“Mỗi cặp vợ chồng nên đẻ 2 con”

06:02, 28/02/2014

Có lẽ người Việt Nam chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng khẩu hiệu: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con”. Suốt hơn 50 năm, khẩu hiệu ấy được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, các pa nô tuyên truyền ở những nơi công cộng, dễ thấy nhất.


Hạnh phúc gia đình- sự trường tồn của giống nòi.
Ảnh: VINH HIỂN

Có lẽ người Việt Nam chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng khẩu hiệu: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con”. Suốt hơn 50 năm, khẩu hiệu ấy được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, các pa nô tuyên truyền ở những nơi công cộng, dễ thấy nhất.

Khẩu hiệu ấy, trong thời gian không lâu nữa, sẽ chính thức được thay đổi. Nhưng thay đổi như thế nào, vì sao phải thay đổi?... Đó là những vấn đề quan trọng, mà mọi gia đình chúng ta cần phải được biết, được hiểu một cách thấu đáo, chính xác nhất.

Nên hiểu đúng thông điệp dân số

Cơ quan Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) đã chính thức treo khẩu hiệu: “Mỗi cặp vợ chồng nên đẻ 2 con”. Như vậy, có nghĩa là chính sách dân số liên quan trực tiếp đến kế hoạch sinh con đẻ cái của từng gia đình sẽ thay đổi. Trước hết chúng ta nên hiểu thông điệp này như thế nào?

Ông Dương Quốc Trọng- Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ giải thích: “Đây là khẩu hiệu đã được thay đổi từ trước tết, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thiện Nhân (khi còn là Phó Thủ tướng), tại hội nghị tổng kết Pháp lệnh 10 năm thi hành dân số, đã giao cho ngành y tế xây dựng cơ chế chính sách, sao cho mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con.

Và ông khẳng định rằng: chuyện sinh con không phải là chuyện riêng của mỗi gia đình, mà nó liên quan đến quốc gia, dân tộc. Do đó, nó không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của mỗi gia đình đối với đất nước, sự trường tồn bền vững của giống nòi”.

Như vậy khẩu hiệu mới này là sự thay đổi chính thức, và theo ông Trọng nó có 2 ý chúng ta cần hiểu rõ: Theo khẩu hiệu cũ thì có mang tính bắt buộc, còn khẩu hiệu mới là “nên” tức là sự vận động.
 
Theo quan điểm chung thì trong hơn 50 năm qua, thực hiện chính sách dân số là cuộc vận động lớn của Đảng ta, trên quan điểm là vận động chớ không ép buộc.

Làm sao cho mọi người nhận thức được, trong giai đoạn hiện nay, mỗi gia đình sinh 2 con là hợp lý nhất, là ích nước, lợi nhà và cùng nhau thực hiện. Ý thứ hai, trong thông điệp mới nên hiểu rằng: khi gia đình mới có 1 con, thì hãy nên sinh tiếp con thứ 2; còn nếu đã có 2 con rồi- dù là trai hay gái- thì nên dừng lại”.

Còn về lý do thay đổi khẩu hiệu, điều chỉnh kế hoạch dân số, là vì trước đây tốc độ gia tăng dân số của chúng ta quá nhanh. Do đó, mục tiêu trước đây là “giảm sinh”. Giảm sinh càng nhanh, càng nhiều, càng tốt.

Đến nay, chúng ta đã đạt được mục tiêu, tỷ lệ mong muốn. Theo ông Dương Quốc Trọng, tất cả các nước, các vùng trên thế giới đều đã, đang và sẽ thành công với mục tiêu giảm sinh. Nhưng chưa có nước nào nâng được tỷ lệ sinh đẻ khi nó đã xuống thấp.

Và Nhật Bản, là một thí dụ điển hình khi phải đối mặt với “thảm họa” già hóa dân số trong tương lai. Đối với Việt Nam hiện nay, tỷ lệ dân số là khá ổn với trung bình mức sinh 2 con trên 1 gia đình.

Nhưng nước ta đang có bất ổn về chuyện mức sinh, vì ở các vùng miền đang rất chênh lệch nhau. Có nhiều vùng mức sinh còn quá cao, với mức trên 3 con, nên cần phải tiếp tục giảm sinh. Ngược lại, những vùng sinh quá thấp như TP Hồ Chí Minh, vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long, thì nên khuyến khích sinh 2 con.

Cuộc chiến “tăng sinh”

Thực tế đã chứng minh, trong kế hoạch điều chỉnh dân số thì chuyện khuyến khích tăng sinh luôn rất khó khăn hơn nhiều so với giảm sinh.
 
Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ, tốc độ gia tăng dân số tại Việt Nam đã được khống chế ở mức khoảng 1% mỗi năm. Riêng Vĩnh Long, tốc độ tăng dân số giảm từ 1,26% xuống còn 0,671%.
 
Đây là mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua nên việc duy trì mức sinh hợp lý (mỗi gia đình có 2 con) đảm bảo tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1% là một trong những chỉ tiêu quan trọng được các địa phương nỗ lực thực hiện.

Tuy nhiên, Vĩnh Long cũng như TP Hồ Chí Minh- 2 địa phương có mức sinh thấp nhất nước- đang khá chật vật trong việc thực hiện chỉ tiêu trên do nhiều cặp vợ chồng chưa có đủ số con nhưng không chịu sinh thêm vì nhiều nguyên nhân.

“Hồi trước, vận động người dân tham gia KHHGĐ vất vả bao nhiêu thì nay động viên những cặp vợ chồng chưa có đủ số con sinh thêm cũng gặp khó bấy nhiêu. Nhiều cặp vợ chồng mới có một con, có điều kiện kinh tế nhưng khi nói đến “sinh thêm đứa thứ 2” thì lắc đầu “nguầy nguậy” nên mấy năm nay, tỷ lệ tăng DS ở Trà Ôn luôn ở mức dưới 1%”- bác sĩ Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Trà Ôn chia sẻ.


Cả nhà thương nhau. Ảnh: Vinh Hiển

Do quy mô gia đình nhỏ đã trở thành chuẩn mực của xã hội nên nhiều gia đình ở Vĩnh Long “dừng lại… 1 con để nuôi dạy cho tốt”.

Chị Nguyễn Thị Thúy (ấp Thuận Tiến, xã Thuận An- TX Bình Minh), bảo: “Sinh một đứa con coi như mất một người làm ra tiền. Cuộc sống gia đình tôi chưa dư dả mấy, con trai đã hơn 10 tuổi, giờ sinh con nhỏ ngán lắm. Kệ, một đứa có điều kiện chăm lo đầy đủ sẽ tốt hơn”.

Anh Nguyễn Văn Thanh (Khóm 1, thị trấn Long Hồ) thì tâm sự: “Con gái em đã 7 tuổi, ông bà nội cứ kêu sinh thêm đứa nữa để sau này chị em nó thay nhau chăm sóc cha mẹ về già. Thời buổi này, kinh tế khó khăn, sinh thêm một đứa là bao nhiêu thứ phải lo nên vợ chồng em do dự không muốn sinh”.

Hiện tổng tỷ suất sinh ở Vĩnh Long thấp hàng thứ 2 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) với số con bình quân 1,63 con/ bà mẹ. Kết quả này đã làm thay đổi cơ cấu dân số theo tuổi, đưa Vĩnh Long cũng như cả nước bước vào giai đoạn cơ cấu “Dân số vàng”, tạo lợi thế về nguồn nhân lực để nền kinh tế có bước tăng trưởng bứt phá.

Tuy nhiên, theo ông Dương Quốc Trọng: Nếu không duy trì mức sinh hợp lý thì vài chục năm sau, số người phụ thuộc ở những địa phương có mức sinh thấp như Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cao. Khi đó, những đứa trẻ là “con một” đang được cha mẹ, ông bà nội ngoại chăm sóc sẽ phải “gồng lưng” chăm sóc lại 6 người cao tuổi trong gia đình.

Vì thế, thông điệp “Mỗi gia đình chỉ nên có từ 1- 2 con” trước đây đã được Tổng cục DS-KHHGĐ đề xuất thay đổi thành “Mỗi gia đình hãy có 2 con” và ngành dân số đang xây dựng các chính sách sao cho mỗi gia đình sinh 2 con là những gia đình có lợi nhất và hạnh phúc nhất.

Đối với Việt Nam hiện nay, tỷ lệ dân số là khá ổn với trung bình mức sinh 2 con trên 1 gia đình. Nhưng, có vùng miền mức sinh còn quá cao (trên 3 con), phải tiếp tục giảm sinh; có những vùng sinh quá thấp như TP Hồ Chí Minh, vùng ĐBSCL- trong đó có tỉnh Vĩnh Long- thì khuyến khích sinh 2 con.

QUANG THUẦN- TRINH TUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh