Kỳ cuối: Bảo vệ trẻ- trách nhiệm không của riêng ai

06:11, 21/11/2013

Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại tình dục (XHTD) không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ mà cần sự tham gia của cả cộng đồng.

>> Kỳ 1: Những câu chuyện buồn
>> Kỳ 2: Trẻ bị xâm hại- vì đâu nên nỗi?

Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại tình dục (XHTD) không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ mà cần sự tham gia của cả cộng đồng.


Tăng cường tuyên truyền phòng chống XHTD trẻ em ở ấp- khóm.

Cần lắm sự chung tay

Từ những vụ trẻ bị XHTD ở Vĩnh Long và nhiều nơi trên cả nước, có thể khẳng định tình trạng trẻ bị XHTD đang gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng là do đa số cha mẹ chưa thật sự ý thức bảo vệ con trước cuộc sống vốn nhiều bất trắc.
 
Công tác phòng chống loại tội phạm này ở từng địa phương cũng chưa đủ mạnh để tác động đến ý thức người dân dẫn đến một số trường hợp nhân chứng không dám vạch mặt “yêu râu xanh” vì sợ bị trả thù.

Vụ bé gái bán vé số bị đối tượng say rượu dụ “lên xe đi lấy tiền sẽ mua hết vé số” rồi chở vào khu vực có nhiều lau sậy ở phường Cái Vồn (Bình Minh) thực hiện hành vi hiếp dâm được một thiếu niên đi câu lươn ngang qua phát hiện chạy vào gọi chú ra giúp. Khi 2 chú cháu cầm cây chạy ra, tên “yêu râu xanh” vội vàng lên xe tẩu thoát.

Bé gái được đưa ngay đến bệnh viện điều trị thương tổn bộ phận sinh dục và công an đã vào cuộc truy tìm “yêu râu xanh”. Tuy nhiên, do sợ gặp rắc rối nên khi công an đến làm việc, nhân chứng nói trên đã lắc đầu bảo “không biết gì” khiến vụ án rơi vào ngõ cụt.

Thái độ của nhân chứng ấy làm nhiều người bất bình nhưng đặt ra một vấn đề buộc các ban ngành liên quan phải có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm XHTD trẻ em trong dân.

Cụ thể, đi sâu tuyên truyền đến tận ấp- khóm và từng gia đình thông qua các kênh truyền thông, các buổi sinh hoạt định kỳ, nói chuyện chuyên đề XHTD trẻ em,… của các ban ngành, đoàn thể nhằm giúp những bậc cha mẹ nắm được thủ đoạn cũng như hậu quả của nạn XHTD trẻ em.
 
Từ đó, mỗi gia đình có cách dạy con phù hợp, giúp bé gái nhận ra những tình huống có thể bị xâm hại, còn bé trai tuổi vị thành niên, thanh niên thì phân biệt được điều đúng sai để tránh xa các hành vi XHTD.

Anh Lê Minh Hoàng- Bí thư Đoàn xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long) khi trao đổi với chúng tôi về giải pháp đẩy lùi nạn XHTD trẻ em, đã bày tỏ:

“Tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, tự bảo vệ con trước nạn XHTD, chú trọng tuyên truyền về giới, sức khỏe sinh sản,… cho những gia đình có bé gái, học sinh tuổi vị thành niên cũng là cách phòng chống loại tội phạm này”.

Chị Trần Thị Hồng Vân- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hậu Lộc (Tam Bình) thì đề nghị:

“Phụ nữ nông thôn đa số kiến thức còn hạn chế, tối ngày lo làm ăn, ít quan tâm tìm hiểu kiến thức phòng chống XHTD trẻ em nên chưa trang bị cho con những kỹ năng cần thiết. Do đó, tuyên truyền phòng chống XHTD trẻ em mà nói suông sẽ không hiệu quả, cần kết hợp phát tờ rơi, tờ bướm, chiếu phim minh họa các vụ trẻ bị xâm hại để mọi người thấy được thủ đoạn của bọn tội phạm mà tránh”.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Trọng An- Cục phó Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em: “Muốn giảm thiểu số trẻ em bị XHTD cần xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ hoàn chỉnh từ tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, phát hiện sớm đến hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý”.

Thực tế, Vĩnh Long cũng như cả nước đang thiếu đội ngũ làm công tác phòng ngừa tội phạm XHTD nên hiệu quả hoạt động ít nhiều bị ảnh hưởng.
 
Mặc dù từ năm 2000, BCĐ Phòng chống tội phạm trong tình hình mới của tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng và triển khai Đề án “Phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên” (Đề án 4) đến các địa phương nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống XHTD trẻ em trong cộng đồng.

Trong chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011- 2015, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã chỉ đạo kết nối hệ thống dịch vụ y tế, giáo dục bảo vệ trẻ em và các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương. Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn nên hoạt động phòng chống XHTD trẻ em ở nhiều nơi chưa cao.

Thượng úy Võ Công Sáu- cán bộ phụ trách Đề án 4 thuộc Văn phòng Công an tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Đề án 4 tập trung chỉ đạo công an các xã- phường phối hợp cùng ban ngành, đoàn thể địa phương tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền về tình hình, thủ đoạn XHTD trẻ em để người dân biết bảo vệ con em mình, giảm số vụ trẻ bị xâm hại”.

Tuy nhiên, do tài liệu tuyên truyền không đủ đáp ứng nên thời gian qua, các ban ngành được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án 4 gần như chưa tuyên truyền sâu về XHTD trẻ em.
 
“Tôi cũng có con gái nên mỗi khi nghe chỗ này, chỗ kia xảy ra hiếp dâm, sợ lắm mà không biết tìm tài liệu ở đâu để dạy con. Trước giờ chỗ tôi ở cũng chưa có cuộc họp nào nói về cách phòng tránh hiếp dâm ở trẻ”- chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (Phường 3- TP Vĩnh Long) tâm sự.

Lý giải vì sao hội phụ nữ cơ sở chưa tổ chức được các cuộc tuyên truyền chuyên sâu về XHTD trẻ em, chị Trần Phan Nhã Trúc- cán bộ phụ trách Đề án 4 thuộc Hội Phụ nữ tỉnh, cho biết: Hàng năm, Hội Phụ nữ tỉnh đều phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn phòng chống XHTD trẻ em cho cán bộ hội để về tuyên truyền lại cho cơ sở.

Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên số lượng tham gia tập huấn thường bị khống chế, tài liệu tuyên truyền cũng thiếu so với nhu cầu, không đủ phát rộng rãi ra dân nên việc tuyên truyền phòng chống XHTD trẻ em chỉ thực hiện lồng ghép là chính.

Tại các cuộc họp phát động phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu dân cư, ngành công an cũng chỉ nói chung chung về loại tội phạm XHTD trẻ em nên người dân chưa “thấy sợ” mà cảnh giác như lời của một trưởng công an xã ở huyện Bình Tân:
 
“XHTD là vấn đề tế nhị, muốn tuyên truyền hiệu quả phải có tài liệu, tranh ảnh minh họa, nói suông dễ làm cán bộ tuyên truyền ngại ngùng, né tránh làm người dân không hiểu hết vấn đề. Chính vì không có tài liệu phục vụ tuyên truyền nên trước giờ chúng tôi chỉ nói lướt qua ở các buổi phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, chứ chưa tổ chức tuyên truyền riêng về XHTD trẻ em”.

Từ những vướng mắc nêu trên, thiết nghĩ, tăng cường đầu tư kinh phí, hỗ trợ hình ảnh trực quan cho các hoạt động truyền thông phòng chống XHTD trẻ em là điều cần được quan tâm.
 
Theo đó, hoạt động tuyên truyền phòng chống XHTD trẻ em cần triển khai sâu rộng ở cả 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.

Cụ thể, ở góc độ gia đình, cha mẹ cần nêu cao trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc con cái. Trong trường học nên đưa vấn đề phòng chống XHTD trẻ em vào nội dung sinh hoạt của các CLB tư vấn tiền hôn nhân để học sinh nhận thức được tác hại của vấn nạn này mà tránh.
 
Đối với xã hội, cần huy động sự tham gia của cả cộng đồng chứ không giới hạn ở một vài ban ngành chủ chốt như công an, phụ nữ, thanh niên; cần nhất là xây dựng mạng lưới thu thập thông tin, phát hiện sớm các trường hợp XHTD trẻ em, xử nghiêm đối tượng vi phạm và đưa ra xét xử lưu động ở những địa bàn “nóng” về loại tội phạm này để các bà mẹ “mắt thấy tai nghe”, vừa có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung nhằm bảo vệ trẻ, giảm thiểu số vụ XHTD trẻ em trên địa bàn.

 

Cha mẹ cần dạy cho con cả bé trai và bé gái những điểm kín đáo, nhạy cảm trên cơ thể mà trẻ không được cho người khác chạm vào, những hành động đụng chạm nào là nguy hiểm có thể bị xâm hại và cách phản ứng.

Thường xuyên trò chuyện, khuyến khích trẻ kể lại những việc xảy ra trong thời gian đi học, đi chơi để kịp thời phát hiện những hành vi khác thường. Nếu trẻ chẳng may bị xâm hại nên yêu thương, chia sẻ, cảm thông để trẻ có thể hòa nhập với cuộc sống.

Bài, ảnh: PHƯỢNG NGHI

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh