Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo lời Bác”, từ quý IV/2010, các cấp Hội Người tù kháng chiến (NTKC) tỉnh đã phát động phong trào “bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội” với việc làm thiết thực này đã giúp cho nhiều hội viên (HV) vượt qua khó khăn, bệnh tật, hăng say lao động, cải thiện cuộc sống.
Từ số vốn nhận được, bà Năm (trái) dùng để đầu tư trồng trọt trên khoảnh sân trước nhà.
Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo lời Bác”, từ quý IV/2010, các cấp Hội Người tù kháng chiến (NTKC) tỉnh đã phát động phong trào “bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội” với việc làm thiết thực này đã giúp cho nhiều hội viên (HV) vượt qua khó khăn, bệnh tật, hăng say lao động, cải thiện cuộc sống.
Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình kinh tế của HV, bà Lê Hồng Ri- Chi hội trưởng Chi hội NTKC ấp An Phước (xã Trung An- Vũng Liêm) khoe:
“Ngay khi hội cấp trên phát động phong trào “bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội”, tôi về triển khai là ai nấy đều gật đầu cái rụp liền. Đến nay, tuy có nhiều HV đã qua đời (toàn chi hội chỉ còn 8 HV) nhưng con cháu HV vẫn thay cha mẹ tham gia để tiếp tục duy trì phong trào”.
Theo bà Lê Hồng Ri: “Chỉ cần bỏ ống 10.000 đ/ngày thì mỗi tháng đã có thể cho “heo ăn” 300.000đ. Bản thân tôi, sau khi “đập ống”, tôi mua con bò nái về nuôi, đến nay đã có đàn bò lũ khũ. Sắp tới, khi nhận vốn, tôi định sẽ mua thêm cây giống (dừa, sầu riêng) về trồng để dưỡng già”.
Là người tiên phong trong “đội quân tóc dài”, thời chiến, bà Lê Hồng Ri đã cầm cờ đầu, biểu tình đòi Pháp phải nhượng bộ, đừng bắn, đừng đánh đập dân. Không chỉ kiên cường ngoài chiến tuyến, mà cả khi ở mặt trận đặc biệt “đấu tranh trong tù”, qua 2 lần bị địch bắt tù đày, chịu không biết bao nhiêu trận đòn roi đến “chết đi sống lại”, nhưng bà và những người bạn tù vẫn nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường của người cán bộ, chiến sĩ cách mạng.
Hòa bình lập lại, vừa tăng gia lao động sản xuất, bà vừa tham gia Ban Liên lạc tù chính trị chỉ để thăm hỏi những đồng đội đã cùng bà “tấm chăn xẻ nửa”, người hơi khỏe chịu đòn thay người yếu... Đến khi thành lập Hội NTKC, bà lại tiếp tục có những hoạt động phối hợp giải quyết chính sách, tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ và chăm lo đời sống cho HV.
Là người đầu tiên trong chi hội được ưu tiên nhận vốn trước từ phong trào “bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội”, ông Nguyễn Văn Bảy đã dùng số tiền “bỏ ống” của tập thể để sang sửa nhà cửa, mở quán bán cháo. Những lần nhận vốn tiếp theo, ông lại tu bổ chút đỉnh cho quán ăn nhỏ ngày càng khang trang hơn, nên gia đình ông giờ có thể sống “khỏe re”.
Gia đình bà Lan (bìa phải) đang thu hoạch cải bán.
Hôm chúng tôi đến thăm, cũng là lúc gia đình bà Dương Thị Lan (79 tuổi) đang nhổ cải xanh đem bán. Trong những tháng ngày bom rơi, lửa đạn đã làm cho bà Lan mất đi thính lực, cộng với tuổi cao nên cuộc chuyện trò đôi lúc bị ngắt quãng vì bà lúc nhớ, lúc không.
Tuy sức khỏe ngày càng suy kiệt từ những trận đòn tra tấn dã man, nhưng khi hòa bình lập lại bà tiếp tục vượt qua nỗi đau, bệnh tật, chu toàn việc nhà, hăng say lao động sản xuất.
Đặc biệt là từ khi tham gia phong trào “bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội”. Mỗi lần nhận vốn, bà dùng để đầu tư chăn nuôi gà, bò và trồng rau cải các loại để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Tuổi cao, lại mang trong mình chứng cao huyết áp, đau nhức xương khớp và suy tim nên giờ đây các con đã thay bà làm nông và tiếp tục ủng hộ bà tham gia phong trào. Hiện, bà đã có thể an hưởng tuổi già, không còn vất vả lo cái ăn, cái mặc như trước đây nữa.
Cách nhà bà Lan không xa, bà Lê Thị Năm (79 tuổi) cũng vừa thu hoạch xong 200kg rau muống và cải các loại. Bán với giá 5.000 đ/kg, trừ chi phí, bà có thể bỏ túi rủng rỉnh vài trăm ngàn đồng. Bà cho biết: “Mỗi lần nhận tiền là tui dùng để mua phân, thuốc, cây giống để trồng rau muống, diếp cá, cải các loại... Nhờ vậy, cuộc sống gia đình cũng dễ thở hơn trước rất nhiều”.
Bà Lê Hồng Ri cho biết: “Từ số tiền nhận được từ phong trào “bỏ ống” đa số các HV nhận vốn đều dùng để chăn nuôi, trồng trọt và mua bán nhỏ. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lời trên 1 triệu đồng/tháng. Trong năm 2014 này, tôi dự kiến sẽ tăng số tiền “bỏ ống” lên 500.000 đ/tháng để giúp đồng đội tăng thêm nguồn vốn, phát triển kinh tế gia đình”.
Theo ông Huỳnh Tấn Phước- Chủ tịch Hội NTKC tỉnh: Từ số tiền tiết kiệm 500 đ/ngày để “bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội” trong BCH từ tỉnh hội đến hội cơ sở, đến nay, phong trào đã được nhân rộng ra toàn thể HV và con cháu HV. Nổi bật nhất là huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đã thu được số tiền hơn 520 triệu đồng, giúp cho 265 HV nhận vốn.
Qua phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả. Trong đó, nổi bật nhất là Chi hội NTKC ấp An Phước (xã Trung An- Vũng Liêm), tuy chỉ còn 8 HV nhưng đã huy động số tiền hơn 105 triệu đồng để giúp nhau vượt khó, thắt chặt hơn nữa nghĩa tình đồng đội. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin