
Chạy xuyên qua 2 huyện vùng biên Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang), chúng tôi nhận thấy một phần vùng đất bán sơn địa, phần thì đất đai cằn khô thiếu nước, làm ruộng phải có nhiều đất và giỏi lắm mới khá được.
Chạy xuyên qua 2 huyện vùng biên Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang), chúng tôi nhận thấy một phần vùng đất bán sơn địa, phần thì đất đai cằn khô thiếu nước, làm ruộng phải có nhiều đất và giỏi lắm mới khá được.
Nông thôn mới ở Tịnh Biên.
Nhưng do biết dựa vào đặc thù vùng biên, bà con Khmer ở đây đã đi lên mạnh mẽ từ việc nuôi bò vỗ béo. Từ đó đã đưa hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững, cùng với những ông “chủ trại bò” lúc nào cũng có tiền tỷ… trong chuồng.
“Ngân hàng bò” từ thiện
Ở huyện Tri Tôn, hiện nay có mô hình rất độc đáo từ việc liên kết giữa người giàu và người nghèo để chăn nuôi bò. Trước tiên, điều này giảm được gánh nặng ngân sách địa phương dành hỗ trợ người nghèo; quan trọng hơn nó thể hiện nét đẹp truyền thống của “nghĩa tình phum sóc”. Câu chuyện này bắt đầu từ anh Chau Sóc (ấp Ninh Lợi, xã An Tức- Tri Tôn).
Anh Chau Sóc (43 tuổi), nhớ lại hơn 20 năm trước ngày mới lập gia đình, với mấy công ruộng mỗi năm chẳng dư được mấy đồng, mà đụng cái gì cũng phải… xúc lúa trong bồ. Rồi mấy đứa con lần lượt ra đời, khó chồng thêm khó.
Nhờ vốn hỗ trợ của Nhà nước, gom góp vốn liếng của gia đình, Chau Sóc lặn lội lên chợ biên giới Vĩnh Gia mua những con bò đầu tiên về vỗ béo. Sau 3 tháng cần cù, ngày ngày từ 4 giờ sáng thức dậy đi cắt cỏ, chiều chạy xe đi cắt một đợt nữa, 3 con bò đầu tiên bán được gần trăm triệu đồng.
Tiền lời sau mỗi đợt bò, được đắp vào tiền vốn nên dần dần “nở chuồng” lên 5 con, 10 con… Lúc chúng tôi đến, trong chuồng bò của anh đã có 50 con, trị giá trên tỷ đồng. Đó là chưa kể số bò anh mua về cho các hộ nghèo trong ấp nuôi “ăn chia”.
Anh Chau Sóc bỏ vốn mua bò về, rồi cho những hộ nghèo trong phum sóc nuôi. Cứ 1 con bò khoảng 10 triệu đồng, khi bán được khoảng 20- 30 triệu đồng, số tiền lãi từ bán bò sẽ chia đôi. Những người làm tốt thì anh tăng số bò lên 3 con, 4 con, chỉ sau vài năm là họ có thể thoát nghèo, có vốn tự mua bò về nuôi.
Giờ đây, ở Tri Tôn cũng có nhiều người làm theo cách này, cho tới nay chưa có ai thất bại. Bởi những người được giao bò mừng lắm, họ rất cố gắng chăm sóc vỗ béo bò chu đáo để mau bán được, nên đôi bên cùng có lợi.
Cùng với “ngân hàng bò” từ thiện của người dân, thì Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tri Tôn, cũng có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với bà con Khmer nghèo, nhiều hộ nghèo đang trở thành những “ông chủ” mới nổi, đang xây lên những căn nhà mới khang trang.
Chúng tôi ghé thăm anh Chau Van Ny (34 tuổi, Khóm 4, thị trấn Tri Tôn) khi anh đang xây dở dang căn nhà mới. Phía sau là chuồng bò 8 con được chăm sóc cẩn thận nên chúng rất béo tốt, lông mướt rượt, mỗi con trị giá không dưới 30 triệu đồng. Chỉ cách đây 3 năm thôi, gia đình anh còn thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Thật bất ngờ!
Ban đầu được vay vốn 10 triệu đồng, Chau Van Ny chỉ mua được 1 con bò, sau thời gian ngắn anh bán ra được trên 20 triệu và trả tiền đầy đủ vốn vay.
Xét thấy là người chí thú làm ăn, có uy tín nên Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định cho vay với số vốn lớn hơn để anh có thể gầy dựng vươn lên làm giàu. Từ 30 triệu vốn vay mới, anh dồn hết mua bò, giờ đây chuồng bò của anh trị giá trên 200 triệu đồng, có thể nói vài năm nữa thôi anh sẽ là “ông chủ” trại bò mới của thị trấn Tri Tôn này.
“Điều quan trọng là phải biết chịu cực, chí thú làm ăn chứ không thể ỷ lại đồng vốn vay. Đặc biệt, nuôi bò tuy dễ nhưng cũng phải biết “nhìn tướng” bò, nếu là bò nái thì phải như thế nào? Có như thế, việc mua đi bán lại như thế này sẽ ít rủi ro, đồng lãi sẽ ngày một tăng lên…”- anh Chau Van Ny chia sẻ.
Rõ ràng con bò đã trở thành “đòn bẩy” hiệu quả đưa đời sống bà con Khmer vùng biên này đi lên thấy rõ. Nói về “con bò vùng biên”, không thể không nhắc đến nhân vật 59 tuổi cũng tên Chau Sóc ở xã An Phú (Tịnh Biên).
Người khai sinh chợ bò Tà Ngáo
Trên đường vô Ô Tà Ban (Tịnh Biên), chúng tôi ghé xã An Phú thăm nhà ông Chau Sóc, để tìm hiểu thêm ngọn nguồn của chợ phiên Tà Ngáo ở ấp Phú Tâm.
Tuy gọi là chợ phiên nhưng cảnh mua bán bò diễn ra mỗi ngày. Nhiều lái buôn ở khắp các tỉnh- thành ĐBSCL, từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng kéo về đây trao đổi mua bán bò. Bình quân mỗi ngày có khoảng 400- 500 con trâu, bò được bán ra.
Tỷ phú Chau Sóc (Tri Tôn) bên đàn bò tiền tỷ trong chuồng.
Ông Chau Sóc nhớ lại, trước đây cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. 11 công đất trồng lúa thường xuyên thất bát do thiếu nước tưới tiêu. May mà, năm 2000 được Nhà nước cho vay 50 triệu đồng phát triển kinh tế, ông đã đầu tư toàn bộ vào việc nuôi bò.
Đầu tiên ông cưa thốt nốt hàng trăm tuổi để xây dựng trang trại và tận dụng đất hiện có chuyển sang trồng cỏ. Với chiếc Honda cup 50 cà tàng, ông sang tận Campuchia mò mẫm về tận vùng nông thôn, để mua bò về nuôi vỗ béo một thời gian và bán lại kiếm lời.
Công việc mua bán ngày càng trôi chảy, lợi nhuận từ việc mua bán bò ngày một nhiều hơn. Nhiều người thấy vậy nên làm theo và cũng đều phất lên. Cũng từ đó, mà năm 2006 chợ bò Tà Ngáo chính thức được thành lập. Hiện nay, 4 người con của ông Chau Sóc đều đã gả cưới, mỗi người ra riêng, được ông cho… 4 con bò giống làm vốn.
Đối với bà con vùng biên này, gọi con bò là “con thoát nghèo” cũng đúng, mà gọi là “con làm giàu” cũng không sai. Con bò đã giúp đời sống bà con đi lên. Từ đó, diện mạo nông thôn vùng biên cũng đổi thay thấy rõ. Những con đường nông thôn thênh thang, ngang dọc như bàn cờ kết nối các phum sóc như gần nhau hơn.
Việc liên kết giữa người giàu và người nghèo để nuôi bò, đã thể hiện nét đẹp truyền thống của “nghĩa tình phum sóc”. Có thể nói, người dân Khmer vùng biên đã tận dụng được lợi thế sẵn có, cộng với sự cần cù chịu khó, mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu một cách bền vững. |
Kỳ 3: “Đòn bẩy” khoa học kỹ thuật
Bài, ảnh: Nhóm PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin