“Nhín một chút” cho đường quê thêm sáng!

07:12, 18/12/2013

Không còn cảnh phải mò mẫm đi lại trên những con đường tối om, nhiều năm qua tại một số địa phương, người dân đã tự nguyện đóng góp công sức, vật chất xây dựng nhiều tuyến đèn đường. Từ đó, cuộc sống cũng trở nên vui hơn, đảm bảo an toàn giao thông, kéo giảm nạn trộm cắp.

Không còn cảnh phải mò mẫm đi lại trên những con đường tối om, nhiều năm qua tại một số địa phương, người dân đã tự nguyện đóng góp công sức, vật chất xây dựng nhiều tuyến đèn đường. Từ đó, cuộc sống cũng trở nên vui hơn, đảm bảo an toàn giao thông, kéo giảm nạn trộm cắp.


Nhờ có hệ thống đèn đường, cuộc sống của người dân ấp Phước Định 2 thêm an toàn và vui tươi hơn.

Làng mai vàng Phước Định những ngày giáp tết thật nhộn nhịp và khi màn đêm buông xuống, sắc mai càng rực rỡ hơn dưới ánh đèn. Đây là kết quả từ sự đóng góp thực hiện tuyến đèn đường của nhân dân trong ấp.

Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Phước Định 2 Lê Thị Kim Vân nhớ lại, khoảng 5 năm trước, khi đêm xuống là đi lại rất khó khăn, đường sá tối om lại ghập ghềnh nên bà con cũng ít ra ngoài, lâu lâu lại có tin báo mất trộm.
 
“Tiền bạc thì còn cất trong nhà được, chứ cây cối như mai thì làm sao mà đem giấu được? Vậy là vô tình tạo điều kiện cho bọn trộm cắp lợi dụng đêm xuống trộm mai. Mỗi gốc mai có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tài sản lớn nên ai cũng nơm nớp lo sợ”- Bí thư chi bộ- Lê Thị Kim Vân cho biết.

Chị Võ Thị Minh Hiếu (ấp Phước Định 2) cho biết, trước đây nhà chị có 1 hàng xương rồng dài khoảng mấy chục mét, đến tối là âm u lắm, lâu lâu lại có vài con nghiện tụ tập về đây tiêm chích, lo sợ nên tối là ở trong nhà không ai dám ra ngoài.

Trước thực tế trên, Bí thư chi bộ ấp Kim Vân cùng với bà con trong xóm đề nghị góp tiền xây dựng tuyến đèn đường. Kết hợp cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Chi bộ ấp Phước Định đến từng nhà vận động bà con, ban đầu cũng có người e ngại nhưng dần dà được thuyết phục, nên số người đăng ký tham gia tăng lên.

Mỗi gia đình đóng 50 ngàn đồng, sau vài tháng đã thu được gần 15 triệu đồng. Để tiết kiệm, bà con nhất trí chọn sử dụng đèn compact, nhà nào gần đường lộ thì treo bóng đèn trước cổng.

Việc bảo quản hệ thống đèn cũng được chia làm 2 tổ, mỗi tổ đều có người chịu trách nhiệm đóng ngắt điện. Khi trời nhá nhem tối, hệ thống đèn sẽ được bật lên đồng loạt đến khoảng 6 giờ sáng hôm sau.
 
“Vui lắm, khoảng 7 giờ là đường quê bừng sáng, bà con xúm lại chuyện trò. Trẻ con thì đùa giỡn, sáng thì bà con tranh thủ dậy sớm tập thể dục, thể thao; nhất là mấy ngày tết, mấy gốc mai vàng càng thêm rực rỡ dưới ánh đèn”- chú Lê Văn Ta (ấp Phước Định 2) phấn khởi. Theo chú Ta, nhờ có tuyến đèn này mà bà con trong xóm thêm đoàn kết, không còn va quẹt giao thông, bọn trộm cũng không dám bén mảng vì sợ bị phát hiện.

Thấy được hiệu quả thiết thực, thế là bà con trong ấp tiếp tục góp tiền nối dài tuyến đèn đường. Riêng những hộ ở xa đường lộ thì địa phương cũng vận động bà con tự nguyện đầu tư đường dây từ trong nhà ra trước sân để thắp sáng, nhờ vậy đến nay toàn ấp đã lắp được trên 130 bóng đèn (khoảng cách trên 10m/bóng để đảm bảo độ sáng).

Bí thư chi bộ Lê Thị Kim Vân cho biết, ngay từ ban đầu, bà con đã thống nhất mỗi quý chỉ góp 20 ngàn đồng dùng làm chi phí trả tiền điện, tu sửa hoặc thay mới bóng đèn. Chị Hiếu phấn khởi: “Làng xóm được thắp sáng nên vui lắm, tui cũng tự nguyện phá bỏ hàng xương rồng, lắp thêm 3 bóng đèn trước nhà mình, cũng tùy theo thu nhập mà hàng quý tui cũng đóng góp thêm vài chục ngàn cùng bà con duy trì mô hình này”.

Một số nơi như ấp Mướp Sát, ấp Bình Phụng (xã Trung Hiệp), ấp An Lạc Tây (xã Trung Hiếu) của huyện Vũng Liêm; xã Thới Hòa (Trà Ôn)… nhân dân cũng tự nguyện góp tiền xây dựng đèn đường giao thông nông thôn. Hàng tháng, mỗi hộ chỉ góp khoảng 5 ngàn làm chi phí sửa chữa, thay mới bóng đèn.


Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh