Góp sức xóa nghèo hiệu quả

08:12, 18/12/2013

Qua 10 năm (2003- 2013) thực hiện chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi, vốn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm và thực hiện ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Cựu chiến binh (CCB) TX Bình Minh đã giúp cho 167 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và là một trong số 61 tập thể của cả nước được Trung ương Hội tuyên dương điển hình.

Qua 10 năm (2003- 2013) thực hiện chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi, vốn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm và thực hiện ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Cựu chiến binh (CCB) TX Bình Minh đã giúp cho 167 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và là một trong số 61 tập thể của cả nước được Trung ương Hội tuyên dương điển hình.


Tận dụng vốn vay đầu tư trồng xà lách xoong, anh Dũng đã vươn lên thoát nghèo.

Sử dụng vốn vay hiệu quả

Trên cánh đồng bạt ngàn cải xà lách xoong được che phủ cẩn thận bởi những giàn lưới, vợ chồng anh Trần Thanh Dũng (ấp Thuận Phú B, xã Thuận An) đang tưới nước dưỡng ẩm cho những luống rau xanh mơn mởn. “Nhờ được hội hỗ trợ vay vốn, tui đầu tư trồng xà lách xoong mà vươn lên thoát nghèo đó”- anh Dũng mở đầu câu chuyện với nụ cười thật tươi.

Sau 3 năm nhập ngũ, vận chuyển vũ khí sang giúp nước bạn ở chiến trường K, năm 1989, anh Dũng xuất ngũ trở về và khởi đầu cơ nghiệp với 1 công ruộng. Cái nghèo vẫn đeo đẳng mãi khi 2 đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi học...

Năm 2003, được Hội CCB xã hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn ưu đãi 7 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (nay là thị xã), anh vui như “mở cờ trong bụng”.

Nhận vốn, anh mạnh dạn mướn đào mương, lên bờ trồng cải xà lách xoong vì theo anh “đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích hợp đối với những hộ gia đình có diện tích canh tác và vốn đầu tư ít”.

Với năng suất bình quân khoảng 1 tấn/vụ, giá 15.000 đ/kg, anh đã dần thoát khỏi cảnh “thiếu trước, hụt sau”, sang nhượng thêm 2 công rẫy, cất nhà tường khang trang và rút sổ hộ nghèo trong vòng 6 năm.

Vừa thu hoạch xong đám rau diếp cá, ông Nguyễn Văn Hưng (thương binh 4/4, ấp Thuận Tiến C, xã Thuận An) cười thật tươi. “Nhờ được hội hỗ trợ vay vốn ưu đãi kịp thời, tui mới có điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng thành công. Hơn 7 năm nay, rau diếp cá vẫn phát triển tốt dưới chân đất ruộng và cho hiệu quả gấp 10 lần so với trồng lúa. Vụ rồi tui bán được 17.000 đ/kg”- ông khoe.


Được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, ông Hưng (trái) đã trồng rau diếp cá nâng cao thu nhập.

Gần chục năm tham gia kháng chiến chống Mỹ và phục vụ cho quân đội, năm 1978, ông Hưng xuất ngũ và khởi đầu cơ nghiệp với đôi bàn tay trắng. Không có đất canh tác và phải ở nhờ bên đất ruộng của cha mẹ vợ, mang trong mình tỷ lệ thương tật 31%, nhưng hàng ngày ông phải “gồng gánh” việc làm thuê, làm mướn, chạy bữa từng ngày.

Sau những năm tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ông tích lũy sang nhượng được 3 công ruộng, nhưng vẫn chưa thoát cảnh đói nghèo khi 6 đứa con lần lượt ra đời...

Năm 2006, được hội hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi 10 triệu đồng, ông đã mạnh dạn đưa cây rau diếp cá xuống ruộng và cho thu hoạch gần 3 tấn rau/công/2 tháng. Với giá bán trung bình 4.000- 5.000 đ/kg, rẫy rau đã giúp ông nhanh chóng xóa hết nợ vay và vươn lên thoát nghèo trong vòng 3 năm.

Theo ông: Rau diếp cá rất dễ trồng lại nhẹ công chăm sóc. Việc tưới tiêu đã có béc phun tự chế nên giờ đây tui đã có thể an tâm “dưỡng già” nhờ vào loại cây trồng “làm chơi, ăn thiệt” này.

Thoát nghèo bền vững

Ông Võ Văn Kiệt- Chủ tịch Hội CCB xã Thuận An cho biết: Trong 10 năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi gần 3,33 tỷ đồng đã giúp cho 321 lượt hộ nghèo cơ hội đầu tư sản xuất. Qua đó, đã có 9 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Bên cạnh, các hộ còn gửi tiết kiệm 145 triệu đồng.

Nhờ nắm chắc đối tượng vay vốn, lập dự án làm ăn và phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm ăn có hiệu quả.

Trong đó, phải kể đến anh Phan Văn Thắng (ấp Thuận Phú C, xã Thuận An) khởi nghiệp với 15 triệu đồng từ nguồn vốn vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Anh đã mạnh dạn mướn 2 công đất trồng rau diếp cá. Qua 4 năm, anh đã đến xã xin đăng ký trả sổ hộ nghèo.

Còn ông Hà Thanh Bình (thương binh 4/4, phường Đông Thuận) cũng đã phát triển mô hình VAC trên diện tích 2.000m2 từ nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, đã vươn lên làm giàu và mua dần được tổng cộng 8 công đất trồng chuyên canh mận da xanh kết hợp chăn nuôi heo, gà, cá. Mỗi công mận đem về cho ông nguồn lợi nhuận vài chục triệu đồng/năm, giúp ông thoát nghèo một cách bền vững.

Theo ông Huỳnh Văn Nhu- Chủ tịch Hội CCB TX Bình Minh: Để góp sức xóa nghèo hiệu quả cho hội viên, hội sẽ chú trọng nhân rộng nhiều mô hình cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tập huấn phương cách chăn nuôi và sản xuất cho hội viên nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, tăng thu nhập.

10 năm qua, các cấp hội CCB TX Bình Minh đã hỗ trợ cho gần 2.400 lượt hộ CCB nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi với trên 16 tỷ đồng. Qua đó, có 67 hộ thoát nghèo bền vững. Hiện còn 404 hộ CCB còn dư nợ gần 6,4 tỷ đồng. Đây là một trong những động lực chủ yếu để hội viên gắn bó với các cấp hội hơn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh