
Thời bình, những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục chiến đấu trên trận tuyến “diệt giặc đói”. Họ không chỉ giúp đồng đội vượt qua khó khăn trong cuộc sống mà còn tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ phấn đấu.
Thời bình, những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục chiến đấu trên trận tuyến “diệt giặc đói”. Họ không chỉ giúp đồng đội vượt qua khó khăn trong cuộc sống mà còn tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ phấn đấu.
Sau 5 năm tham gia cách mạng, năm 1969, ông Hà Văn Be (ấp Trung Hòa 1, xã Trung An- Vũng Liêm) bị bắt và bị kêu án 10 năm khổ sai. Tuy may mắn trốn thoát nhưng những trận đòn tra tấn dã man đã làm cho ông đau ốm triền miên.
![]() |
Nhờ đồng vốn của hội, nhiều NTKC đã có cuộc sống ổn định hơn.
|
Vượt qua bệnh tật, sau ngày giải phóng, ông tiếp tục công tác ở Mặt trận ấp rồi công tác Ban Liên lạc tù chính trị xã và hiện là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến (NTKC) xã. Với mong muốn “tất cả hội viên (HV) đều có cuộc sống ổn định”, ông không chỉ tận tâm giúp HV lập hồ sơ để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước mà còn phát động các phong trào giúp đồng đội vượt khó
thoát nghèo.
Nhớ lại, ngày mới thành lập hội, đời sống của hầu hết HV đều rất khó khăn, nhưng “hiện nay, trong hội không còn HV nghèo và cận nghèo”- ông Be phấn khởi khoe.
Đạt được kết quả này, phải nói đến cái “khéo” trong công tác vận động HV tham gia góp vốn xoay vòng, trồng chuối gây quỹ hội, hũ gạo khuyến học, hũ gạo tình thương và gần đây nhất là hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được cụ thể hóa thành phong trào “bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội” đã mang đến tổng nguồn quỹ trong tỉnh gần 1,1 tỷ đồng để giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Việc chăm sóc, thăm bệnh, tặng quà tết HV… đã càng thêm thắt chặt nghĩa tình đồng đội.
Bên tách trà nóng hổi, bà Huỳnh Thị Làng (76 tuổi, ấp An Lạc 2) kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng làm công tác mật và bị địch bắt tù đày. Sức khỏe bị suy kiệt dần sau những trận đòn roi đến “thịt nát, xương mòn” nhưng bà vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Hòa bình, bà phải vượt qua nỗi đau bệnh tật để gắng sức lo cho 9 đứa con. Nhà nghèo, con đông nên cuộc sống vô cùng khó khăn…
Thông qua các phong trào do hội phát động, bà trồng chuối, bán trái rồi tận dụng thân cây để làm thức ăn cho vịt, cắt cỏ nuôi bò. Cuộc sống gia đình bà giờ đây đã không còn cảnh kiếm sống đắp đổi qua ngày như trước nữa. “Sắp tới, khi nhận vốn xoay vòng, tui sẽ xây chuồng bò và nuôi thêm bò”- bà phấn khởi khoe.
Bà Trần Thị Chiểu- Chi hội trưởng Chi hội NTKC ấp An Lạc 2 cho biết: “Trước đây, toàn chi hội có đến 14/18 HV nghèo. Thông qua các nguồn quỹ, đã giúp xóa toàn bộ hộ nghèo. Qua mỗi lần nhận vốn, tui dùng để đầu tư trồng chuối, dừa, xoài và chăn nuôi. Sắp tới, tui sẽ dùng số tiền này để tu sửa nhà”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Bao- Chủ tịch Hội NTKC huyện: Tính riêng từ năm 2008 đến nay, qua các nguồn vốn xoay vòng và quỹ hội, đã có 172 gia đình HV phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt mang hiệu quả cao.
Điển hình, có ông Lê Văn Răng (ấp Xuân Lộc, xã Trung Thành- Vũng Liêm) đã có cuộc sống ngày càng khấm khá nhờ sử dụng nguồn vốn để trồng nấm rơm, nuôi vịt rồi nuôi bò. Tuy không còn trẻ nữa, sức khỏe đã hao mòn nhưng ông vẫn ấp ủ nhiều dự tính vì “lao động là vinh quang”.
Đến ấp Tường Thạnh (xã Hòa Bình- Trà Ôn), chúng tôi tìm gặp một trong những nhân chứng sống của lịch sử, đó là ông Phạm Văn Bổn- thương binh 3/4. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng ngày ông phải gánh chịu nỗi đau để lại từ những trận đòn roi và di chứng là mù mắt phải, tay phải không làm được việc nặng và mang trong người nhiều miểng đạn.
Ngày thống nhất đất nước, ông trở về quê nhà, “phải lao động ngày đêm, để chăm lo gia đình”- ông Bổn nhớ lại. Năm 2011, ông nhận được 1 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng của hội và đã đầu tư nuôi cá trê. Khi xuất ao bán được 10 triệu đồng. Ông tiếp tục mua thêm 15kg cá giống và 100 con gà tàu về nuôi. Ông cho biết: “Cuộc sống tui giờ cũng tạm ổn, do nay đã bước sang tuổi thập thất cổ lai hy và chịu di chứng của vết thương để lại nên việc đầu tư chăn nuôi nhỏ này là phù hợp nhất”.
Ông Huỳnh Tấn Phước- Chủ tịch Hội NTKC tỉnh nhận định: Trải qua những năm tháng tù đày tra tấn nên cuộc sống NTKC gặp nhiều khó khăn. Qua đó, các cấp hội đã phát động nhiều phong trào vận động gây quỹ, giúp nhau vốn, cây con giống cùng với vốn ưu đãi của Nhà nước (tổng cộng gần 26,4 tỷ đồng). Với tinh thần chí thú làm ăn đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương vượt khó thoát nghèo, nuôi con thành đạt, cuộc sống ngày càng ổn định.
Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, tỉnh Vĩnh Long có 5.042 người bị địch bắt tù đày, trong đó có 28 người bị địch kết án tử hình.
Hiện đã có 37 HV được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6 HV được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin