Xóm... điện câu đuôi

06:03, 25/03/2014

Trả chi phí cao do tổn thất điện năng và nguy cơ mất an toàn do sử dụng điện câu đuôi là tình cảnh nhiều năm nay của một số hộ dân ở xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long). Theo người dân ở đây, dù ý thức được nguy hiểm nhưng vì nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nên họ đành chấp nhận.

Trả chi phí cao do tổn thất điện năng và nguy cơ mất an toàn do sử dụng điện câu đuôi là tình cảnh nhiều năm nay của một số hộ dân ở xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long). Theo người dân ở đây, dù ý thức được nguy hiểm nhưng vì nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nên họ đành chấp nhận.


Thiếu điện, người dân phải dùng máy dầu bơm nước tưới cây nên chi phí tăng cao.

Theo chân một cán bộ ấp Tân Phú, chúng tôi phải lội bộ quãng đường khá xa mới có thể tiếp cận được một số hộ dân để tìm hiểu nhu cầu điện sinh hoạt rất bức xúc ở đây.

Đây là khu vực khá xa trung tâm xã, nhưng lại là vùng chuyên canh cây ăn trái chủ lực của địa phương. Ven lối đi là những vườn xoài, ổi, cam… trĩu quả.

Ở mỗi vườn đều đặt máy bơm nước để tưới cây. Người dân cho biết, do điện câu đuôi yếu, nên đành chạy máy dầu để bơm, chi phí cao nhiều lần so với sử dụng mô tưa điện và đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ dân ở khu vực này.

Ông Trần Văn Hải (ấp Tân Phú) cho biết, sinh sống ở đây gần 20 năm nhưng chưa hề có điện sinh hoạt. Chung tình cảnh với nhiều bà con, hàng ngày, ông phải dùng máy dầu để bơm nước sinh hoạt và tưới cây.

Theo ông Hải, với 5 công vườn, bình quân mỗi tháng ông phải tốn 500.000đ tiền mua dầu chạy máy bơm. Quá bất tiện, khoảng 1 tháng trước, ông xin câu đuôi điện của một cơ sở kinh doanh cách đó hơn 500m.


“Mặc dù chi phí có giảm nhưng cũng không dám xài nhiều. Tháng rồi cũng tốn gần 100 ngàn chứ đâu có ít. Buổi tối chỉ dám mở 2 cái bóng đèn cho vui nhà vui cửa chút rồi tắt. Vậy mà điện cứ chập chờn, tivi thì lúc xem được lúc không. Mong sao ngành điện sớm kéo đường dây đến nhà để bà con có điều kiện sinh hoạt và sản xuất”- ông Hải cho biết.

Cũng vậy, gia đình bà Nguyễn Thị Bảy bấy lâu nay mòn mỏi chờ điện về. Gia đình đơn chiếc, các con có gia đình xa, chồng bà đã qua đời, nên “trời nắng nóng mà vài ngày không tưới thì cây héo hết”.
 
“Tui già rồi, không quay máy nổi nên mỗi lần muốn tưới cây thì phải ra đường ngồi đợi có ai đó đi ngang thì nhờ họ giúp. Mong sao có điện sớm để đầu tư hệ thống tưới phun chứ nhờ hàng xóm hoài ngại lắm”- bà Bảy cho biết.

Người dân cũng khổ sở với giá điện cao, điện năng tổn thất lớn còn phải nơm nớp lo sợ nguồn điện thiếu an toàn.

Đáng lo là nguy cơ cháy nổ các thiết bị điện, nhất là vào giờ cao điểm. Men theo con đường dọc tuyến kinh, không khó nhận ra những đường dây điện mắc chằng chịt không an toàn chỉ vừa cao hơn đầu người.
 
Dùng điện câu đuôi, người dân chỉ mắc dây đơn hoặc chỉ kéo tạm bợ trên những cành cây, thậm chí là quấn vòng quanh các bụi cây nên nguy cơ xảy ra tai nạn về điện luôn chực chờ. Hơn nữa, các đoạn dây chắp vá rất dễ bị chập mạch. Chỉ cần gió mạnh, cây ngã là có thể gây nguy hiểm cho người dân qua lại.


Đường dây hạ thế kéo qua ấp Tân Phú được một đoạn rồi ngừng mà người dân địa phương không hiểu nguyên nhân vì sao.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, đa số những hộ sử dụng điện câu đuôi và không có điện là những hộ ở xa bán kính đường dây hạ thế nên việc đầu tư tốn rất nhiều kinh phí.

Một số hộ cận nghèo không có khả năng vào điện kế chính. Riêng ấp Tân Phú trước đây có 1 tổ điện nhưng sau đó đã giao lại cho điện lực quản lý.

“Địa phương đã nhiều lần kiến nghị ngành điện đầu tư hệ thống lưới điện nhưng vẫn chưa nhận được động thái nào tích cực. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Công ty Điện lực sớm lắp đặt điện kế để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, góp phần giảm hao phí điện năng và đảm bảo an toàn”- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết.

Hiện trên địa bàn xã Tân Hòa có 122 hộ sử dụng điện câu đuôi và 9 hộ không có điện sử dụng. Theo người dân, điện câu đuôi rất yếu, không thể sử dụng mô tưa để tưới cây và mùa khô nhiều vườn thiếu nước tưới nên cây không phát triển, năng suất thấp. Điện yếu cũng dễ làm hư những đồ điện gia dụng trong nhà. Tuy nhiên, họ phải trả giá điện khá cao (2.500- 3.000 đ/KW).

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG – HOÀI NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh