Bên cạnh một số tuyến đường mới có vỉa hè thân thiện, TP Vĩnh Long vẫn còn một số tuyến có vỉa hè loang lổ, khấp khểnh… bất tiện cho người đi bộ lẫn xe cộ lên xuống. Mặt khác, vỉa hè còn được xây dựng “mỗi nơi mỗi kiểu”, chưa đảm bảo mỹ quan đô thị nên rất cần quy định chuẩn thiết kế.
Vỉa hè đường Hưng Đạo Vương (Phường 1) có nhiều gờ xi măng kém mỹ quan, không an toàn giao thông lại quá hẹp, khó tìm lối cho người đi bộ.
Bên cạnh một số tuyến đường mới có vỉa hè thân thiện, TP Vĩnh Long vẫn còn một số tuyến có vỉa hè loang lổ, khấp khểnh… bất tiện cho người đi bộ lẫn xe cộ lên xuống. Mặt khác, vỉa hè còn được xây dựng “mỗi nơi mỗi kiểu”, chưa đảm bảo mỹ quan đô thị nên rất cần quy định chuẩn thiết kế.
“Đất gò và thung lũng”
Từ lâu, vỉa hè được hiểu là công trình hạ tầng kỹ thuật, là không gian đệm, hành lang an toàn giao thông, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, tạo vẻ mỹ quan đô thị. Thế nhưng, nhiều vỉa hè vẫn chưa phát huy tác dụng vốn có, ngược lại đôi khi còn khiến một số người cảm thấy phiền lòng.
Ở một số tuyến đường, vỉa hè không chỉ được xây dựng quá cao so mặt đường mà còn khấp khểnh… rất bất tiện cho người đi bộ lẫn xe cộ lên xuống.
Chị Lạc T. A. ở trọ tại một khu nhà trên đường Nguyễn Huệ (Phường 2) nói: “Vỉa hè đường này hơi cao so với mặt đường nên chạy xe lên xuống cũng lo, trong khi xe tôi lại có lườn thấp.
Hơn nữa, các lối ra vào các cơ quan, trường học còn được “khui” một khoảng to, bó vỉa hè vuông vức với mặt lộ nên nhiều lúc muốn tản bộ hoặc đi bộ tập thể dục buổi sáng cũng ngán vì đi trên vỉa hè cứ như là đang đi trên đất gò rồi đột ngột xuống hố, rất nguy hiểm!”
Tương tự, anh Nguyễn Anh Minh (Phường 2- TP Vĩnh Long) cũng nói: “Tôi cảm thấy không thoải mái khi đi bộ trên một số vỉa hè không thân thiện trong thành phố”.
Chú Đỗ Thanh Hưng (đường Phạm Thái Bường- Phường 4) cũng nói: “Vỉa hè giúp đường phố sạch đẹp, an toàn hơn. Tuy nhiên, cũng có một số con đường có vỉa hè chưa đẹp, chưa thật sự an toàn. Như vỉa hè đường này thì cây xanh đẹp nhưng hơi cao so với mặt đường. Bởi vậy, nhiều hộ phải bắc vỉ sắt, vỉ gỗ hoặc đổ đan lấn ra đường gây mất mỹ quan, mất an toàn giao thông”.
Bên cạnh đó, vỉa hè còn tồn tại một số bất cập khác như thiếu mảng xanh (hoặc mảng xanh chưa đẹp); quy hoạch đường, vỉa hè, cống thoát nước… chưa đồng bộ dẫn đến phải thường xuyên chỉnh sửa.
Chưa kể, một số tuyến đường có vỉa hè quá hẹp hoặc vỉa hè hoàn chỉnh như Mậu Thân (Phường 3), Trần Phú (Phường 4), đường 3 Tháng 2 (Phường 1) hay vỉa hè loang lổ như Phạm Hùng (Phường 9)…
Cần có chuẩn thiết kế
Theo Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long, cơ sở hạ tầng như vỉa hè, hệ thống thoát nước đã xuống cấp, đầu tư xây dựng không đồng bộ. Giao cho thành phố quản lý nhưng không phân bổ kinh phí, do đó còn gặp nhiều khó khăn việc duy tu, sửa chữa chỉnh trang đô thị, nhất là các tuyến đường chưa có vỉa hè.
Ông Nguyễn Văn Châu- Trưởng Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Vĩnh Long) cho biết: Phần lớn vỉa hè hiện có ở TP Vĩnh Long là cải tạo, sửa chữa, mỗi ngành có thiết kế riêng nên độ cao, thấp ở các nơi khác nhau.
Riêng đường Phạm Thái Bường được làm đã lâu, lúc làm cũng chưa có kinh nghiệm. Hiện, các địa phương, sở ngành đã quan tâm đến vấn đề này. “Chi tiết bó vỉa hè chung” đã có 5- 6 năm nay rồi. Theo thiết kế này, vỉa hè vẫn có đường vô được xẻ âm xuống để xe 4 bánh ra vào dễ dàng nhưng vẫn lát gạch màu đảm bảo mỹ quan.
Đồng thời, tạo độ dốc lài để người đi bộ đi lại dễ dàng. Dần dần sẽ cải tiến, trong đó, kích thước có thể thay đổi nhưng hình dáng, tiện nghi lên xuống thì phải giống nhau, đảm bảo thân thiện. Tuy nhiên, cũng cần xác định cao trình chống lũ; quy hoạch cần đồng bộ, tránh gây lãng phí.
Vỉa hè đường “Bạch Đàn” (Phường 4) được đánh giá là thân thiện.
“Vỉa hè có rất nhiều tiện ích nhưng cần nghiên cứu một số vấn đề như: bên cạnh lối đi dành cho người đi bộ, cần dành không gian phát triển mảng xanh. Mặt khác, cần quản lý việc buôn bán lấn chiếm, trả thông thoáng cho vỉa hè.
Đặc biệt, để tránh việc xây “mỗi nơi mỗi kiểu” thì cần có chuẩn chung đảm bảo độ cao vừa phải, hài hòa với mặt đường để tiện cho người đi bộ, xe ra vào, lên xuống, trong đó có cả người khuyết tật. Đó cũng là cách góp phần tăng vẻ mỹ quan cho thành phố”- anh Đỗ Thành Hưng nói.
Thiết nghĩ, vỉa hè là một bộ phận quan trọng của đời sống và bản sắc của đô thị. Quy định chuẩn thiết kế cho vỉa hè đảm bảo mỹ quan, hài hòa là việc làm cần thiết. Tất nhiên, cũng rất cần linh hoạt tùy tình hình thực tế.
Ông Nguyễn Văn Châu- Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng (Sở Xây dựng Vĩnh Long):
“Chi tiết bó vỉa hè chung” đã có 5- 6 năm nay rồi. Qua nghiên cứu kết hợp tư vấn thiết kế và qua nhiều lần điều chỉnh đã cho ra một kích thước tương đối hợp lý, đã áp dụng cho một số công trình trong thành phố như các tuyến đường mới của thành phố để người dân, xe cộ lên xuống dễ dàng không bị vướng. Thiết kế này sẽ từng bước được cải tiến để phù hợp hơn”.
Cô Lý Múi (bán vé số, ở trọ Phường 5):
“Giờ có vỉa hè sạch đẹp vầy là mừng rồi. Nhưng một số vỉa đường đi còn hơi gập ghềnh, “khui” lối ra vào nên cao thấp bất thường, một số đường lại có vỉa hè quá nhỏ hoặc không có vỉa hè, đi bộ nguy hiểm. Chân tui bị tật nên theo tui, xây vỉa hè như đường Trần Đại Nghĩa là dễ đi nhất”.
Chú Tăng Văn Thanh (chạy xe ôm ở Phường 2):
“Làm vỉa hè với mục đích là làm đẹp cho thành phố nhưng cũng có một số bất tiện. Nhiều chỗ vỉa hè cao, lên không cẩn thận là bị té vì trợt bánh xe, nhiều chỗ phải đặt vỉ. Chỉ mong sao cho việc xây dựng thực hiện đồng bộ hơn để phố đẹp càng thêm đẹp. Đối với những vỉa hè đã lỡ xây cao rồi, tui nghĩ phải nâng đường”. |
Bài, ảnh: THẢO ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin