
Hàng ngày chạy xe ôm nhưng chú Dương Văn Hai (xã Mỹ An- Mang Thít) vẫn thầm lặng tiếp xúc, tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS, cấp phát bao cao su (BCS) cho người dân với mong muốn góp phần nâng cao “sức đề kháng” của cộng đồng trước đại dịch HIV/AIDS.
Hàng ngày chạy xe ôm nhưng chú Dương Văn Hai (xã Mỹ An- Mang Thít) vẫn thầm lặng tiếp xúc, tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS, cấp phát bao cao su (BCS) cho người dân với mong muốn góp phần nâng cao “sức đề kháng” của cộng đồng trước đại dịch HIV/AIDS.
Dáng người rắn rỏi, cử chỉ thân thiện, hoạt bát là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với chú Hai. 15 năm làm nghề chạy xe ôm chú luôn tạo cho mọi người cảm giác thân thiện và thoải mái khi trò chuyện.
![]() |
Là nhân viên tiếp cận cộng đồng, chú Hai đã tuyên truyền cho người dân có thêm kiến thức để bảo vệ mình và mọi người trước căn bệnh HIV/AIDS.
|
Với lợi thế gặp gỡ được nhiều đối tượng nên hơn 1 năm nay, chú tham gia làm nhân viên tiếp cận cộng đồng cho Chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Bởi theo chú, “phòng chống HIV/AIDS không phải là chuyện của riêng ai mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội”.
Từ khi bắt tay vào làm nhân viên tiếp cận cộng đồng, chú luôn tận tâm và hết lòng với công việc “nhạy cảm” này. Hàng ngày chở khách, nhất là những thanh niên “nhìn hơi quậy”, chú liền tìm cách trò chuyện, hỏi thăm và phát cho họ “phiếu yêu cầu”.
Nếu có nhu cầu sử dụng BCS thì chú giới thiệu họ đến trạm y tế xã nhận, còn ngại thì chú sẽ nhận dùm. “Mình phát BCS và hướng dẫn họ có hành vi an toàn là vì cái chung của cả cộng đồng chứ đâu phải mình vẽ đường cho hươu chạy đâu”- chú nói.
Chú cũng hay tìm đến bến xe, nhà trọ, quán cà phê, tiệm sửa xe, tiếp cận với những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao để tư vấn về HIV/AIDS, cung cấp và hướng dẫn sử dụng BCS. Ngoài ra, chú còn đến nhà người dân để tuyên truyền kiến thức phòng tránh lây nhiễm HIV cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện hành vi tình dục an toàn…
Theo chú, việc tiếp cận cộng đồng không dễ dàng chút nào. Lúc đầu có người nhìn chú bằng ánh mắt nghi ngờ, thậm chí còn nghĩ rằng “chú bị nhiễm bệnh”.
Thế nhưng, chú không nhục chí mà kiên trì tiếp cận, hướng dẫn mọi người cách bảo vệ sức khỏe bản thân, giới thiệu các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Dần dần với những lợi ích từ công việc mà chú đem lại, mọi người đã hiểu ra và ủng hộ.
![]() |
Chú Hai thường hay tìm đến các quán nước, bến xe, nhà trọ để tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.
|
Chú Hai cho biết: “Ban đầu, tôi cũng gặp khó khăn vì các chủ nhà trọ, quán karaoke... đều từ chối tiếp cận. Nhất là những đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cao, họ luôn muốn giấu thân phận của mình. Tuy nhiên, sau mỗi lần như vậy, tôi đều rút ra kinh nghiệm và tìm cách để tiếp cận hiệu quả hơn”.
Nhờ kiên nhẫn, chịu khó và hơn hết với kỹ năng truyền thông thu hút, giờ đây chú nhận được sự hợp tác nhiệt tình, sự phản hồi tích cực của các chủ quán karaoke, nhà trọ và các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm.
Và mỗi khi cần tư vấn về phòng chống HIV/AIDS hay có nhu cầu sử dụng BCS thì mọi người thường tìm đến chú. Chú chia sẻ: “Tuy nhiều lúc bị người khác hiểu lầm, nghi ngại về công việc này nhưng tôi thấy rất vui vì được đóng góp công sức làm giảm khả năng lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng”.
Chú Võ Văn Kế- Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ An cho biết: “Tuy làm việc này chưa lâu nhưng chú Hai hoạt động rất tích cực và trách nhiệm. Với vai trò là cầu nối giữa người dân và hệ thống phòng chống HIV/AIDS, chú đã góp phần tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi của nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, giúp người dân có thêm kiến thức để bảo vệ mình và mọi người trước căn bệnh HIV/AIDS”.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin