Những ngày cận tết, lại rộ lên tình trạng người ăn xin. Đây là thời điểm người dân đi mua sắm chuẩn bị tết và cũng là cơ hội “cái bang” (ăn xin) hành nghề.
Người ăn xin rộ lên những ngày cận tết.
Những ngày cận tết, lại rộ lên tình trạng người ăn xin. Đây là thời điểm người dân đi mua sắm chuẩn bị tết và cũng là cơ hội “cái bang” (ăn xin) hành nghề.
Họ là những cụ già, người khuyết tật và có cả trẻ em, xòe tay xin tiền khách đi đường. Trong số này, có người khó khăn, khuyết tật thật sự nhưng cũng không ít kẻ dùng “khổ nhục kế” để được lòng thương hại.
Những ai đi phà ngang An Bình (Long Hồ) không khỏi chạnh lòng trước cảnh người ăn xin, nhưng đôi lúc trên chuyến phà có đến 3- 4 người ăn xin khiến nhiều người cũng… hơi phiền. Thường gặp nhất là bà lão khoảng 60 tuổi, nhỏ người, mặc quần áo cũ rách, bộ dạng trông rất khắc khổ, đáng thương, cầm theo toa thuốc tây.
Bà lão cho biết: gia đình nghèo khổ, neo đơn không nơi nương tựa và mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nhưng không có tiền điều trị nên ra bến phà An Bình nhờ lòng thương hại của khách cho ít tiền lẻ mua thuốc uống qua ngày…
Nhìn bà lão ở tuổi nghỉ ngơi, an dưỡng nhưng vì hoàn cảnh phải đi ăn xin lo bản thân và tiền mua thuốc, nhiều người cảm thương mà không tiếc móc tiền ra cho.
Vắng đi thời gian, những ngày giáp tết này, bà lão xuất hiện lại ở bến phà An Bình cũng với chiêu cầm toa thuốc xin tiền khách. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ bà dùng “khổ nhục kế” nên ít người cho tiền.
Ở bến phà, thi thoảng còn có nhóm trẻ em độ 6- 7 tuổi, người ốm nhom, đen nhẻm, tóc cháy vàng vì nắng trông rất đáng thương, xòe tay xin tiền khách lúc đợi phà. Một số người cảm thương chúng ở tuổi ăn học mà phải ra đường ăn xin.
Nhưng cũng có người tiết lộ về thân phận đáng thương của chúng: các em đi xin nhưng cha mẹ của chúng ngồi chơi ở các quán gần đó hoặc ở nhà và đợi các em xin tiền về nuôi... Nếu đúng như thế thì cha mẹ của chúng thật đáng trách, lợi dụng lòng non dại, bóc lột sức lao động chính con cái mình.
Gần đây, công an ở một số nơi triệt xóa nhiều đường dây chăn dắt người đi ăn xin. Những người già neo đơn cơ nhỡ, trẻ em lang thang trở thành “công cụ” kiếm tiền cho bọn chúng. Bọn chăn dắt là thành phần bất hảo, hung hăng và hoạt động của chúng cũng rất tinh vi.
Thường chúng giả làm xe ôm chở những “cái bang” đến điểm đông người và giám sát chặt chẽ đến chiều rước về. Những “cái bang” nào lười biếng hoặc xin được ít tiền sẽ bị chúng bỏ đói, hành hạ dã man. Những khách đi đường cảm thương cho tiền đã vô tình tiếp tay cho bọn chăn dắt.
Ở Vĩnh Long thời gian qua, chưa phát hiện nạn chăn dắt, nhưng tình trạng người ăn xin không ít và một số người xem ăn xin như là cái nghề sinh sống.
Không phủ nhận vì hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật, không nơi nương tựa mà nhiều người già, trẻ em, người khuyết tật chấp nhận ra đường làm “cái bang” sống nhờ lòng thương hại. Những trường hợp ấy quả thật đáng thương và rất cần mọi người chung tay giúp đỡ. Tuy nhiên, có những người mạnh khỏe nhưng vì lười lao động, lợi dụng lòng thương hại của mọi người để ngửa tay xin tiền thì thật đáng lên án.
Nhưng để phân biệt người ăn xin thật hay giả cũng rất khó. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần sớm vào cuộc, ngăn ngừa nạn chăn dắt, người đi ăn xin giả mạo. Ngày tết sắp đến, các ban ngành đoàn thể, tổ chức, nhà hảo tâm có thể giúp những người thật sự khó khăn để họ không ra đường ăn xin và cũng là để giữ gìn hình ảnh đẹp trong lòng khách những ngày tết.
Những ngày giáp tết này, tình trạng người ăn xin rộ lên. Họ trong bộ dạng khắc khổ tập trung nhiều ở bến xe tàu, quán ăn, xin tiền. Qua tìm hiểu, vào dịp lễ, rằm lớn trong năm hay những ngày giáp tết, là cơ hội họ xin tiền và có thể được cả trăm ngàn đồng/ngày.
Bài, ảnh: HOÀI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin