Lũ dữ hoành hành ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

07:11, 16/11/2013

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, sáng sớm 15-11, sau khi đi vào khu vực các tỉnh Phú Yên-Ninh Thuận, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.

* Quân đội tích cực hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, sáng sớm  15-11, sau khi đi vào khu vực các tỉnh Phú Yên-Ninh Thuận, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và khu vực bắc Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to. 

Lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và khu vực bắc Tây Nguyên đang lên nhanh. Mực nước các sông chính đều đã ở mức báo động (BĐ) 3 hoặc trên BĐ 3. Đặc biệt, sông Ba tại An Khê: 408,89m, trên BĐ 3: 2,39m, đã vượt mức lũ lịch sử năm 1981 là 0,41m.

Lũ tràn về Bình Định. Ảnh: Trần Phi Hùng

Dự báo: Lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh. Đêm nay và sáng sớm mai, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Gia Lai và Kon Tum có khả năng lên trên mức BĐ 3 từ 0,5 đến 4,0m; các sông ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Phú Yên lên mức BĐ 2-BĐ 3.

Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt tại vùng trũng.  

Tính đến chiều  15-11, lũ lớn và lốc xoáy trên địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai đã làm chết 2 người (tại tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai); mất tích 3 người (tại tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai), 4 người bị thương. (Quỳnh Dương - Xuân Dân)

Quy Nhơn: Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập nước

Từ khoảng 10 giờ đến 15 giờ ngày 15-11, nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Hà Thanh đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2009. Tại đoạn đê Vân Hà ở khu vực 2 và khu vực 5, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định), nước lũ đã tràn qua mặt đê.

Đoạn đê phía Nam sông Hà Thanh ở khu vực 7, phường Nhơn Phú đã bị vỡ. Nước lũ đã làm ngập tất cả ở 8 khu vực trên địa bàn phường Nhơn Phú, với khoảng 3000 hộ dân, có nhà bị ngập từ 1,5 đến 2m.

Ban chỉ huy PCLB&TKCN TP Quy Nhơn đã điều động hai ca nô và lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Ban CHQS TP Quy Nhơn để ứng cứu tại phường Nhơn Phú. Đến 16 giờ ngày 15-11, phường Nhơn Phú bị chìm ngập trong biển nước lũ đục ngàu.
 
Hàng nghìn hộ dân không kịp dọn và di chuyển đồ đạc, nhiều phương tiện, vật dụng sinh hoạt, quần áo không kịp đưa lên cao. Gia súc gia cầm của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước lũ chảy xiết. Hệ thống điện đã được cắt nhằm bảo đảm tính mạng cho nhân dân.

Do nước chảy quá xiết, việc tiếp cận, ứng cứu các hộ dân bị ngập sâu trong nước hết sức gian nan. Hàng trăm người dân phải leo lên mái nhà chờ cứu hộ.  

Quảng Ngãi: Ngập lụt nặng, hơn 10.000 hộ dân cần được di dời

Do mưa rất to và lũ lớn lên nhanh nên nhiều địa phương tại Quảng Ngãi đã bị chia cắt, các địa phương dã di dời hàng nghìn hộ dân lên vùng cao an toàn.

Tại huyện Nghĩa Hành, nước sông Vệ lên nhanh gây chia cắt các tuyến giao thông liên xã. Nhiều trường học nằm trong vùng bị nước lũ chia cắt ở huyện Nghĩa Hành đã thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều 15-11.

Để chủ động phòng, chống lũ bảo đảm an toàn cho người và tài sản, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã có Công điện gửi Ban chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan nhanh chóng triển khai phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động nguy hiểm.

Các khu vực dân cư vùng trũng, thấp, vùng sạt lở ven sông, ven biển, sạt lở núi, vùng hạ du các hồ chứa phải kiểm tra, rà soát và sẵn sàng phương án di dời, sơ tán theo kế hoạch.

Khẩn trương dọn đất đá sạt lở trên đường Hồ Chí Minh  

Do mưa lớn kéo dài trong hai ngày qua nên đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14E, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nặng, gây khó khăn cho giao thông.

Để bảo đảm lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14E, Hạt Quản lý đường bộ các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn và ngành giao thông tỉnh Quảng Nam đã bố trí 7 phương tiện gồm xe đào, máy ủi, máy xúc và huy động công nhân đến hiện trường tiến hành việc san ủi đất đá sạt lở xuống nền đường, khơi thông cống rãnh cho nước thoát nhanh và gia cố những đoạn có nguy cơ sạt lở cao, nhờ vậy lưu thông trên các tuyến đường này vẫn bảo đảm thông suốt.

Các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn đã cử người canh gác tại các điểm nước mưa tràn qua đường để đề phòng rủi ro có thể xảy ra.

Các đường phố ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đầy nước lũ. Ảnh: Trần Phi Hùng.

Các đơn vị tích cực, chủ động tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ

Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã sử dụng 849 cán bộ, chiến sĩ, dân quân phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời được 2.583 hộ với 10.332 nhân khẩu.

Tại tỉnh Bình Định có 8 xã của 3 huyện bị ngập nặng và chia cắt. Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã sử dụng 811 cán bộ, chiến sĩ, dân quân phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giúp dân di dời được 60 hộ với 178 nhân khẩu.
 
Tại tỉnh Phú Yên, thị xã Sông Cầu và huyện Đồng Xuân mưa lớn làm ngập lụt cục bộ 8 xã ven sông Kỳ Lộ và sông Cô. Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã sử dụng 486 cán bộ, chiến sĩ, dân quân phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời 880 hộ với 2.391 nhân khẩu.

Tỉnh Gia Lai, nước trên sông Ba lên cao, thủy điện Knát xả lũ làm ngập cục bộ huyện Kbang và xã An Khê. Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đã sử dụng 410 cán bộ, chiến sĩ, dân quân phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. (Xuân Dân)

* Cùng với việc thông báo, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn, BĐBP tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với địa phương xác định các vị trí nguy hiểm cần phải di dời và triển khai các phương án, nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra cần phải di dời sẽ triển khai thực hiện nhanh chóng, an toàn, bảo đảm tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cử một trung đội tăng cường, 2 xe chỉ huy, 3 xe chở quân thường trực sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống. 

Cứu ngư dân gặp nạn trên biển

Lúc 8 giờ 30 phút ngày 15-11, tại vị trí cách Đông Nam Cù Lao Chàm khoảng 9 hải lý, tàu cá QNg 98736 TS trên tàu có 5 lao động bị hỏng máy khi đang hành nghề cào đôi với tàu QNg 94655. Tàu QNg 98736 TS được tàu QNg 94655 lai kéo, đưa về Cù Lao Chàm.

Lúc 8 giờ ngày 15-11, tại khu vực Đông Bắc đảo Hòn Tre, Nha Trang, Khánh Hòa, có một thuyền không biển số bị hỏng máy. Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã cử 6 cán bộ, chiến sĩ cùng một tàu của Hải đội 2 ra lai dắt về bờ an toàn vào lúc 14 giờ cùng ngày.

Lúc 4 giờ ngày 15-11, tại khu vực biển thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, thúng chai hành nghề mành tôm bị lật úp làm một người mất tích. Nạn nhân được xác định là anh Đỗ Văn Lành (sinh năm 1980). Gia đình, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng tích cực tổ chức tìm kiếm. Đến 18 giờ ngày 15-11 vẫn chưa có kết quả.             

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh