Xuân về trên những nhành mai

07:12, 04/12/2013

Ngót nghét hơn 80 năm hình thành, Làng mai vàng Phước Định (ấp Phước Định 1 và Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) tự tin phát triển bên vườn cây ăn trái quanh năm xum xuê. Đầu tháng 12, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi đi dọc theo đường đan vào làng mai vàng, chợt thấy lòng chộn rộn. Xuân như đã về trên những nhành mai!


Đường vào làng mai vàng Phước Định.

Ngót nghét hơn 80 năm hình thành, Làng mai vàng Phước Định (ấp Phước Định 1 và Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) tự tin phát triển bên vườn cây ăn trái quanh năm xum xuê. Đầu tháng 12, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi đi dọc theo đường đan vào làng mai vàng, chợt thấy lòng chộn rộn. Xuân như đã về trên những nhành mai!

Mai quanh nhà

Về làng mai vàng không quá khó bởi “mai đã góp phần chỉ đường”. Ở đây mai vàng có nhiều loại. Ngoài “mai đại” (cây cổ thụ, hàng trăm năm tuổi), “mai trung”, “mai tiểu” (khoảng 10 năm) được tỉa cành tạo tán cẩn thận, đặt để nơi tươm tất, loại “mai lá” cao ngút mắt được tỉa tót “âm dương” dùng làm hàng rào.

Tùy theo điều kiện sân bãi mà mỗi nhà ở đây đều sở hữu từ vài chục đến vài trăm gốc mai vàng lớn nhỏ. Bất chợt dừng xe trước sân nhà chú Lê Văn Phương (ấp Phước Định 2), chúng tôi được chiêm ngưỡng “nhà mai” uốn kiểu “tàn thông” hàng chục năm tuổi.
 
“Mấy bữa nay, có lái trả 280 triệu đồng nhưng chưa bán được, đúng giá phải 300 triệu thì mới cho bứng”- chú Phương hào hứng. Những gốc mai này chú Phương mua về hơn chục năm “tính ra tuổi nó còn lớn hơn tuổi tui lận”.

Mai mua về phải dưỡng cả chục năm sau khi “lên dáng” sẽ được “chưng” ra bán. Mấy anh, em chú Phương cũng “sống bằng nghề kinh doanh mai”, nhà nào cũng sở hữu hàng trăm gốc lớn nhỏ. Còn con trai chú Phương hiện cũng là tay “chơi mai” có tiếng ở đây, thường xuyên rong rủi khắp nơi tìm “mai rừng” mua về chăm tỉa, đến tết “sang tay” kiếm lời.

Tay nghề trồng mai hơn 30 năm nay, ông Lê Văn Tý (ấp Phước Định 2) đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và trở thành người trồng mai có tiếng ở địa phương. Hơn 400 gốc mai lớn nhỏ trong vườn sẵn sàng đón tết, ước mang về cho ông lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.


Chăm mai là niềm vui của người dân làng mai vàng.

Theo ông Lê Văn Tý, ngày trước, bà con ở đây chuyên trồng chôm chôm, nhãn nhưng khi đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định, một vài hộ chuyển sang trồng mai.

Từ cha ông truyền lại, cộng với kinh nghiệm tích lũy qua thời gian, người trồng mai ngày càng ăn nên làm ra và cũng từ đó phong trào cũng dần dần lan rộng. Đến nay, làng nghề đã được lưu truyền 2- 3 thế hệ. Nhờ sự đam mê nên hơn 7 năm nay, ông Lê Văn Tý được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng Ban đại diện Làng mai vàng Phước Định.

Mai ra chợ tết

Chú Tiêu Hùng Minh (Ba Tiền)- Phó Chủ tịch Hội Làng mai vàng Phước Định- sở hữu trên 350 gốc mai đại, mai trung và mai tiểu cho biết: “Bà con ở đây từ phụ nữ đến trẻ nhỏ, ai cũng biết chăm sóc, cắt tỉa mai”. Rồi chú chia sẻ: “Người dân Phước Định chơi mai riết thành ghiền. Nhà nào cũng có vài chậu mai, tết nở vàng rực, ai tới cũng khen tấm tắc.”

Kể chuyện “săn” mai, chú Ba Tiền cười vui: “Cây mai nằm tuốt trong vườn, hổng ai để ý tới, mình mua về tỉa tót cho mai ra dáng “thành thị” rồi bán. Song, nhiều cây không dễ ăn, đụng “mai đại” thì dưỡng cho ra dáng cũng cỡ chục năm mới bán được.”

Thời điểm này, nhiều thương lái ở TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng đến “xông đất” tìm “dáng mai” đẹp để đặt mua. Nét đặc sắc mai vàng Phước Định là thường chơi “mai y” (không ghép), vì vậy theo chú Ba Tiền “đó là thương hiệu riêng ở đây” và “khi bán có bảo hành đàng hoàng à nghen!”


Chú Ba Tiền bên gốc mai vàng vừa mua về. Chú bảo, cây mai này sẽ được tỉa tót cho ra dáng “thành thị”.

Còn theo chú Lê Văn Phương, yếu tố khác quyết định đến giá trị của cây mai vàng bán tết là tuổi thọ, kiểu dáng của cây. Có cây mai dáng to nhưng giá chỉ có vài triệu đồng, nhưng cũng có cây “nhỏ xíu mà giá lên đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng”.
 
“Làng mai đang tất bật tuyển lựa cây tốt, dáng đẹp để chuẩn bị bán tết. Còn các thợ sửa đang tích cực o bế, chăm bón các gốc mai đã thành hình, canh tới khoảng 12- 14 tháng Chạp lặt lá để mai nở kịp tết là vừa.”- chú Lê Văn Phương cho hay.

Làng mai vàng Phước Định hiện có 250 hội viên, trong đó có 151 hộ trồng mai. Ông Lê Văn Tý cho biết: Hiện làng mai có 550 gốc mai đại, 10.800 gốc mai trung và 20.000 gốc mai tiểu. Bình quân, mỗi mùa tết, làng mai bán trên 3 tỷ đồng. “Những năm gần đây mai uốn “tán thông” đang được ưa chuộng nhiều hơn. Năm nay kinh tế còn khó khăn nên mai trung và mai tiểu dự báo dễ bán hơn mai đại”- ông Lê Văn Tý dự báo.

Tên tuổi làng mai vàng Phước Định được thương lái khắp nơi biết đến nên việc mua bán rất dễ dàng. Đặc biệt khi khu du lịch sinh thái kết hợp làng mai vàng được mở ra du khách nước ngoài cũng tìm đến đông hơn, thôn xóm thêm phần sung túc.

Loay hoay bên cây mai có giá hàng trăm triệu đồng, chúng tôi cứ xuýt xoa, “tết đến ra hoa chắc đẹp lắm”, chú Ba Tiền cười: “Muốn biết, xin mời tết quay lại, chụp hình không đẹp… không lấy tiền!”

Tháng 7/2009, làng mai vàng Phước Định được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận làng nghề. Với trên 80 năm kinh nghiệm, giờ đây mỗi năm làng nghề cung cấp cho thị trường từ 10.000- 12.000 gốc mai.


Bài, ảnh: QUYÊN MINH

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh