Cẩn thận với thức ăn “ngon- rẻ- mát”

07:01, 16/01/2014

Thức ăn đường phố được bày bán tràn lan ở những chỗ đông dân cư, trường học, bệnh viện. Ngon- rẻ- mát mẻ, đó là lý do khiến nhiều người (đặc biệt là giới trẻ) luôn chọn các hàng quán vỉa hè để tụ tập, ăn uống. Song, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hầu như ít được quan tâm.

Thức ăn đường phố được bày bán tràn lan ở những chỗ đông dân cư, trường học, bệnh viện. Ngon- rẻ- mát mẻ, đó là lý do khiến nhiều người (đặc biệt là giới trẻ) luôn chọn các hàng quán vỉa hè để tụ tập, ăn uống. Song, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hầu như ít được quan tâm.


Tại khu công nghiệp, thức ăn đường phố bày bán tràn lan, người bán chưa tuân thủ quy định thức ăn, đồ uống bày bán được che đậy và cách mặt đất ít nhất 60cm.

Tràn lan thức ăn đường phố

Dạo quanh những khu vực có đông dân cư sinh sống vào những buổi sáng hay giờ tan tầm, đâu đâu chúng tôi cũng nhận thấy có rất nhiều hàng quán được che chắn tạm bợ. Thực phẩm được bày bán khá phong phú, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Khi ngồi thưởng thức ở vỉa hè, các “thượng đế” không chỉ “được” hít bụi đường, nhất là vào giờ cao điểm, xe cộ đông đúc, mà đôi khi còn “được khuyến mại” thêm hàng triệu vi khuẩn gây bệnh cùng mùi hôi từ cống rãnh, rác thải ngay bên cạnh.

Những xe hủ tiếu gõ “nằm vùng” rải rác ở các đường Nguyễn Huệ, Phạm Thái Bường, Bạch Đàn, đặc biệt ở gần trường học, chúng tôi thấy có đông thực khách ngồi xì xụp. Hay những hẻm trên địa bàn TP Vĩnh Long đều được người bán trưng dụng kê vài cái bàn nhỏ để bán hủ tiếu, cháo lòng, bún riêu,...

Song, ở các hàng quán này nếu thực khách nhìn vào chỗ rửa chén, rửa rau thì hỡi ôi... kinh. Tô, đũa dơ thì để đầy vun trong thau bẩn; có 2 thau nước đã váng đục, lợn cợn mỡ, thức ăn thừa. Người bán nhanh tay vừa rửa vừa tráng vội qua loa, lau sơ qua cái khăn đã cáu bẩn. Chưa kể là rau xanh ăn sống được nhúng sơ qua nước rồi bày ra dĩa.

Cảnh ăn uống ở hàng quán gần Tuyến công nghiệp Cổ Chiên và Khu công nghiệp Hòa Phú vào giờ tan ca hay vào buổi sáng rất nhộn nhịp. Những chiếc ghế nhỏ kê các xề xôi, bánh mì, bánh cam, chuối nấu,... được bày bán ở mảnh đất trống.

Xe cộ qua lại thì đầy bụi nhưng vẫn thu hút nhiều công nhân đến mua cho kịp bữa sáng. Chị Ngọc Lan (công nhân Công ty Tỷ Xuân) ghé xề bánh ngọt mua bánh bò, bánh tiêu và bịch sữa đậu nành cho biết: “Bữa nào nhà hết cơm nguội thì mua đồ ăn sáng ở đây. Trời nắng chỉ có bụi còn đỡ, chứ trời mưa đường sình mua đồ ăn cũng ớn, sợ sình văng vô thức ăn bởi người bán không có đậy đệm gì hết”.

Còn anh Tài- công nhân Công ty Neobag (xã Thanh Đức- Long Hồ) cho biết: “Buổi trưa hay làm tăng ca chiều, công nhân tụi tui thường ra mấy quán gần công ty ăn cho no có sức mần, chứ cũng không để ý gì đến chuyện ATVSTP. Có bữa ăn cũng bị chột bụng. Mỗi tô hủ tiếu, dĩa cơm 12- 13 ngàn đồng. Dù sao cũng hy vọng, người bán có lương tâm để tụi tui nhờ. Chứ đi quán xa vừa mắc vừa tốn thời gian”.

Coi chừng sức khỏe

Theo các chuyên gia y tế, một số bệnh có thể xảy ra do sử dụng thực phẩm không an toàn từ thức ăn đường phố. Tỷ lệ người nhiễm bệnh về đường tiêu hóa do ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh trên thực tế rất cao.
 
Phần lớn những người từng ăn thức ăn đường phố ai cũng từng vài lần có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt... nhưng do chủ quan, không để ý nên không phát hiện được nguyên nhân. Ngoài ra, còn có các bệnh như tim mạch do sử dụng các loại thức ăn được chiên đi chiên lại nhiều lần, ung thư do dùng hóa chất, phẩm màu để chế biến, bệnh về tiêu hóa, đặc biệt với trẻ em thì sẽ có ảnh hưởng cho sự phát triển của trẻ về sau.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều- Chi cục ATVSTP tỉnh Vĩnh Long, tình trạng ngộ độc thực phẩm ở tỉnh Vĩnh Long thời gian qua do sử dụng thực phẩm không an toàn diễn ra đáng lo ngại.
 
Trong 4 năm 2009- 2013, toàn tỉnh có trên 260 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 người bị tử vong. Nhìn chung các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong năm 2013 tập trung vào các địa điểm là đám cưới, đám giỗ và thức ăn đường phố.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều cho biết, qua các cuộc kiểm tra thì việc tuân thủ quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSTP của các hộ kinh doanh thức ăn đường phố địa bàn tỉnh có chuyển biến tốt.

Song, vẫn còn các hộ chưa tuân thủ hoàn toàn như: thức ăn, đồ uống không để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh. Chưa có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay (dao, thớt…).

Một số đối tượng chưa thực hiện được việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm mình kinh doanh;...
 
Trước tình hình này, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về ATVSTP cho mọi người biết và thực hiện, đối với các đối tượng là người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP.

Thức ăn đường phố là nhu cầu thực tế của xã hội, giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mưu sinh kiếm sống và giải quyết được nhu cầu bữa ăn hàng ngày của người lao động. Song, các hộ kinh doanh phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn về ATVSTP để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Mặt khác, người tiêu dùng cần phải lựa chọn cho mình những hàng quán sạch sẽ, thức ăn chế biến phải đảm bảo an toàn.

Một khảo sát gần đây nhất của Bộ Y tế cho thấy, có gần 80% bàn tay người bán hàng trên vỉa hè bị nhiễm khuẩn Ecoli. Thực tế cho thấy, đã có nhiều ca bệnh do ngộ độc từ thức uống đường phố, không được cấp cứu kịp thời đã dẫn đến tử vong.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh