Qua hơn 6 tháng phát động mô hình dân vận khéo “ấp văn hóa xây dựng nông thôn mới (NTM)”, UBMTTQ Việt Nam xã Ngãi Tứ (Tam Bình) đã cùng với các tổ chức thành viên động viên nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Qua hơn 6 tháng phát động mô hình dân vận khéo “ấp văn hóa xây dựng nông thôn mới (NTM)”, UBMTTQ Việt Nam xã Ngãi Tứ (Tam Bình) đã cùng với các tổ chức thành viên động viên nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Nhờ làm tốt công tác “dân vận khéo”, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng nâng lên. Trong ảnh: Mô hình ươm cây giống của ông Lê Văn Kia (giữa).
Khéo dân vận, hợp lòng dân
Trên tuyến đường mới mở ở ấp Bình Ninh, chúng tôi đến gặp ông Lê Ngọc Điệp- người đã hiến 394m2 đất vườn để mở rộng tuyến đê bao làm đường nông thôn theo tiêu chí xây dựng NTM.
Ông kể: “Tui chỉ có 1,7 công vườn nhưng khi nghe nói Nhà nước cần đất để làm đường đi là tui gật đầu cái rụp liền. Bởi con lộ này cũng là mơ ước từ lâu của người dân nơi đây”.
Gần nhà ông Điệp, ông Ngô Văn Thiên cũng đã hiến hơn 360m2 đất trồng dừa đang cho trái để làm đường.
Chính nhờ hiểu được những lợi ích từ các công trình hạ tầng mang lại, mà người dân chính là chủ thể cũng là người thụ hưởng, nên từ đầu năm đến nay, đã có 272 hộ dân trong xã tự nguyện hiến 59.000m2 đất và 58.800 cây các loại để làm đường xe 4 bánh qua các ấp An Thới- Ngã Cái- An Phong- Bình Quý- Bình Ninh, ước trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Ông Lê Ngọc Điệp (trái) đã hiến 392m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.
Nhờ vậy, địa phương có đường liên xã được nhựa hóa mặt đường 7m; 9/9 ấp có đường liên ấp bê tông hóa, mặt đường rộng 3,5m (đạt 100%), góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống kinh tế cho người dân và thay đổi diện mạo nông thôn.
Ông Trần Quốc Việt- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã- Phó BCĐ thực hiện Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy cho biết: Đây là năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và nếp sống văn minh nơi công cộng” theo tiêu chí NTM, được cụ thể hóa theo Quyết định số 17/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Long, BCĐ xã đã cụ thể hóa 6 tiêu chuẩn với 24 nội dung và đã tổ chức 12 cuộc tập huấn cho tổ nhân dân tự quản; đồng thời, vận động hộ về “3 hiểu, 3 tự, 3 biết” các nội dung xây dựng gia đình văn hóa theo tiêu chí NTM.
“Để xây dựng xã đạt NTM, chúng ta phải làm tốt từ các ấp”- ông Trần Quốc Việt nhận định.
Qua chấm điểm, có gần 2.700 hộ (76,9%) đạt gia đình văn hóa theo tiêu chí NTM. Nét nổi bật là đã vận động nhân dân đào gần 1.700 hố rác tự hoại; gần 2.500 hộ có khuôn viên nhà ở xanh- sạch- đẹp; hơn 2.800 hộ tham gia xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế- xã hội NTM; 9/9 ấp xây dựng và thực hiện hiệu quả quy ước cộng đồng, quy chế dân chủ cơ sở và duy trì được phong trào sinh hoạt CLB, phong trào văn hóa- văn nghệ...
Khéo dân vận, dân thêm thu nhập
Trưa nắng, ông Lê Văn Kia (ấp Bình Ninh) cùng con trai miệt mài ngồi ươm cây giống với các loại cam xoàn, cam sành, bưởi, quýt... Mô hình này không chỉ giúp ông phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho một số lao động với mức thu nhập 200.000 đ/người/ngày.
Ông Kia cho biết: “Năm vừa qua, tui cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 cây giống. Hiện, tui định mướn thêm 6 công đất gò để phát triển mô hình, nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Vừa ngồi đan chậu lục bình, chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (ấp Bình Quý) tiếp chuyện với nụ cười thật tươi: “Tôi gắn bó với nghề này hơn chục năm rồi. Với mỗi cái chậu như thế này, chỉ cần ngồi đan khoảng 2 tiếng là có 22.000- 25.000đ”. Với “thâm niên” trong nghề, chị đứng ra làm đầu mối thu gom sản phẩm, nhiệt tình hướng dẫn bà con địa phương làm tạo thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu luôn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Thông qua nhiều hoạt động giúp người dân phát triển kinh tế, thu hút lao động, nâng cao thu nhập của người dân, địa phương vừa được công nhận thêm 1 làng nghề. Toàn xã có 3 làng nghề đan thảm lục bình ở ấp Bình Quý, Bình Ninh và An Phong thu hút trên 2.100 lao động với mức thu nhập từ 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng.
Chính nhờ sự quan tâm sâu sát của địa phương mà trong năm qua, có 92,6% người trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định; 560 lao động được tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm... Ủy ban MTTQ Việt Nam xã còn thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, xóa 81 hộ nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ hơn 5% xuống còn 3,6%.
Ông Trần Quốc Việt nhận định: Thông qua mô hình dân vận khéo “ấp văn hóa xây dựng NTM” đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần tự giác của nhân dân trong việc thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, tạo sự gắn bó giữa Đảng và nhân dân trong sinh hoạt nơi cư trú.
Năm 2013, xã Ngãi Tứ thực hiện đạt thêm 3 tiêu chí (hình thức tổ chức sản xuất, cơ cấu lao động và bưu điện), nâng tổng số đến nay thực hiện đạt 12/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại thực hiện đạt từ 60- 80%. Ngoài kết quả đạt được, xã cũng gặp không ít khó khăn do nguồn lực còn hạn chế, nguồn vốn hỗ trợ còn ít. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin