Để giảm nghèo bền vững, cần chú trọng chất lượng- đó là một trong những ý kiến đánh giá của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long khi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005- 2012 và năm 2013 tại 3 xã Tân Mỹ, Hòa Phú, Loan Mỹ; huyện Tam Bình và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh.
Mô hình trồng sen đã giúp nhiều nông dân xã Tân Mỹ (Trà Ôn) tăng thu nhập.
Để giảm nghèo bền vững, cần chú trọng chất lượng- đó là một trong những ý kiến đánh giá của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long khi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005- 2012 và năm 2013 tại 3 xã Tân Mỹ, Hòa Phú, Loan Mỹ; huyện Tam Bình và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh.
Thông qua giám sát, đoàn được nghe những đề xuất, kiến nghị của địa phương để giúp Quốc hội, Chính phủ bổ sung, điều chỉnh và hướng đến hoàn thiện các chính sách pháp luật có liên quan đến công tác giảm nghèo trên phạm vi cả nước.
Người nghèo tiếp cận đầy đủ các chính sách ưu đãi
Qua các buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đánh giá, thời gian qua, Vĩnh Long đã dồn lực trong công tác xóa đói giảm nghèo cũng như thực hiện an sinh xã hội. Chính sách giảm nghèo cơ bản đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Từ năm 2005- 2013, tỉnh đã mua BHYT cho gần 1 triệu lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền trên 312 tỷ đồng; giải quyết cho gần 313.000 đối tượng vay vốn là hộ nghèo, cận nghèo, học sinh- sinh viên, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm với tổng số tiền trên 2.100 tỷ đồng;…
Nhờ vậy, hộ nghèo tiếp cận được đầy đủ các chính sách ưu đãi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo kế hoạch, đời sống người nghèo được từng bước nâng lên.
Cuối năm 2013, số hộ thoát nghèo là 5.001 hộ, tỷ lệ giảm 1,81%, đạt chỉ tiêu nghị quyết. Hiện số hộ nghèo còn lại của tỉnh trên 12.600 hộ, tỷ lệ 4,57%, trong đó hộ nghèo dân tộc là 1.500 hộ, tỷ lệ trên 23%; số hộ nghèo phát sinh trên 1.200 hộ.
Vĩnh Long có gần 2.900 hộ nghèo được hỗ trợ cất nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ, về đích trước 1 năm so với chỉ tiêu đề ra, cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng khó khăn về nhà ở cho các hộ nghèo theo tiêu chí cũ.
Những chính sách này vừa tạo điều kiện về vật chất, vừa là niềm động viên tinh thần giúp các gia đình nỗ lực vươn lên. Đó là ý nghĩa mà các chính sách giảm nghèo mang lại, giúp người dân có thêm nghị lực và ý chí phấn đấu thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Mộng Đào (xã Hòa Lộc- Tam Bình) tâm sự: “Năm 2012, nhờ địa phương xét hỗ trợ cho gia đình tui căn nhà 167, cho tui vay vốn ưu đãi nuôi heo, rồi có tiền tui nuôi thêm bò.
Ngày ngày tui cùng chồng tranh thủ đan thảm kiếm thêm. Ổng bị tai nạn mất sức lao động nên chỉ làm việc nhẹ nhẹ thôi. Nhờ hỗ trợ của Nhà nước và cố gắng mần, gia đình tui thoát nghèo”.
Nhận thức của các gia đình như chị Đào được xác định là một trong các yếu tố quan trọng giúp chương trình xóa nghèo thành công và bền vững.
Nhiều tấm gương quyết tâm thoát nghèo vươn lên như gia đình ông Trần Văn Thạnh (xã Hậu Lộc- Tam Bình) được vay 20 triệu đồng nuôi bò. Nhờ chăm lo làm ăn và sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, hiện ông có 2 con bò giống trị giá 50 triệu đồng và thoát nghèo.
Trưởng ấp, bí thư ấp phải nắm rõ hộ nghèo
Trong thời gian giám sát, các thành viên trong đoàn cùng lãnh đạo địa phương nhận xét một số bất cập và đưa ra những giải pháp thực hiện chính sách giảm nghèo của tỉnh.
Công tác tuyên truyền hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo cần thường xuyên, liên tục để một bộ phận người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo; phương thức làm ăn chưa thật hiệu quả và nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo.
Một số nơi giao chỉ tiêu số hộ thoát nghèo cho địa phương còn chưa phù hợp nên nhiều năm thực hiện không đạt. Một số chính sách về chế độ hỗ trợ hộ nghèo không còn phù hợp cần được điều chỉnh; chuẩn hộ nghèo cần được nâng lên.
Đồng thời, cần tách đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi đối tượng giảm nghèo để thuận tiện trong việc thực hiện chính sách, hạn chế lợi dụng chính sách để được xếp vào hộ nghèo; quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;...
Ông Nguyễn Văn Lượng- Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Các đoàn thể, cán bộ ấp cần chung tay tìm hiểu hộ nghèo để có hướng hỗ trợ phù hợp từng hộ; thực hiện các giải pháp như chăn nuôi, đem nghề về nông thôn, xuất khẩu lao động. Đó là cơ sở để giảm nghèo bền vững. Khi hộ nghèo thoát nghèo thì cần có chính sách “tiếp hơi” để giúp họ tránh tái nghèo”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thanh cho rằng để công tác giảm nghèo hiệu quả thì bản thân hộ nghèo phải biết tận dụng các chính sách hỗ trợ và có ý thức vươn lên. Ông nhấn mạnh: “Trưởng ấp, bí thư ấp phải nắm thật chặt các chính sách hỗ trợ, nắm từng hộ nghèo để biết nguyên nhân, từ đó có các giải pháp giúp hộ nghèo giảm nghèo hiệu quả”.
Ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long phát biểu: Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo, đặc biệt quan tâm giảm nghèo đồng bào dân tộc; biểu dương, động viên kịp thời các gương điển hình có hiệu quả về giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, dù xã Loan Mỹ có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, song thời gian qua xã thực hiện khá tốt chính sách pháp luật về giảm nghèo. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ Lê Trí Dũng: Xã đã tiến hành theo quy trình, cách thức xác định hộ nghèo công khai, qua nhiều bước như rà soát, điều tra hộ nghèo theo quy định, trên cơ sở đó từng tổ nhân dân tự quản nhận dạng nhanh những hộ có khả năng thoát nghèo, rơi nghèo, tái nghèo để lập danh sách. Từ khâu điều tra nguyên nhân nghèo, nguyện vọng thoát nghèo, bình dị ra dân, niêm yết công khai đến khi công nhận hộ nghèo thì thông qua các đoàn thể để vận động, hướng dẫn phương thức làm ăn hiệu quả. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin