Nghề dệt len giúp xóa đói, giảm nghèo

07:04, 01/04/2014

Sau 5 năm học nghề đan len và kỹ thuật sửa chữa máy đan len, anh đã táo bạo trở về vùng quê nghề mở ra cơ sở dệt len Trung Tính, tạo bước ngoặt mới cho hơn 70 bà con vùng quê nông thôn có công ăn việc làm.

Sau 5 năm học nghề đan len và kỹ thuật sửa chữa máy đan len, anh đã táo bạo trở về vùng quê nghề mở ra cơ sở dệt len Trung Tính, tạo bước ngoặt mới cho hơn 70 bà con vùng quê nông thôn có công ăn việc làm.

Anh là Nguyễn Văn An (34 tuổi), đoàn viên thanh niên, hội viên Hội Nông dân ở ấp Phú An (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) vừa là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Trung Tính vừa đảm nhiệm kỹ thuật.


Công nhân dệt len.

Ước mơ

Trong căn nhà trước Đường tỉnh 907 thuộc ấp Phú An, chúng tôi được trực tiếp tham quan mô hình sản xuất dệt len, cảm nhận được niềm vui với sinh hoạt nhộn nhịp, tất bật của HTX Trung Tính do anh Nguyễn Văn An làm chủ nhiệm.

Anh An sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, học hành dang dở. Học đến lớp 9 thì anh nghỉ học, lao vào kiếm sống giúp gia đình bữa cháo, bữa rau qua ngày. Ước mơ làm kinh tế xóa đói luôn cháy bỏng trong anh, anh muốn thay đổi cuộc sống bản thân trên mảnh đất nơi mình sinh ra.

Một thời gian làm hướng dẫn viên du lịch, An thấy khó mà chắp cánh ước mơ của mình. Năm 25 tuổi, anh được vào làm công ty dệt len Cekavina của Hàn Quốc đóng ở TP Hồ Chí Minh. Anh nhận ra công việc này có thể giúp anh thực hiện ước mơ của mình.

Từ đó, anh cố gắng học hỏi tay nghề và kỹ thuật sửa chữa thật tốt. Sau 5 năm, anh xin về quê nhà làm công ty “con” cho Công ty Cekavina, mở ra cơ sở đào tạo tay nghề, giúp bà con có việc làm.

Anh An cho biết: Tháng 9/2009, gia đình tạo điều kiện cho anh thành lập cơ sở dệt len có 40 máy, địa phương vận động tạo bước ngoặt mới, cùng Sở Công thương kết hợp mở ra lớp dạy kỹ thuật đan len, ăn cơm miễn phí tại nhà anh. Khóa học từ 45 ngày đến 60 ngày. Hiện nay, đã qua 3 khóa học và có hơn 80 học viên tốt nghiệp.

Sau khi học được nghề dệt len, các anh chị trong xã đã sống khỏe với nghề. Công nhân ăn lương theo sản phẩm thu nhập ổn định từ 2- 4 triệu đồng và có hộ nghề dệt len đã trở thành nghề chính.


Anh Nguyễn Văn An sửa máy.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (xã Trung Nghĩa) cho biết: “Bà con chúng tôi rất biết ơn anh An đã đem nghề đan len về địa phương, tạo cho chúng tôi công ăn việc làm ổn định. Chúng tôi luôn cố gắng vì đây là một nghề đòi hỏi tính nhẫn nại, tỉ mẩn và kinh nghiệm”.

Nhờ được nâng cao kỹ thuật dệt bằng máy, xưởng mạnh dạn đầu tư máy móc gia công. Tháng 5/2012, cơ sở anh được thành lập HTX có 80 máy đan len và 70 công nhân.

Ưu điểm của HTX Trung Tính là gia công nhiều công đoạn như thân trước, thân sau, tay, cổ áo, túi… để Công ty Cekavina hoàn thành sản phẩm xuất ra nước ngoài. Mỗi tháng trung bình HTX gia công 20.000 sản phẩm các loại. Lúc nào hàng ít mới nhận hàng thêu trong nước.

Điều khó khăn trăn trở của anh An là công nhân chưa có tác phong công nghiệp, nên khi công ty cần gấp hàng thì rất trở ngại, cũng như vốn tự có còn thiếu nên chưa trang bị được máy sử dụng nhiều công đoạn.

Hiện anh An bố trí 40 máy thêu cho công nhân đan len tại chỗ và 40 máy dành cho các công nhân đạt tay nghề thêu giỏi đem về nhà, trong đó có 8 máy thêu tự động. Anh cho biết giá bình quân mỗi máy khoảng 5 triệu đồng.

Anh An vui vẻ cho biết: “Trong tương lai rất gần, khi Đường tỉnh 907 hoàn tất, anh sẽ sửa chữa HTX Trung Tính khang trang, có tiện nghi và đầu tư trang bị thêm máy móc để đưa nông thôn quê mình lên tầng cao mới.

Bài, ảnh: THỤY MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh