Vĩnh Long nỗ lực dạy nghề, tạo việc làm cho lao động

01:01, 07/01/2014

Năm 2013, dù nền kinh tế còn khó khăn song ngành lao động (LĐ) Vĩnh Long nỗ lực đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần ổn định kinh tế, an sinh xã hội, tạo đà sang năm mới có thêm tín hiệu vui, hứa hẹn ngành LĐ sẽ khởi sắc hơn.

Năm 2013, dù nền kinh tế còn khó khăn song ngành lao động (LĐ) Vĩnh Long nỗ lực đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần ổn định kinh tế, an sinh xã hội, tạo đà sang năm mới có thêm tín hiệu vui, hứa hẹn ngành LĐ sẽ khởi sắc hơn.


Vĩnh Long củng cố các cơ sở vật chất dạy nghề để thu hút LĐ. Trong ảnh: Trường Trung cấp nghề Vĩnh Long sẽ được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề.

82,3% LĐ sau đào tạo nghề có việc làm

Trong năm 2013, Vĩnh Long tổ chức đào tạo nghề cho trên 35.000 LĐ. Với kết quả trên, góp phần nâng tỷ lệ LĐ có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh lên 45,04%, trong đó LĐ qua đào tạo nghề đạt tỷ lệ trên 29,3%.

Đặc biệt, thời gian qua, các cơ sở dạy nghề đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tổ chức các khóa dạy nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ, đào tạo nghề tại doanh nghiệp,... góp phần đưa tỷ lệ LĐ sau đào tạo nghề có việc làm đạt 82,3%.

Riêng vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tỉnh luôn quan tâm tới việc liên kết, phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất- dịch vụ, các nghề phi nông nghiệp (may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thẩm mỹ,…).

Các lớp sửa chữa xe máy, hàn, điện dân dụng, điện lạnh để sau khi học nghề LĐNT được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dịch vụ trong và ngoài tỉnh hoặc tạo nguồn cho xuất khẩu LĐ.

Các nghề tiểu thủ công nghiệp đảm bảo việc làm tại nhà cho trên 95% LĐNT qua đào tạo. Các nghề như sinh vật cảnh, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi,… nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nghề cho nông dân, góp phần giúp họ thay đổi tập quán canh tác, cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi,…
 
Do đó, việc tổ chức vận động chiêu sinh học nghề ngày có nhiều thuận lợi, năm 2013, có trên 13.800 LĐNT tham gia học nghề theo chính sách của Đề án 1956.

Trần Văn Tám- Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình cho biết, trung tâm phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, các doanh nghiệp để đào tạo nghề theo địa chỉ; thu hút nhiều gần 1.700 LĐNT tham gia học nghề, đạt trên 135% chỉ tiêu.

Ngoài ra, từ lớp dạy nghề xây dựng, được sự đồng thuận của học viên, trung tâm dùng tiền thực hành để cất 15 nhà tình thương cho hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện.

Ngành LĐ đầu năm khởi sắc

Đầu năm 2014, ngành LĐ Việt Nam đón nhận tin vui khi Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và Bộ trưởng Lao động và Việc làm Hàn Quốc Phang Ha-nam vừa ký kết “Bản ghi nhớ đặc biệt giữa 2 bộ về việc phái cử và tiếp nhận LĐ Việt Nam” trong khuôn khổ chương trình EPS.

Theo đó, hơn 14.000 LĐ Việt Nam sẽ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc và Vĩnh Long sẽ có trên 120 LĐ có hội làm việc tại “xứ kim chi”.

Ông Lê Công Gia- Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, trung tâm linh hoạt mở rộng thị trường xuất khẩu LĐ triển khai các lớp đào tạo tiếng Nhật cho các LĐ theo chương trình du học sinh và tu nghiệp sinh tại Nhật Bản.

Đây là hướng đi mới vừa giúp người LĐ nâng cao trình độ tay nghề và thu nhập. Ngoài ra, trung tâm định hướng cho LĐ phổ thông đi làm nghề giúp việc tại các nước Ả Rập và Malaysia . Nhờ vậy, trong năm trung tâm đưa hơn 200 người đi xuất khẩu LĐ các nước. Và, với thị trường LĐ Hàn Quốc mở cửa sẽ tạo cơ hội cho LĐ đi xuất khẩu ở môi trường tốt, lương cao.

Trong năm 2014, Vĩnh Long phấn đấu giải quyết việc làm cho 26.500 LĐ, trong đó xuất khẩu 500 LĐ; tuyển sinh dạy nghề 35.500 LĐ.

Để đạt chỉ tiêu đề ra, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Lê Quang Đạo nhấn mạnh: Ngành sẽ đa dạng hóa các trình độ đào tạo nghề, ngành nghề và phương thức đào tạo để tạo điều kiện cho LĐNT, người dân tộc, người nghèo được học nghề phù hợp với nhu cầu, trình độ văn hóa và điều kiện kinh tế- xã hội tại địa phương.

Tập trung đào tạo đội ngũ LĐ có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của tỉnh; tăng cường gắn kết cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp.

Về giải quyết việc làm, tỉnh nâng cao chất lượng dự báo và thông tin thị trường LĐ; phát huy và nâng cao năng lực hoạt động của sàn giao dịch việc làm, góp phần tích cực trong việc kết nối cung cầu LĐ. Đồng thời, xem việc xuất khẩu LĐ là một trong những giải pháp quan trọng và đột phá để giải quyết việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân;...

Năm 2013, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 27.100 LĐ. Trong đó, có 1.054 LĐ thông qua công tác giới thiệu việc làm (sàn giao dịch việc làm); xuất khẩu 505 LĐ; tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế- xã hội khác trên 20.800 LĐ; cho 4.760 LĐ vay giải quyết việc làm.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh