Nguy cơ mất quyền lợi BHXH, BHYT

10:04, 11/04/2014

Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long khi tuyển dụng lao động vào làm việc không kiểm tra chặt chẽ hồ sơ nên không phát hiện tình trạng người lao động mượn hồ sơ người khác để xin việc làm. Đến khi phát sinh các quyền lợi về BHXH, người lao động có nguy cơ mất quyền lợi vì xét về mặt pháp lý việc cho và mượn hồ sơ người khác để xin việc làm là sai quy định của pháp

Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long khi tuyển dụng lao động vào làm việc không kiểm tra chặt chẽ hồ sơ nên không phát hiện tình trạng người lao động mượn hồ sơ người khác để xin việc làm. Đến khi phát sinh các quyền lợi về BHXH, người lao động có nguy cơ mất quyền lợi vì xét về mặt pháp lý việc cho và mượn hồ sơ người khác để xin việc làm là sai quy định của pháp luật… 

Người lao động không nên mượn hồ sơ người khác đi xin việc, vì có thể mất quyền lợi về bảo hiểm.Ảnh minh họa: VINH HIỂN

Tại Công ty TNHH C.H., người cho mượn hồ sơ là chị P.T.H. kể: “Trong thời gian tôi làm việc cho Công ty L.S. thì chị ruột của tôi khó khăn về tiền bạc, rất cần có công việc để làm mà các giấy tờ tùy thân của chị bị mất hết. Do nhận thức kém, tôi đã cho chị tôi là P.T. K. mượn hồ sơ đi làm tại Doanh nghiệp T.X”.

Trong trường hợp này, cả hai người đều có tham gia BHXH nhưng trên giấy tờ chỉ có một người đứng tên 2 sổ BHXH.

Ngày 27/6/2013, chị P.T.H. làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng, đã nhận tiền được một tháng.

Ngày 30/8/2013 chị P.T.H. lại đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thay cho chị P.T.K. thì bị Trung tâm Giới thiệu việc làm phát hiện. Sau đó, các cơ quan liên quan phải xem xét, đi đến thống nhất là kiến nghị Thanh tra Sở Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính rồi mới cho làm thủ tục điều chỉnh hồ sơ giải quyết trợ cấp thất nghiệp.

Cách đây một năm cũng xảy ra trường hợp tương tự. Ngày 23/1/2012, anh T.Đ.L. (người cho mượn hồ sơ) đã đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Vĩnh Long làm thủ tục và đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng với số tiền 3,4 triệu đồng.

Sau đó, ngày 23/7/2012, anh T.Đ.L. lại đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Vĩnh Long làm thủ tục cho anh mình (người mượn hồ sơ) xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cả hai người đều có thời gian tham gia BHXH trùng nhau, trên giấy tờ là một người nhưng có 2 sổ BHXH,…

Việc người lao động mượn hồ sơ mang tên người khác để đi làm và tham gia BHXH, BHYT không chỉ gây khó khăn, phức tạp cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng của mình, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động sau này về các quyền lợi liên quan đến BHXH, BHYT, chế độ hưu trí...

Nếu cơ quan BHXH phát hiện các trường hợp như vậy thì sẽ xử phạt hành chính đối với người lao động vi phạm. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt, người lao động mới được cơ quan BHXH hướng dẫn điều chỉnh đúng nhân thân của mình trước khi được giải quyết các chế độ về BHXH. Trường hợp đã thanh toán xong các chế độ mới phát hiện không đúng đối tượng thì BHXH thu hồi tiền trợ cấp đã chi trả.

Nhiều trường hợp khác cho thấy, người cho mượn tên là người có đầy đủ giấy tờ pháp lý để nhận các trợ cấp chứ thực chất không tham gia đóng BHXH, BHYT.

Về nguyên tắc, nếu hồ sơ BHXH không đúng người tham gia (căn cứ vào CMND) thì cơ quan BHXH không thể giải quyết các chế độ. Song, do đây là một thực tế ảnh hưởng đến quyền lợi của rất đông lao động nên cơ quan BHXH tỉnh Vĩnh Long phải xem xét từng trường hợp để cho phép điều chỉnh hồ sơ. Những trường hợp tương tự sẽ được cấp lại sổ BHXH cộng dồn thời gian đã đóng trước đó.

Tuy nhiên, việc mượn giấy tờ của người khác để xin việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp quyền lợi BHXH mà người lao động khó thể lường trước. Để bảo đảm quyền lợi của mình, người lao động cần tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ngày 25/3/2014, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 976/BHXH-CSXH về việc tăng cường công tác quản lý đối tượng hưởng chế độ BHXH một lần, chỉ đạo BHXH các tỉnh nghiêm túc rà soát sổ BHXH, hồ sơ trên cơ sở dữ liệu do Trung tâm Công nghệ thông tin đang quản lý để việc tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội ngày càng tốt hơn.

Có trường hợp do yêu cầu tuyển lao động tốt nghiệp THPT nên người lao động mới học THCS phải mượn hồ sơ của anh chị (em). Có trường hợp mượn hồ sơ xin việc đơn giản vì “có sẵn và có xác nhận của chính quyền, khỏi phải đi tới đi lui mất thời gian” hoặc vì chưa đủ tuổi…

Có trường hợp mượn hồ sơ xin việc, đến khi làm thủ tục hưởng BHYT và chế độ thai sản mới tá hỏa. Nhập viện bằng tên người khác nên rắc rối xảy ra là bé sinh ra dĩ nhiên mang tên người trong sổ chứ không phải mang tên mẹ đẻ.


NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh