Đưa nước sạch về nông thôn

07:03, 05/03/2014

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng với việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa mà hàng chục ngàn hộ dân nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã có nguồn nước sạch sử dụng. Qua đó, góp phần bảo đảm sức khỏe và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn.

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng với việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa mà hàng chục ngàn hộ dân nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã có nguồn nước sạch sử dụng. Qua đó, góp phần bảo đảm sức khỏe và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn.


Niềm vui của cô Thơm khi có nước sạch sử dụng.

“Có nước sạch, xài sướng thiệt”

Xác định được tầm quan trọng đó nên thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm mở rộng mạng lưới cấp nước tập trung ở vùng nông thôn.

Tháng 10/2013, hệ thống cấp nước sạch Hòa Bình 2 (xã Hòa Bình- Trà Ôn) chính thức đưa vào hoạt động. Với công suất thiết kế 240 m3/ngày đêm, kinh phí xây dựng 4,3 tỷ đồng, trạm có khả năng cung cấp nước máy cho khoảng 2.000 hộ dân.

Cô Nguyễn Thị Thơm (63 tuổi, ấp Tân Thuận, xã Hòa Bình) vui mừng đem thau rau ra hứng nước máy rửa: “Nước trong veo, mát lạnh, xài sướng thiệt hà”.

Cô chỉ tay ra xẻo nước đục ngầu, trên bờ vài con vịt xiêm đứng rỉa lông, chặc lưỡi: “Cả nhà tui xài nước đó lóng phèn hơn mấy chục năm rồi đó. Nước này bị dơ từ ruộng, từ các chuồng heo xả ra đây. Vậy mà cũng ráng xài. Giờ có nước máy, chỉ cần mở vòi nó chảy re re. Ăn uống, tắm rửa gì cũng sạch sẽ, yên bụng”.

Còn cô Nguyễn Thị Tím cho biết: “Thấy chị Thơm vô đồng hồ nước, tui cũng ráng kiếm tiền triệu (vô đường ống nước, lắp đồng hồ trên 1,1 triệu đồng- PV) để có nước sạch xài. Chứ xài nước sông giờ bị ô nhiễm, bịnh chết”.

Theo nhiều hộ dân nông thôn, việc sử dụng nước sông lúc mực nước còn cao thì chưa đến nỗi nào, nhưng đến thời điểm rút nước để gieo sạ thì cả dòng kinh đen ngòm với đủ các loại chất thải từ đồng ruộng và quá trình chăn nuôi.

Đây chỉ là một trong rất nhiều khó khăn của người dân nông thôn vốn quen sử dụng trực tiếp nguồn nước mặt từ các kinh rạch để sử dụng hàng ngày. Những vấn đề khác, như ô nhiễm nguồn nước từ nước thải sinh hoạt của các khu dân cư tập trung cũng đã và đang góp phần làm giảm chất lượng nguồn nước mặt trên các sông rạch, đặc biệt là khu vực nội đồng, xa sông lớn.

Lắp xong đồng hồ nước, chị Ngô Thị Hồng Thắm (ấp Hồi Thọ, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) thở phào:
 
“Ở tuốt trong này, chồng tui phải đào cái mương dẫn nước từ ngoài đập vô xài. Mùa khô như thế này thì thiếu nước. Người ta rút nước ruộng ra khô queo, còn sạ xong thì họ cho nước vào đục ngầu. Miễn nước vô thì bơm lên, xử lý xài hà”.

Chị Thắm tâm sự, hai vợ chồng chị tới mùa mưa thì đi cạo mủ cao su tới 8 tháng mới về.
 
“Con gái út học lớp 9 ở nhà mình ên, nhiều khi máy bơm nước hư hay thiếu nước, nó gọi than tui xót cả ruột. Tết này mần có dư, với lại xã vừa có trạm cấp nước, vợ chồng tui đăng ký vô nước liền để có nước sạch xài”.

Kêu gọi đầu tư, xã hội hóa nước sạch nông thôn

Năm 2013 là năm thứ 2 tỉnh Vĩnh Long thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tỉnh đã thực hiện 22 danh mục công trình cấp nước.

Tổng kinh phí thực hiện là 58,2 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách tỉnh và hỗ trợ của Trung ương cho Chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua đó đã cấp nước cho hơn 19.530 hộ, nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh lên 82%, trong đó có 42% sử dụng nước sạch đạt chuẩn. Hiện tỉnh có 106 trạm cấp nước tập trung với công suất trên 23.900 m
3/ngày đêm và 6.000 giếng UNICEP cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn.


Hệ thống cấp nước sạch Hòa Bình 2 (Trà Ôn).

Với mục tiêu đạt 86% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh vào cuối năm 2014, trong đó có 45% hộ dân sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung, tỉnh Vĩnh Long đang tranh thủ huy động vốn từ các nguồn để đầu tư gần 62 tỷ đồng cho lĩnh vực cấp nước và vệ sinh nông thôn, trong đó ưu tiên cho 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào phát triển nông thôn.

Ông Võ Anh Duy- Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, từ nguồn vốn tỉnh giao, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đơn vị cũng lồng ghép vốn địa phương, vốn nông thôn mới, vốn của bà con đóng góp để xây dựng những công trình đưa vào khai thác hiệu quả.

Tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân sử dụng nước sạch, nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung.

Riêng ở 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thực hiện nâng cấp, mở rộng tuyến ống các trạm cấp nước cho các xã Chánh Hội, Mỹ Lộc, Hòa Bình, Hựu Thành, Hòa Phú, Tân An Luông, Thanh Bình, Tích Thiện của các huyện Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Long Hồ.
 
Phấn đấu sẽ đáp ứng nguồn nước hợp vệ sinh thêm cho 3.000 hộ dân. Dự kiến đến cuối năm 2014, Vĩnh Long sẽ có 19/22 xã đạt chỉ tiêu nước sạch của tiêu chí số 17- tiêu chí môi trường về xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu từ nay đến năm 2015, Vĩnh Long huy động nguồn nhân lực xây dựng mới 43 trạm cấp nước và mở rộng 70 trạm cấp nước, nâng công suất cấp nước đạt 50.000 m3/ngày đêm, nâng tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước từ trạm tập trung đạt 60%

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh