
Phần đông bà con Khmer ngày nay đã nhận thức được điều cốt lõi rằng, ngoài việc nỗ lực làm ăn thoát nghèo thì việc cho con học hành thành đạt, có nghề nghiệp ổn định, chính là tạo dựng tương lai vững vàng cho thế hệ mai sau.
>> Kỳ 1: Đột phá trên vùng đất khó
>> Kỳ 2: Kinh tế vùng biên
>> Kỳ 3: “Đòn bẩy” khoa học kỹ thuật
>> Kỳ 4: Kỳ tích từ nông thôn mới
Anh Thạch Thư (xã Tân Mỹ- Trà Ôn- Vĩnh Long) đã hiến hơn 2.000m2 đất xây trường tiểu học. Ảnh: Tư liệu
Phần đông bà con Khmer ngày nay đã nhận thức được điều cốt lõi rằng, ngoài việc nỗ lực làm ăn thoát nghèo thì việc cho con học hành thành đạt, có nghề nghiệp ổn định, chính là tạo dựng tương lai vững vàng cho thế hệ mai sau.
Đầu tư cho con cái học hành sẽ đáp ứng cùng lúc nhiều mục tiêu riêng- chung của gia đình và xã hội.
“Trồng người” trên phum sóc
Trong nhiều năm nay, phong trào “khuyến học, khuyến tài” ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) đã trở thành điểm sáng, đặc biệt ở vùng nông thôn có đông đồng bào Khmer. Từ đây, đã làm thay đổi nhận thức của bà con, việc học hành của con cái đã trở thành chuyện hệ trọng còn hơn cả “cái ăn, cái mặc” hàng ngày.
Đã có nhiều gia đình cắn răng bán miếng đất vốn là phương tiện mưu sinh hay đi vay mượn… để lo cho con học hành tới nơi, tới chốn. Bên cạnh đó, là sự quan tâm của xã hội, những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với con em đồng bào Khmer, là “bệ đỡ” cho những hoàn cảnh khó khăn vượt qua những thời điểm ngặt nghèo.
Gia đình anh Thạch Dư và chị Thạch Thị Sương ở ấp Sóc Ruộng (Tân Mỹ- Trà Ôn) là tấm gương sáng, điển hình của tỉnh với các danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Gia đình hiếu học”.
Nhớ ngày xưa, cực không dám than vì sợ mọi người cười, khổ cũng không cho con biết và có lúc gia đình phải bán 5 công đất, rồi cố thêm 6 công để quyết chí nuôi các con ăn học. Giờ đây, khi kể về các con, trong đôi mắt anh chị không giấu được niềm tự hào.
5 người con của anh chị đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm và đã an cư lạc nghiệp. Hồi trước, chuyện cho con ăn học như gia đình anh Thạch Dư chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng giờ đây khi đời sống của đồng bào Khmer ngày càng được cải thiện thì chuyện lo cho con ăn học như thế không còn là chuyện hiếm.
Vợ chồng ông Thạch Chia- Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Mỹ có 3 con gái thì cả 3 đều tốt nghiệp đại học và hiện làm giáo viên, cuộc sống ổn định. Ông Thạch Chia tâm sự:
“Vợ chồng mần lúa, chăn nuôi rồi ai kêu gì mần đó mới tích cóp mua được 6 công ruộng. Nghĩ sau này, có chia 1- 2 công cho tụi nhỏ mần thì khó vẫn hoàn khó, nên chỉ có sự học mới thay đổi cuộc sống”.
Ông Thạch Chia khoe: “Nguyên ấp Sóc Ruộng này, con cháu người Khmer tốt nghiệp đại học nhiều lắm. Ấp có 32 gia đình hiếu học thì mỗi gia đình có từ 2- 3 con có bằng đại học đó”.
Có những người còn lo cho chuyện chung của cả sóc, nên sẵn sàng hiến đất xây trường như anh Thạch Thư (ấp Trà Mòn, xã Tân Mỹ). “Đất này mần ruộng cũng chỉ đủ gạo ăn, còn tui tặng đất xây trường thì giúp cho biết bao thế hệ”- anh Thạch Thư chất phác bộc bạch về nghĩa cử hiến gần 2.000m2 đất cho xã xây Trường Tiểu học Tân Mỹ B.
2 đứa con trai anh cũng học tại ngôi trường này. Giờ đây, em Thạch Chanh Sô Chiết tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và đã có việc làm ổn định.
Em Thạch Chanh Khê Ma Rích đang học đại học. Anh Thạch Thư cười hào sảng:
“Tui nghèo thiệt, mần mướn để lo cho con ăn học đó. Vợ tui thì nấu cơm cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ở Tam Bình. Nhưng tui hổng thấy tiếc, tui đã học không tới đâu nên có ít đất, giờ phải tạo điều kiện để cho con cái mình biết chữ. Tiền bạc không mua được tri thức đâu. Có chữ thì cuộc sống sau này của tụi nhỏ mới khá hơn mình được chớ”.
Một cái nhìn toàn diện
Từ thực tế thành công của những cá nhân, thành công của những địa phương, chúng ta có thể nhận thấy rằng có mấy vấn đề cốt lõi trong bài toán thoát nghèo của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Trước tiên, những chính sách ưu đãi, cộng với nhiều chương trình mục tiêu quốc gia được xem là nền tảng vững chắc ổn định đời sống, thay đổi diện mạo nông thôn; nhưng cái lợi thế này phải được áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng đặc thù của địa phương.
Ngay ở mỗi địa phương, cũng phải có những mô hình đa dạng dành riêng cho mỗi địa bàn khác nhau, để từ đó những đồng vốn hỗ trợ, vốn vay mới phát huy được hiệu quả cao nhất.
Cụ thể như Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu đang xây dựng đề án, mà trong đó phân ra từng vùng địa lý để phát triển những mô hình khác nhau, như: vùng đánh bắt trên biển, vùng khai thác thủy sản gần bờ, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng trồng lúa, trồng màu,…
Phát huy vai trò của những cá nhân nòng cốt, tạo nên sự liên kết hỗ trợ giữa người giàu và người nghèo. Trong đó, hỗ trợ về tư liệu sản xuất như đất đai hoặc con giống; hỗ trợ về phương pháp, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, như trường hợp ở An Giang.
Cùng sống chung phum sóc, họ dễ gần gũi, đồng cảm, sẻ chia với nhau hơn, tiếng nói có hiệu quả hơn. Cách làm này vừa “ghé vai” gánh bớt một phần trách nhiệm cộng đồng cùng với chính quyền địa phương, vừa thắt chặt hơn “nghĩa tình phum sóc”, tạo sự ổn định, an ninh trật tự xã hội.
Một vấn đề có tính bao trùm, đó là nguồn cán bộ giỏi người dân tộc Khmer. Chúng ta nhận thấy, ở đâu có cán bộ giỏi, tâm huyết, nói cùng tiếng nói với đồng bào, hiểu nếp ăn, nếp nghĩ của đồng bào thì ở đó dễ vận động tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; dễ vận động bà con thực hiện các đề án, các phương thức làm ăn mới.
Tuy nhiên, vấn đề nguồn cán bộ cơ sở vừa yếu, vừa thiếu là tình trạng chung của toàn vùng. Do đó, cần thiết làm thay đổi suy nghĩ của bà con, nếu càng khó khăn thì càng cố gắng lo cho việc học của con cháu trong mỗi gia đình.
Việc học giải quyết được nhiều mục tiêu: vừa thoát nghèo bền vững trong những thế hệ tương lai vừa là “hạt giống tốt” để có thể phát triển đào tạo cán bộ nguồn cho mỗi địa phương. Về vấn đề này, Vĩnh Long đã làm rất tốt phong trào khuyến học và tỉnh Hậu Giang đã thực hiện đề án đào tạo nguồn cán bộ trong đồng bào Khmer rất hay.
Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách dân tộc, điều dễ nhận ra là hiệu quả to lớn đã thực sự “ngấm” vào thực tế cuộc sống, kinh tế- xã hội vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL đã tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Tỷ lệ thoát nghèo bền vững giảm trung bình 3- 4 %/năm. Đặc biệt, ngày càng có nhiều gia đình khá lên, những tỷ phú người Khmer không còn là chuyện hiếm hoi nữa. Dù vẫn còn đó nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều địa phương chưa có những giải pháp hữu hiệu, nhưng phải công nhận rằng bức tranh toàn cảnh với gam màu sáng đã trở thành chủ đạo.
Lạc quan một cách có cơ sở rằng: nếu những nhân tố tốt, những mô hình hay được các địa phương đặc biệt quan tâm, tiếp tục nhân rộng, thì bà con Khmer Nam Bộ sẽ thoát nghèo và làm giàu bền vững nhiều hơn nữa trong tương lai không xa.
Tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương giảm bình quân 3- 4 %/năm, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 80%, hộ có nước sạch sử dụng đạt trên 90%. Hầu hết các hộ Khmer có khó khăn bức xúc về nhà ở đều được hỗ trợ, có nơi đạt gần 100%. Đặc biệt các công trình giáo dục được quan tâm đầu tư đúng mức đã giúp nâng cao dân trí, đào tạo ngày càng nhiều nhân tài. Hiện nay, toàn vùng có khoảng 240.000 học sinh Khmer ở các cấp học, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt trên 90%. |
Bài, ảnh: NHÓM PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin