Huyện Tam Bình là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Cuối năm 2013, huyện giảm 910 hộ nghèo, tỷ lệ giảm là 2,29%, vượt chỉ tiêu nghị quyết năm và là nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị. Năm 2014, huyện vẫn dành sự quan tâm, ưu tiên thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Huyện Tam Bình là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Cuối năm 2013, huyện giảm 910 hộ nghèo, tỷ lệ giảm là 2,29%, vượt chỉ tiêu nghị quyết năm và là nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị. Năm 2014, huyện vẫn dành sự quan tâm, ưu tiên thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Khi “cần câu” tới tay hộ nghèo
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện- Lê Ngọc Đức, mục tiêu giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ của hệ thống chính trị. Thời gian qua, huyện tập trung rà soát từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân loại theo từng nhóm đối tượng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; tiếp tục huy động và sử dụng hợp lý các nguồn vốn ưu đãi để giúp hộ nghèo vay vốn; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, trợ giúp pháp lý và các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo…
Xã Loan Mỹ là xã khó khăn, có hơn 43% dân số là người dân tộc Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo thuộc hàng cao nhất huyện. Song, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của nhiều chính sách nên hàng năm xã đều thực hiện đạt công tác giảm nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc Khmer.
Ra riêng với 2 bàn tay trắng, vợ chồng anh Võ Hữu Phúc (xã Loan Mỹ) phải lênh đênh trên chiếc xuồng nhỏ để thu mua ve chai. Số vốn vay 5 triệu đồng do Hội Nông dân xã Loan Mỹ giới thiệu đã làm nhẹ “gánh” công việc mưu sinh này của vợ chồng anh.
Con lớn của anh đang học đại học cũng nhờ vào vốn vay tín dụng sinh viên. Giờ đây, thu nhập hàng tháng của anh khoảng 4 triệu đồng, vợ chồng anh có thể lo cho 2 con ăn học.
|
Nhiều hộ nghèo huyện Tam Bình đã có những phần quà tết nghĩa tình.
|
Hội Phụ nữ xã Loan Mỹ đã khai thác hàng chục nguồn vốn, giúp hơn ngàn lượt phụ nữ nghèo được vay vốn phát triển sản suất, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn dưới 11,97%.
Chị Thạch Thị Phơ Ly (ấp Giữa) vươn lên thoát nghèo từ sự hỗ trợ vốn vay và sự giúp đỡ của chị em trong hội. Nhờ biết tính toán làm ăn, tiết kiệm chi tiêu nên chỉ trong vài năm cuộc sống gia đình chị đã thay đổi hẳn. Hiện, với tiền bán heo, cộng thêm tiền mua bán tạp hóa, thu nhập đủ lo cho các con ăn học.
Ông Lê Trí Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ cho biết: Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, xã đã tiến hành theo quy trình, cách thức xác định hộ nghèo công khai, qua nhiều bước như rà soát, điều tra hộ nghèo theo quy định, trên cơ sở đó từng tổ nhân dân tự quản nhận dạng nhanh những hộ có khả năng thoát nghèo, rơi nghèo, tái nghèo để lập danh sách.
Từ khâu điều tra nguyên nhân nghèo, nguyện vọng thoát nghèo, bình nghị ra dân, niêm yết công khai đến khi công nhận hộ nghèo thì thông qua các đoàn thể để vận động, hướng dẫn phương thức làm ăn hiệu quả.
Giảm nghèo thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội
Đến nay, làng nghề đan thảm lục bình ở xã Ngãi Tứ, xã Bình Ninh đã giúp giải quyết hàng ngàn lao động nông thôn, với mức thu nhập thêm từ 1- 2 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy nhiều hộ có nhiều người tham gia đã cải thiện được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
![]() |
Chị Đinh Thị Bé Hằng (Ấp 6B, xã Long Phú) được hỗ trợ nhà tình thương, tranh thủ đan lục bình để kiếm thêm thu nhập.
|
Chị Nguyễn Thị Lam (xã Ngãi Tứ) không có ruộng vườn, phải nuôi cha bệnh, con nhỏ, nhờ nghề đan thảm mà những năm qua chị sống ổn định với nghề. Tay thoăn thoắt đan từng sợi lục bình khô để làm thảm dĩa, chị Bé Tâm (ấp An Phong, xã Ngãi Tứ) cho biết: “Đan thảm để có công ăn chuyện làm lúc rảnh, có thêm đồng ra đồng vô lo cái ăn hàng ngày mà còn có thể phụ thêm tiền học cho con, cũng đỡ lắm”.
Trong năm 2013, BCĐ giảm nghèo huyện Tam Bình tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Qua đó, mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo đạt trên 90%; hỗ trợ cho trên 200 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay với trên 12,3 tỷ đồng; giới thiệu việc làm cho gần 7.000 lao động;… Nhờ vậy, trong năm Tam Bình giảm 2,29% hộ nghèo, đạt 114,5% so với kế hoạch.
Phó Chủ tịch UBND huyện- Lê Ngọc Đức phấn khởi, kết quả các chương trình giảm nghèo đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Nhiều hộ nghèo có quyết tâm vươn lên thoát nghèo; người nghèo, cận nghèo có đời sống ngày càng ổn định hơn.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của huyện vẫn còn hạn chế, thu nhập của bộ phận nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao đặc biệt ở xã Loan Mỹ có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thực hiện giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn; bộ phận hộ nghèo chưa chí thú làm ăn còn trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ của cộng đồng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện- Lê Ngọc Đức cho biết: Huyện thường xuyên rà soát, phân loại các nguyên nhân nghèo theo các nhóm hộ để đề xuất các chính sách trợ giúp phù hợp; có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, giúp hộ nghèo tự lực vươn lên, không để tái nghèo.
Đồng thời, huyện sẽ nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, có chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo để giúp họ thoát nghèo bền vững. Song song đó, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tránh nguy cơ phát sinh nghèo.
Hiện huyện còn trên 1.880 hộ nghèo (chiếm 4,7%), trong đó hộ nghèo dân tộc là 279 hộ. Song, toàn huyện vẫn còn 478/1.883 hộ không có khả năng thoát nghèo, do là đối tượng bảo trợ xã hội, bị rủi ro, người già neo đơn... Riêng số hộ không chí thú làm ăn, lười lao động, mắc các tệ nạn xã hội chiếm 0,79% so tổng số hộ nghèo.
|
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin