộc xã Hòa Phú (Long Hồ) phản ánh tình hình nước máy chạy yếu, đục, thường xuyên bị cắt…

Trong khi quản lý nhà máy nước (NMN) Hòa Phú 1 cho biết đã vận dụng hết điều kiện kỹ thuật để phục vụ, ngoài một số nguyên do khách quan, thì theo thiết kế ban đầu NMN phục vụ nước sạch nông thôn đã không theo kịp tốc độ phát triển của một đô thị đang thành hình nằm cạnh Khu công nghiệp Hòa Phú.

Cuối nguồn… không tắm được vòi sen

Tình trạng thiếu nước máy, đục, thường xuyên bị cắt… theo chú Âu Văn Phát (Ba Phát)- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Hòa Hưng: “Than phiền của bà con ấp đã kiến nghị trong các cuộc họp HĐND. Đa số người dân sử dụng nước máy, nên tôi cũng bức xúc vì nước máy chưa đảm bảo đời sống sinh hoạt”.

Cũng theo chú Ba Phát, nhất là các tổ cuối đường ống từ Tổ 10 đến Tổ 22 thì nước càng yếu. Thím Ba Phát đang rửa rau gần đó, nói với theo: “Vô cây nước mà không xài thoải mái được. Nước máy cấp theo giờ, nước ròng, cúp điện thì nước máy cũng cúp luôn”.

Tuy có nước máy nhưng gia đình chú Ba Phát vẫn “thủ” 4 cái kiệu, lu và bồn chứa, vừa đủ nước sinh hoạt gia đình vừa để lắng lọc trong hơn mới sử dụng. Bởi theo một số người dân như anh Kiệm thì “nước luôn luôn đục và không thể xài liền được”.

Trong khi chú Nguyễn Văn Tấn (Bảy Tấn) ở Tổ 17, xã Hòa Hưng thì bảo “đục thì không đục, nhưng nước yếu không lên tới bồn cao”. Theo chú Bảy Tấn, thời điểm tết nước cúp vài ba ngày không có một giọt, “nhà tui gần sông bơm nước lên xử lý xài được, nhưng bà con bên kia lộ không bơm nước được la trời la đất”.

Dù vậy, từ hơn 20 ngày trở lại đây, chú Bảy Tấn và nhiều bà con cho biết nước máy đã ổn định hơn. Tuy nhiên, chú Bảy Tấn nên ví dụ cụ thể xài nước chưa thoải mái là vì “không tắm được vòi sen”- chú Bảy Tấn vừa nói vừa mở vòi nước, thật sự nước chảy rất yếu và nhỏ giọt, “bây giờ là 11 giờ 30 phút, là thời gian chính thức NMN chạy nước mà còn vầy nè”!

Xã Hòa Phú hiện có 209 cơ sở cho thuê nhà trọ với hơn 2.300 phòng. Riêng ấp Phú Hưng chiếm tới 106 cơ sở với 1.165 phòng và hơn 1.700 người ở trọ.
Đa số bà con ở 2 ấp Hòa Hưng và Phú Hưng đều sử dụng nước máy để sinh hoạt, nhất là các hộ có nhà trọ cho thuê thì… la càng nhiều.

Ông Lê Văn Liêm- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, xác nhận tình trạng nước máy chưa đảm bảo cho sinh hoạt của người dân và cho biết đã có kiến nghị bức xúc lên Trung tâm Nước sạch- vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh.

“Do địa bàn xã số lượng nhà trọ sinh viên, học sinh rất nhiều, nên nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn”- Phó Chủ tịch UBND xã nói nguyên do và để khắc phục xã đã kiến nghị giải pháp nâng cấp đường ống dẫn nước tăng cường.

Phụ thuộc điện, con nước lớn ròng

Khi chúng tôi liên hệ NMN Hòa Phú 1, ông Nguyễn Văn Lợi- Quản lý NMN, nói ngay phản ánh của bà con là đúng nhưng đã lạc hậu rồi. Thật sự thời điểm tết nước máy yếu là có, nhưng NMN đã khắc phục tăng cường máy và giờ đã cấp nước tương đối đầy đủ.

Dẫn chúng tôi ra khu vực NMN hệ thống cấp nước đang chạy đều đều, ông Lợi hứng 1 ly nước đưa chúng tôi xem nguồn nước tại chỗ và khẳng định:

“Nước ở đây trong vầy, mà tới người sử dụng kêu đục thì không đúng, có thể do bồn chứa nhà dân lâu ngày không xúc rửa, cặn bẩn lắng nhiều. Chúng tôi đã tận dụng tối đa kỹ thuật máy đưa vào đạp cho đủ nước, cố gắng đạt chất lượng trong và sạch”.

Theo ông Lợi, NMN hoạt động từ năm 2000 phục vụ nhu cầu nước sạch nông thôn, khi đó, “từ NMN ra tới quốc lộ chỉ có 6 ngôi nhà, giờ nhà cửa dày như bàn tay”. NMN cung ứng nước trong bán kính 3km với tổng chiều dài đường ống hơn 10km.
 
Tuy nhiên, do đường ống quá nhỏ (hiện chỉ ½ đường ống sử dụng ống phi 90), ở cuối nguồn (ống phi 60) nên nước thường tới chậm và trễ hơn”.
 
Cơ chế hoạt động của NMN là dùng máy bơm bơm nước trực tiếp từ sông lên, nên phụ thuộc hoàn toàn vào con nước, nguồn điện. Dù vậy, ông Lợi cho biết: “Khi nước lớn, có điện thì NMN mở nước cung cấp cho người dân ngay. Nhưng do áp lực đường ống nhỏ nên ở cuối nguồn 3-5 tiếng nước mới tới”.

Hiện NMN đang cung cấp nước cho khoảng 500 hộ dân, nhưng theo ông Lợi, trong đó nhiều hộ kinh doanh nhà trọ với cả ngàn người thuê trọ, nên nhu cầu sử dụng nước máy rất lớn! Dù đồng cảm với người dân “tui cũng bức xúc vì thiếu nước nôi”, nhưng ông Lợi cũng thừa nhận “tốc độ phát triển đô thị nhanh quá, nước máy đáp ứng không kịp”.

 

Ông Nguyễn Văn Lợi:

Có 2 cái không khắc phục được là nước sông và cúp điện, nước cạn thì không có nước bơm, cúp điện thì buộc phải cúp nước. NMN sắp sửa tăng cường thêm ống phi 90 để khắc phục nước yếu, chậm cuối nguồn. Hiện chưa thi công nhưng đã khắc phục được 80%, qua kết quả đo áp lực.

Chúng tôi rất hạn chế cúp nước trong ngày. Khi người dân phản ánh nước đục, sẽ hướng dẫn xúc, rửa bồn chứa, vì lâu ngày cặn bẩn bám mà họ không để ý.

 Chú Bảy Tấn:


Tui muốn xin chuyển sang sử dụng cây nước của NMN Hòa Phú 2 (ấp Lộc Hưng) để có nước mạnh và ổn định hơn, vì gần nhà hơn so NMN cũ cuối nguồn nước yếu và ít. Lúc mới có cây nước, tui mừng quá đem bán mô- tơ, sau phải mua lại để thủ khi nước máy cúp thì bơm nước sông xài đỡ.


Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT NHI


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh