Bình đẳng không có nghĩa trẻ 5 tuổi bằng người 40

08:03, 15/03/2014

Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước những khó khăn trong việc phát triển của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, tại Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức ngày 14-3, tại Bộ GD-ĐT.

Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước những khó khăn trong việc phát triển của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, tại Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức ngày 14-3, tại Bộ GD-ĐT.

Công bằng từ chính sách nhỏ đến vĩ mô

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, xã hội hóa là chủ trương, nhất quán đúng đắn được minh chứng không chỉ bằng các công việc trong GD, mà còn thấy rõ trong nền kinh tế đa thành phần.

Phó Thủ tướng cho rằng phát triển mô hình xã hội hóa trong giáo dục ngoài công lập (NCL) đem lại rất nhiều lợi ích, không phải chỉ vì Nhà nước không có tiền mà quan trọng rằng có những vấn đề, khu vực trường công lập dù muốn cũng không làm được ngay.

Chẳng hạn bỏ hơn một triệu đô la mua chương trình, mạnh dạn hợp tác đào tạo, mời giáo viên nước ngoài, dạy bằng ngoại ngữ… là điều mà các trường công không làm được.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị

Bên cạnh đó sự có mặt của các trường NCL buộc các trường ĐH công lập phải đổi mới. Kết quả của giáo dục hiện nay cũng có sự đóng góp của khu vực NCL, những kết quả rất đáng trân trọng, tự hào. Bằng tất cả tấm lòng, tôi hết sức cảm ơn và đánh giá cao toàn bộ hệ thống NCL trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.

Trước nhiều ý kiến “nóng” thể hiện những bức xúc của không ít trường NCL cho rằng không có “sân chơi” công bằng giữa trường NCL và trường công lập, Phó Thủ tướng cho rằng, có lẽ Hiệp hội NCL ít tổng kết nên nhiều khó khăn đã chưa kịp thời tháo gỡ.
 
Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Những khó khăn phải được giải quyết trên tinh thần chung là thực hiện quán triệt công bằng, bình đẳng, từ chính sách nhỏ bằng móng tay đến những chính sách vĩ mô. Nhưng đặt một người 15 tuổi và 40 tuổi thì sự bình đẳng còn tương đối, nếu bắt so sánh với cháu bé chỉ được 4-5 năm thì đòi hỏi như nhau làm sao được. Vì vậy, đối với các trường mới phải có sự ưu tiên, cùng tháo gỡ khó khăn”.

Không phân biệt “con nuôi-con đẻ”

Có nhiều người nói với tôi, hiện nay có 40 trường thuộc Bộ GD-ĐT còn lại 400 trường không thuộc Bộ, trong đó có 90 trường ngoài công lập ở đây, liệu Bộ GD-ĐT có công tâm không phân biệt "con đẻ, con nuôi" không?

Thực tế có rất nhiều thứ chưa công bằng nhưng ngược lại về phía các trường ngoài công lập, chúng ta đều bình đẳng nhưng có phải tất cả các trường đã tốt cả chưa. Tất nhiên trong trường công cũng có nhiều cái chưa tốt nhưng mỗi một trường phải nhìn nhận lại. Đây là điều mà tự thân các trường phải có trách nhiệm với mình trước khi có trách nhiệm ngoài xã hội.

Bình đẳng nhưng không có nghĩa đặt như nhau hết. Nếu quán triệt, thực sự thấm nhuần và trăn trở nhất định chúng ta sẽ có giải pháp, Phó Thủ tướng khẳng định.

Về vấn đề tuyển sinh được đa số các trường quan tâm, Phó Thủ tướng gợi ý: Thay vì tăng chỉ tiêu cho các trường công lập, có thể khuyến khích trường công hợp tác với trường tư thục, tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển.

“Tôi chính thức đặt hàng Hiệp hội, để xem chính sách còn vướng gì, cần sửa đổi gì. Tôi hứa sẽ nghe tất cả các vấn đề - nghe kiến nghị chứ không phải là tâm tư. Tôi sẽ mời các Bộ, ngành liên quan tham gia để giải quyết tại chỗ các vấn đề. Cần tập hợp lại từng trường hợp, vướng cái gì, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung hướng dẫn. Ngoài ra, tôi sẽ sẵn sàng mời các bộ ban ngành để giải quyết”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Linh hoạt tiêu chí đầu vào

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD-ĐT cùng Văn phòng Chính phủ rà soát những chính sách liên quan đến sinh viên, nếu còn những gì bất bình đẳng với sinh viên trong quá trình học cần giải quyết ngay.

Về vấn đề tuyển sinh, bỏ thi ba chung, Phó Thủ tướng cho rằng điểm sàn chủ yếu là nguyện vọng các trường NCL vì sợ khó tuyển sinh. Nhưng như các đồng chí đã khẳng định được chất lượng thì không lo. Dù vậy, tôi vẫn nhấn mạnh các trường NCL như đứa trẻ 5 tuổi, không thể so được với người 40-50 tuổi. Do đó phải có bước cân đối, tiêu chí linh hoạt cho đầu vào.

Phó Thủ tướng cho rằng, với những trường ĐH mới thành lập, cần có sự ưu tiên và Bộ GD-ĐT đã rất cầu thị khi thay điểm sàn bằng một tiêu chí khác. “Chính Hiệp hội phải đề xuất, bằng cách tháo gỡ khó khăn cho các trường, nhưng phải đảm bảo công bằng cho xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nếu tiêu chí đầu vào tự nhận thấp hơn các trường công lập, thì các trường NCL trong quá trình dạy phải nghiêm hơn các trường công lập. Nhưng hiện chỉ một vài trường làm được như vậy, chưa thành trào lưu trong các trường ngoài công lập. Chính bởi vậy, một vài trường đã tốt cần tiên phong, như người anh đi trước giúp người em đi sau.

“Để thể hiện sự công bằng, bình đẳng thật sự, đề nghị Bộ GD-ĐT, Hiệp hội nên nghiên cứu thay vì có Hiệp hội các trường NCL, nên thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ, để các trường cùng một sân chơi. Và khi có Hiệp hội này, các tổ chức về kiểm định, phân tầng chính là công việc của Hiệp hội”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Tôi không đồng ý với ý kiến trường ngoài công lập phân tầng và chỉ đi “bắt cá nhỏ”. Lúc ban đầu ta như đứa trẻ 5 tuổi, không đồng nghĩa với việc ta bắt đứa trẻ đó không được lớn hơn ông 40 tuổi. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, trường ngoài công lập có thế mạnh, phải “bắt cá to” hơn trường công lập. Chúng ta sẽ cùng nhau ra chính sách, ra cơ chế để làm. Phải kéo trường công lập vào cuộc. Đây là trách nhiệm chung với đất nước.

Đưa lời hẹn 1 năm sau sẽ có hình thức thiết thực, phù hợp để đánh giá lại kết luận của hội nghị hôm nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ: “Trên tinh thần các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cần phát triển lên, không phải vì tiền mà vì rất nhiều điều khác cho xã hội”.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh