Xây dựng TP Vĩnh Long bền vững về môi trường

08:12, 18/12/2013

Trong tương lai, TP Vĩnh Long sẽ trở thành đô thị bền vững về môi trường theo hướng kinh tế xanh, chú trọng từ quy hoạch, phát triển, đến quản lý đô thị.


TP Vĩnh Long luôn quan tâm chăm sóc và tạo thêm các mảng xanh trong quá trình phát triển đô thị.

Trong tương lai, TP Vĩnh Long sẽ trở thành đô thị bền vững về môi trường theo hướng kinh tế xanh, chú trọng từ quy hoạch, phát triển, đến quản lý đô thị.

Theo Sở Xây dựng Vĩnh Long, TP Vĩnh Long hiện đã đạt 50% tiêu chí đô thị loại II, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 78%, hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống nước máy tập trung đạt hơn 97%, chất thải rắn được thu gom đạt 84%.
 
Công tác phát triển đô thị và không gian đô thị thời gian qua luôn được quan tâm đến việc kết nối các đô thị lân cận trong vùng, cũng như kết hợp chặt chẽ với quy hoạch ngành và bảo vệ môi trường. Hiện ở khu vực đô thị, số lượng nhà máy, cơ sở sản xuất chưa nhiều, đặc biệt không có khu công nghiệp tập trung. Nhờ đó, môi trường chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi khói, bụi, tiếng ồn và nước thải từ các khu công nghiệp.

Trong quy hoạch phát triển đô thị, các mảng xanh đã được quan tâm. Toàn thành phố có gần 5.500 cây xanh dọc theo các tuyến đường, công viên, tạo bóng mát và không khí trong lành.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị bền vững về môi trường còn tồn tại một số bất cập: xây dựng và phát triển chưa tuân thủ đúng quy hoạch (quy hoạch có mảng xanh nhưng chưa triển khai thực hiện); tầm nhìn trong quy hoạch còn hạn chế (cấu trúc không gian đô thị chưa hợp lý, diện tích đất cho công trình phúc lợi công cộng và công viên cây xanh còn thiếu); tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng do: rác thải, nước thải chưa qua hệ thống xử lý tập trung xả trực tiếp ra môi trường, nhà sàn trên sông rạch còn nhiều, sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên gây mất cân bằng sinh thái…

Để xây dựng thành phố bền vững về môi trường theo hướng kinh tế xanh, Vĩnh Long đề ra các nhóm giải pháp về quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển và quản lý đô thị.


Đường Phan Bội Châu (Phường 1) đẹp hơn với hàng cây cổ thụ.

Cụ thể, đưa quan điểm phát triển xanh và tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch; khuyến khích đầu tư và phát triển các khoảng không gian xanh trong các dự án đô thị, triển khai các giải pháp chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tận dụng các lợi thế vị trí địa lý để tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh, dịch vụ xanh…

Bên cạnh, có chính sách ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án đô thị xanh, đô thị sinh thái.

Mặt khác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên trong phát triển đô thị. Tập trung cho phát triển công nghiệp sạch, tạo điều kiện cho các hộ nhà sàn tái định cư để xóa nhà sàn trên sông rạch.

Cùng với đó, công tác quản lý đô thị sẽ xây dựng tiêu chí, lựa chọn và cấp phép cho những lĩnh vực sản xuất công nghiệp ít gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt tại các khu công nghiệp ở vành đai đô thị); khuyến khích và hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm vào khu công nghiệp tập trung; tuyên truyền, giáo dục người dân từng bước thay đổi thói quen- tiêu dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường, xả thải đúng quy định; khuyến khích không chôn cất trên đất mà sử dụng công nghệ đốt để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, liên kết chặt chẽ với các tỉnh lân cận để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, quản lý phát triển đô thị bền vững.

Theo TS. Nguyễn Thế Đồng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thành phố xanh, thành phố sinh thái, thành phố bền vững về môi trường… là các thành phố được thiết kế, xây dựng lấy con người và chất lượng môi trường sống làm trung tâm, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai. Theo đó, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển không gian xanh, giao thông đô thị bền vững, thải ít chất thải ra môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.


Bài, ảnh: NAM ANH

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh