Năm 2014, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những cơn siêu bão - là nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 4-4.
Năm 2014, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những cơn siêu bão - là nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 4-4.
Với nhận định trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý các bộ, ngành trung ương cũng như các địa phương ngay từ bây giờ triển khai các biện pháp để ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Thời tiết bất thường, ban ngày hóa thành ban đêm vào sáng 3-4 tại Quảng Ninh. |
Xuất hiện những bất thường
Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho rằng: Năm 2013 là năm ghi nhận được hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam đạt mức kỷ lục trong 50 năm qua. Đã có 14 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông.
Trong số 14 cơn bão hoạt động trên biển Đông có đến 9 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong số 9 cơn bão đổ bộ vào đất liền nước ta có đến 3 cơn bão có cường độ mạnh (e” cấp 12), đây cũng là một năm có kỷ lục về số cơn bão mạnh.
Năm 2013, đã xảy ra 31 đợt mưa lớn diện rộng, nhiều hơn rất nhiều so với các năm trước đây cùng thời kỳ. Đợt mưa lớn diện rộng đầu tiên trong năm 2013 xảy ra vào đầu tháng 5 trên khu vực các tỉnh Bắc bộ, đây cũng là điểm bất thường của mùa mưa năm 2013.
Đáng chú ý đợt mưa xảy ra trên khu vực các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Bình Định do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 14 cho tổng lượng mưa phổ biến từ 400 – 600mm, thậm chí một số nơi trên 900mm, đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của người dân.
Trận mưa xối xả chiều 4-4 tại Đà Lạt làm nhiều tuyến đường bị ngập. Trong ảnh: Một đoạn đường Quang Trung bị ngập, người dân phải đi tránh lên lề. |
Bên cạnh đó, hiện tượng rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền Bắc xảy ra vào nửa cuối tháng 12-2013; đặc biệt tại Sa Pa - Lào Cai lần đầu tiên xuất hiện mưa tuyết trên diện rộng trong vòng 30 năm trở lại đây. Đặc biệt là trận lốc xoáy kèm theo mưa đá lớn nhất trong hàng chục năm qua đã tàn phá nhiều nhà cửa, gây thiệt hại lớn về sản xuất đối với tỉnh Lào Cai vào cuối tháng 3.
Trong năm 2013, trên phạm vi cả nước đã xảy ra hơn 210 đợt dông, lốc, sét, mưa đá. Triều cường đã làm nhiều khu vực thấp trũng của TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh bị ngập sâu.
Đặc biệt đỉnh mực nước cao nhất tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn ngày 23-10-2013 đạt mức 1,68m, vượt mức báo động III là 0,18m. Đây là đỉnh mực nước cao nhất trong vòng hơn 60 năm qua.
Với tình hình thời tiết hết sức cực đoan trong năm 2013, đã làm 285 người chết và mất tích; 859 người bị thương; 12.185 nhà bị đổ, sập, trôi; 893.435 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 345.802ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp... Thiệt hại về tài sản lên đến 28.000 tỷ đồng.
Đối mặt với nhiều thảm họa
Ông Hoàng Đức Cường - quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho rằng, trong năm 2014, có khoảng 9 đến 10 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Đáng chú ý là khu vực phía Bắc sẽ hứng chịu những trận “siêu bão” với sức gió cấp 16-17, giật trên cấp 17; các tỉnh Trung bộ sẽ đối mặt với những cơn bão mạnh cấp 15-16.
Mặc dù số lượng những cơn bão dự báo sẽ ít hơn năm 2013, nhưng với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp, các địa phương sẽ đối mặt với nhiều thảm họa.
Tuyến đường Hoàng Sa (Đà Nẵng) bị tàn phá nghiêm trọng trong cơn bão số 11 năm 2013. Ảnh: NGUYỄN HÙNG |
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, dẫn chứng: Vẫn còn tư tưởng chủ quan trong một số bộ phận nhân dân nên chưa chủ động chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu theo hướng dẫn, chỉ đạo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, nên đã gây hậu quả đáng tiếc như vụ 2 tàu của Nghệ An trong bão số 6 bị chìm làm chết và mất tích nhiều người.
Hay vụ 15 tàu cá của Quảng Ngãi hoạt động ở Hoàng Sa và neo đậu tại đảo Hải Nam trong cơn bão số 3 đã tắt máy liên lạc, gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo, chỉ huy. Bên cạnh đó, khi có lũ, bão, ở cấp xã và một số huyện miền núi triển khai chưa tốt việc hướng dẫn hoặc cấm người đi qua suối, ngầm, vớt củi khi có lũ nên đã có không ít trường hợp bị lũ cuốn trôi.
Trong khi đó, đại diện Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh Phú Yên, Quảng Nam và TP Đà Nẵng, cho rằng: Việc các hồ thủy điện xả lũ trong thời gian qua cũng góp phần làm cho thiệt hại của người dân vùng hạ du tăng cao.
Không những thế, mức độ an toàn của các đập, hồ chứa trên địa bàn miền Trung đã đến mức báo động khi có đến gần 30 hồ đập bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đây là hiểm họa thường trực, treo lơ lửng trên đầu của hàng chục vạn hộ gia đình. Chỉ cần một hồ có sức chứa trên 1 triệu m³ nước vỡ đập ngay trong lúc mưa lũ thì thảm họa thật khôn lường.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Trong năm 2013 tình hình thời tiết quả là hết sức bất thường khi hàng loạt cơn bão lớn đổ bộ vào nước ta. Cùng với đó là những trận lũ lịch sử đã nhấn chìm nhiều nơi.
Với tinh thần chủ động, chúng ta đã huy động gần 640.000 lượt người, hơn 10.000 phương tiện tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả. Từ đó đã cứu được 4.500 người. Đây là thành công rất lớn của chúng ta”.
Tuy nhiên, với nhận định về tình hình thời tiết bất thường trong năm 2014, các địa phương phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, lồng ghép các cơ chế chính sách hỗ trợ về nhà ở để đảm bảo hiệu quả Chương trình “Hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung”, triển khai nhân rộng mô hình thí điểm áp dụng trên địa bàn 14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung để hỗ trợ cho khoảng 60.000 hộ nghèo cải thiện nhà phòng, tránh lũ, lụt.
Ngoài ra, việc khảo sát, di dời người dân vùng sạt lở, vùng lũ quét cũng cần được chú trọng. “Các địa phương nếu thiếu kinh phí thì báo cáo với Trung ương ngay. Không thể để người dân sống trong vùng nguy hiểm. Địa phương nào để người dân thiệt mạng vì chậm di dời thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin