Rùng mình qua cầu yếu

07:02, 18/02/2014

Hơn một năm nay, người dân ở xã Nhơn Bình (Trà Ôn) hàng ngày vẫn vượt qua thử thách lớn mỗi khi qua các cây cầu yếu. Đến nay, tình trạng bất an đã đến mức “báo động” khi tai nạn từ cầu Hai Ngọc và cầu Út Nhó trên sông Sa Co đã xảy ra.


Nhiều lượt học sinh đã trượt té tại cầu Hai Ngọc.

Hơn một năm nay, người dân ở xã Nhơn Bình (Trà Ôn) hàng ngày vẫn vượt qua thử thách lớn mỗi khi qua các cây cầu yếu. Đến nay, tình trạng bất an đã đến mức “báo động” khi tai nạn từ cầu Hai Ngọc và cầu Út Nhó trên sông Sa Co đã xảy ra.

Tai nạn trước mắt, dân lo lắng

Bác Tư Rùm (ấp Nhơn Trí) hốt hoảng: “Đứa cháu ngoại của tôi đi học qua cây cầu Hai Ngọc đã bị trượt dốc té mấy lần. Nhiều người lớn trong xóm cũng sợ qua cầu này vì không biết bao lần người chạy xe máy đã trượt té. Còn những người từ nơi khác tới, đành phải nhờ người dân đưa giúp”.

Tình trạng này tương tự như tại cầu Út Nhó (ấp Tường Ngãi) cũng trên sông này, cách đó vài cây số. Anh Nguyễn Hoàng Tánh (ấp Hiệp Thạnh, xã Hòa Bình) vừa chạy xe qua đây nói: “Hôm bữa tui chở mẹ qua đây trị bệnh, mẹ tui thấy cây cầu là bò qua chứ không dám ngồi trên xe”.

Con đường đan từ Tường Ngãi này thông qua ấp Trà Sơn (Trà Côn), Thới Hòa,… nên hàng ngày đón hàng trăm lượt xe cộ qua lại. Trưởng ấp Tường Ngãi Võ Văn Bảy rầu rĩ: “Mới hồi tết này, anh Nguyễn Văn Hiền ở trong ấp khi qua cầu này bị trượt té gãy be sườn. Nhiều người dân đã phản ánh, tha thiết công trình sớm hoàn thành bắc lại cầu đúc y cũ cho an toàn”.

Theo quan sát tại 2 cây cầu, con sông Sa Co rộng khoảng 20m. Trong đó, đoạn cầu giữa dài khoảng 10m nhưng chỉ bắc bằng cây dừa, bạch đàn,… và cột kẽm. Khi nước cạn, bước trên cầu thấy cao vút so với đáy sông, đến giữa cầu thấy đu đưa, chạy xe là gập ghềnh,
lắc mạnh,...

Ông Phạm Văn Nghiệp- Trưởng ấp Nhơn Trí than thở: “Người dân sống hai bên cầu Hai Ngọc ở đây đang lo lắng dữ lắm. Bởi cây cầu đã được sửa đi sửa lại 3- 4 lần nhưng vẫn yếu xìu, không an toàn cho người qua lại. Sông Sa Co sâu và rộng, nếu lỡ có chuyện đáng tiếc xảy ra, nhất là học sinh thì đâu có bù đắp nổi, mà ai sẽ chịu
trách nhiệm?”

Điều lo lắng nhất đó là dù cầu yếu nhưng vẫn có rất nhiều người còn thờ ơ. Cầu Hai Ngọc có ghi: “Cầu yếu, 1 người/1 xe, tải trọng 100kg”, tuy nhiên hiện có nhiều chuyến xe chở lúa, chở 2 người vẫn bất chấp nguy hiểm, đánh liều vượt qua.


Cầu Út Nhó đã mục nhưng vẫn đón cả người và lúa qua lại thường xuyên.

Còn chờ…công trình đê bao Sa Co

Chủ tịch UBND xã Nhơn Bình- bà Đặng Ngọc Mai nói: “Do đê bao kinh Sa Co đang thi công và chưa hoàn thành nên 2 cây cầu này vẫn chưa được bắc lại như cũ”.

Chính quyền địa phương cho biết, qua khảo sát của HĐND trong tháng 9/2013 rồi, chủ đầu tư đã hứa sẽ cố gắng hoàn thành công trình trong năm 2013. Công trình thi công đã 4 năm qua, đến nay vẫn ì ạch do vướng phương án bồi hoàn. Trên toàn tuyến đê bao vẫn chưa có đoạn nào thi công hoàn chỉnh.

Ông Võ Văn Bảy nói thêm: “Trong năm 2013, công trình qua đây kêu tôi thông báo người dân mé cây. Tôi thông báo hoài mà xáng đâu có làm, nên dân hết tin tưởng luôn”.

Còn bác Tư Rùm bức xúc: “Cây cầu Hai Ngọc do người dân và Mạnh thường quân hỗ trợ làm. Công trình trễ nải, kéo dài quá lâu mà không thông báo cho dân biết khi nào xong đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và kinh tế của dân trong vùng. Trước khi dỡ cầu đúc làm công trình, bên thi công nói sẽ bắc cầu tạm bằng sắt hoặc ván chắc chắc, vậy mà bắc cầu tạm vầy. Tôi đi mà thấy nổi gai ốc”.

Chốt lại công trình đê bao, bà Đặng Ngọc Mai cho biết: “Cơ bản toàn tuyến đê bao đã thi công, chỉ còn những hộ chưa bồi thường là chưa làm. Về phương án bồi thường, có tổng số 66 hộ dân trong diện bồi thường thuộc 2 xã Nhơn Bình và Hòa Bình. Riêng đối với một số hộ nếu làm kè nhựa thì vẫn chưa biết đi tới đâu. Vì vừa rồi, bên thi công có xuống khảo sát 4 nhà thí điểm kè nhựa, nếu thành công sẽ triển khai ra các hộ khác, nhưng đến nay vẫn chưa có tin tức”.

Hiện đã vào vụ thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân, cứ độ chiều tối là tại 2 cây cầu này lại gồng mình bởi không ít tay lái vẫn phải liều chở lúa qua cây cầu này.

Hiện còn khoảng 33 hộ vẫn chưa thống nhất phương án bồi hoàn hay dùng kè nhựa.

Một câu hỏi mà người dân ở Nhơn Bình, Hòa Bình đặt ra từ rất lâu là công trình đê bao kinh Sa Co bao giờ mới hoàn thành?

Bài, ảnh: TẤN ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh