Người dân cần đề cao cảnh giác

06:03, 25/03/2014

Tội phạm buôn bán người đang có những hoạt động rất phức tạp, nguy hiểm. Tính chất và hệ lụy của vấn nạn này đang làm ảnh hưởng xấu đến xã hội. Những nỗi ám ảnh, tổn thương về tinh thần, thương tích trên thể xác của các nạn nhân... là nỗi nhức nhối.

Tội phạm buôn bán người đang có những hoạt động rất phức tạp, nguy hiểm. Tính chất và hệ lụy của vấn nạn này đang làm ảnh hưởng xấu đến xã hội. Những nỗi ám ảnh, tổn thương về tinh thần, thương tích trên thể xác của các nạn nhân... là nỗi nhức nhối.

Phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan công an, Bộ đội Biên phòng, các ngành chức năng mà còn là của toàn xã hội.

Tổng đội Công an biên phòng Vân Nam (Trung Quốc) và Bộ Chỉ huy BĐBP hợp tác chặt chẽ, thường xuyên phối hợp triệt phá các đường dây buôn người, giải cứu nạn nhân.

Muốn thoát nghèo lại sa bẫy

Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, hiện cả nước có hơn 100.000 phụ nữ vượt biên, xuất cảnh với mục đích lấy chồng nước ngoài. Trong số này bao gồm cả những người vượt biên trái phép để tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, cư trú trái phép để tìm cách kết hôn với người nước ngoài rồi ở lại định cư.

Từ động cơ tìm cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo khổ, nhiều người vô tình dấn thân vào con đường phi pháp. Không ít phụ nữ, trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người. Kết cục chung của họ thường là bị bóc lột tình dục, cưỡng ép lao động, thậm chí nhiều trường hợp đã tử vong tại nước ngoài.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Phạm Văn Sỹ, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm mua bán người và tội phạm liên quan đến trẻ em, Cục Cảnh sát Hình sự cho biết:
 
“Qua công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản cho thấy, những kẻ buôn người thường tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở địa bàn khu vực biên giới và các chân rết ở nội địa dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em đi tìm việc làm nhưng thực chất là lừa đảo đem bán”.

Bọn buôn người tập trung chọn phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, có mâu thuẫn trong gia đình, đặc biệt là thanh niên đua đòi thích ăn chơi, lười lao động, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết để tiếp cận làm quen, dụ dỗ.

Chúng thường lợi dụng mối quan hệ thân tộc và sự nhẹ dạ của các thiếu nữ để làm quen, lừa đảo bằng thủ đoạn tìm việc làm, yêu đương, rủ đi tham quan du lịch rồi cùng đồng bọn bán họ sang bên kia biên giới, đưa vào các động mại dâm hoặc đẩy tới những vùng sâu, vùng xa để làm vợ bất hợp pháp.

Đại tá Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy BĐBP tỉnh Lào Cai cảnh báo: “Thủ đoạn mới nhất là chúng dùng các mạng xã hội như Facebook, Wechat để tìm đối tượng rồi làm quen. Từ đó tìm cách rủ đối tượng đi chơi tại các tỉnh có địa bàn biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai...

Gọi là đi chơi nhưng chúng đã lên kế hoạch, móc nối với các đối tượng ngoại biên đưa nạn nhân qua các đường tiểu mạch để vượt biên...”.

Đường dây buôn người ngày càng tinh vi

Ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Tổng đội Công an biên phòng Vân Nam (Trung Quốc) giải cứu 8 phụ nữ là nạn nhân bị mua bán.

Lực lượng chuyên trách BĐBP đã mật phục, triệt phá đường dây buôn bán người xuyên quốc gia, bắt 4 đối tượng cầm đầu, kịp thời đưa các nạn nhân trở về quê ăn Tết.

Đại tá Nguyễn Văn Thái cho biết: “Đây là đường dây buôn người lớn, hoạt động xuyên quốc gia. Thủ đoạn của chúng biến đổi khó lường và rất tinh vi, xảo quyệt.

Chúng công khai đưa phụ nữ từ các tỉnh phía Nam xuất cảnh theo diện du lịch, hứa tìm việc làm cho họ rồi lừa bán. Đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án”.

Theo điều tra, số phụ nữ này người trẻ thì bị bán vào các nhà chứa, những người khác bị bán cho các gia đình giàu có để làm giúp việc, vợ lẽ.

Sau khi bán người xong, chúng dùng tiền đưa cho gia đình nạn nhân và nói là tiền lương của con em họ. Nhận tiền của chúng nên ít người dám đứng ra tố giác, đành “ngậm đắng nuốt cay” suốt những năm tháng day dứt.

Năm 2013, các lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ và xử lý 135 vụ buôn bán người, với 83 đối tượng, 204 nạn nhân; trong đó bắt 79/81 đối tượng, giải cứu 65 nạn nhân; tiếp nhận 50 vụ, 2 đối tượng, 127 nạn nhân do các cơ quan chức năng của Trung Quốc và Cam-pu-chia trao trả.

Bộ đội Biên phòng đã xác lập 12 chuyên án, 5 kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với các đường dây buôn bán phụ nữ ra nước ngoài...

Người dân cần cảnh giác

Thượng úy Bùi Hồng Hà, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết: “Mỗi ngày, trạm làm thủ tục xuất nhập cảnh cho khoảng 2000 lượt khách, việc kiểm soát người qua lại không đơn giản.

Đơn vị hợp tác chặt chẽ với Đồn Hà Khẩu và Chi đội Công an biên phòng Châu Hồng Hà, Trung Quốc. Hai đồn cửa khẩu thường xuyên trao đổi thông tin, giao ban định kỳ, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân... Nhờ đó, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tội phạm buôn bán người nói riêng khá hiệu quả”.

Chúng tôi đồng tình với cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai rằng, trong đấu tranh với loại tội phạm này, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng là rất cần thiết, nhưng quyết định vẫn là người dân đề cao tinh thần cảnh giác, luôn tỉnh táo nhận diện sớm những thủ đoạn của kẻ xấu.
 
Mặt khác, công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, các ngành chức năng mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm nguy hiểm này.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh