
Xác định được nguyên nhân vì đâu trẻ bị xâm hại sẽ là “liều thuốc” giúp các bậc cha mẹ cùng ban ngành, đoàn thể liên quan đẩy lùi vấn nạn xâm hại tình dục (XHTD) đang diễn ra ngày càng phức tạp.
>> Kỳ 1: Những câu chuyện buồn
Việc buông lỏng quản lý Internet hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn XHTD trẻ em tăng. (ảnh mang tính minh họa)
Xác định được nguyên nhân vì đâu trẻ bị xâm hại sẽ là “liều thuốc” giúp các bậc cha mẹ cùng ban ngành, đoàn thể liên quan đẩy lùi vấn nạn xâm hại tình dục (XHTD) đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Gia đình tan vỡ
Khi một bé gái bị XHTD, người ta thường trút sự phẫn nộ lên đối tượng vi phạm, ít ai truy xét ngọn nguồn vì sao bé bị như thế. Trong khi nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị xâm hại xuất phát từ nhiều vấn đề của cuộc sống.
“Trẻ bị XHTD phần lớn do các em không được trang bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình. Nhiều bà mẹ cũng không biết cách phòng tránh cho con, để xảy ra chuyện mới nhận thiếu sót thì đã muộn”- thẩm phán Huỳnh Thị Kiều Duyên (TAND tỉnh Vĩnh Long) đúc kết từ những vụ “Hiếp dâm trẻ em” và “Giao cấu với trẻ em” được tòa đưa ra xét xử vừa qua.
Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long- cũng có cùng nhận định: “Trẻ bị XHTD phần lớn do cha mẹ không quan tâm đến con. Một số chủ quan, đi làm gửi con cho người thân, hàng xóm chăm nom nhưng không nghĩ đôi khi chính họ lại là thủ phạm”.
Rồi chị chia sẻ: “Tôi đắng lòng khi có chị đưa 2 con gái mới 5- 6 tuổi đến khám và điều trị tổn thương bộ phận sinh dục do bị xâm hại. Sáng, chị đi làm gửi 2 con cho hàng xóm, chiều về đón con. Không ngờ cả 2 bé bị chính người hàng xóm gần 60 tuổi nhiều lần xâm hại”.
Một bà mẹ khác có con vừa bị XHTD ở TP Vĩnh Long cũng chua xót, bảo: “Nghĩ con còn nhỏ nên tôi không quan tâm lắm đến chuyện nhạy cảm của người lớn. Tới hôm nó với đứa chị bà con cũng mới 14- 15 tuổi theo 2 thanh niên vào nhà trọ làm chuyện đó, tôi nghe mà rụng rời tay chân. Giận con nhưng cũng giận chính mình. Tôi làm mẹ mà không tròn trách nhiệm”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số trẻ bị XHTD đều có chung một hoàn cảnh là cha mẹ ly hôn. Sau khi tìm hạnh phúc mới hoặc đến xứ khác làm ăn, họ đã để con cho người thân nuôi dưỡng, “lâu lâu gửi về một ít tiền chứ ít khi thấy mặt”.
Trường hợp của bé Đ.N.K.N. (12 tuổi, ở Long Hồ), bé T.T.N.Y. (8 tuổi, ở Vũng Liêm), bé N.H. (10 tuổi, ở Trà Ôn),… khi bị xâm hại đều không có mẹ cha sống cùng là những ví dụ điển hình.
Nói về hoàn cảnh của đứa cháu tội nghiệp, ông nội bé K.N. ngậm ngùi, chia sẻ: “Cha mẹ N. ly hôn. Mẹ lên tận Bình Dương làm công nhân, cha thì bán “đồ la” ở các chợ chạy nên chị em N. sống cùng ông bà nội. Nhưng tui đau bệnh rề rề, còn bả thì phải chăm cháu nhỏ- con của đứa con gái vừa bệnh mất nên ít quan tâm đến N. rồi để xảy ra chuyện. Giờ cả nhà tui rất hối hận”.
Chị Nguyễn Thị T. (mẹ bé N.H.) sau khi ly hôn chồng, cuộc sống khó khăn cũng đã gửi con cho vợ chồng người dì chăm sóc rồi đến TP Hồ Chí Minh làm ăn. Chị không ngờ người dượng mà mình tin tưởng giao con đã giở trò thú tính.
May là bé H. và cô bé cùng xóm “chưa bị gì” nhưng sự thiếu cảnh giác bởi suy nghĩ “XHTD trẻ em là chuyện ở đâu xa chứ không phải chuyện nhà mình” của chị T. và không ít bà mẹ khác đã vô tình đẩy con vào chỗ nguy hiểm.
Chị Lê Hồng Huệ- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Thành- địa phương đang “nóng” với 3 vụ trẻ bị xâm hại trên địa bàn huyện Vũng Liêm từ đầu năm 2013 đến nay (huyện xảy ra 3 vụ đều tập trung tại xã Trung Thành- PV) bức xúc, bảo:
“Trẻ không được sống cùng cha mẹ là một thiệt thòi. Vì ông bà, cô chú, cậu dì,… có yêu thương mấy cũng không bằng sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Như trường hợp của bé N.Y., cha mẹ ly hôn. Cha có vợ khác, mẹ đi làm ở TP Hồ Chí Minh nên gửi Y. cho bà nội. Hàng ngày, Y. được chú đưa rước đi học, tắm rửa, cho ăn uống,… đâu ai nghĩ Y. lại bị chính người chú ấy xâm hại. Nếu bà nội Y. để ý đến cháu một chút, có lẽ chuyện đau lòng này đã không xảy ra”.
Thiếu kỹ năng phòng tránh
Sau vụ bé N.T.T.T. (9 tuổi, ở Tam Bình) đang chơi cùng bạn ngoài đường bị tên Bùi Văn Mí (SN 1958- ngụ ấp Phú Thành, xã Phú Đức- Long Hồ) đi mua phế liệu ngang dụ đến chỗ vắng hiếp dâm, nhiều bà mẹ đã giật mình cuống cuồng tìm cách bảo vệ con.
“Phụ nữ nông thôn đa số trình độ còn hạn chế lại phải lo kế sinh nhai nên ít quan tâm đến con, có gia đình còn không biết làm gì để con tránh bị xâm hại. Họ chỉ nghĩ đơn giản cho con ở nhà đóng cửa lại là an toàn trong khi nguy cơ XHTD thì ở đâu cũng có”- chị Trần Thị Hồng Vân- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hậu Lộc (Tam Bình) nhìn nhận.
Chính vì không được trang bị những kỹ năng phòng tránh XHTD nên khi đối diện với nguy cơ bị xâm hại, các em đã không nhận ra và không biết làm gì để tự bảo vệ mình.
Với những bé gái “yêu” sớm còn xem đó là chuyện bình thường nên mới có cảnh một người mẹ ở Tam Bình đưa con đến cơ quan công an trình báo bị xâm hại cứ khóc ròng vì thương con gái mới 12- 13 tuổi đã chịu thiệt thòi. Trong khi đó, cô bé thản nhiên bảo mẹ: “Tại tui thương nó, tui cho, có gì đâu má khóc”.
Thiếu kiến thức và ý thức cảnh giác không chỉ có các bé gái dễ trở thành nạn nhân của nạn XHTD mà cả những bé trai tuổi vị thành niên- thanh niên cũng bị cuốn vào các hành vi vi phạm pháp luật.
Vụ 2 đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi ở TX Bình Minh chơi trò “người lớn”, bị cha mẹ cô bé phát hiện đưa ra công an giải quyết đã làm nhiều người “bật ngửa” khi nghe cậu bé kể “con thấy cha mẹ làm vậy, con hỏi cha nói chơi trò “siêu nhân” nên con rủ bạn cùng chơi”.
Chuyện nghe khôi hài nhưng phản ánh một thực trạng ít được các bậc cha mẹ quan tâm và đang là nguyên nhân đẩy không ít trẻ vị thành niên- thanh niên vào con đường phạm tội do tò mò, muốn khám phá nhưng thiếu sự định hướng đúng từ người lớn.
Theo Thượng úy Võ Công Sáu- cán bộ phụ trách Đề án “Phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên”- Văn phòng Công an tỉnh Vĩnh Long: Hầu hết những vụ XHTD trẻ em xảy ra khi trẻ ở nhà một mình hoặc gửi người thân quen, các em không được người thân gần gũi, sẻ chia những điều tế nhị cần biết nên dễ bị kẻ xấu xâm hại.
Ngoài ra, những tác động tiêu cực từ môi trường sống như rượu bia, phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy tràn lan trên Internet… cũng là nguyên nhân làm gia tăng loại tội phạm này.
Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nổi lên tình trạng trẻ bị XHTD từ những người có cùng huyết thống như ông, cha, chú... trong gia đình.
Hầu hết những đối tượng này đều biết làm chuyện loạn luân, đồi bại với trẻ là vi phạm pháp luật nhưng do tác động của rượu bia nên mất hết lý trí.
Khi vụ bé T.T.N.Y. (8 tuổi) bị chú ruột xâm hại chưa kịp lắng thì vụ bé gái (7 tuổi, ở Vũng Liêm) đang chơi với em trong nhà bị cha ruột khật khưỡng hơi men đè xuống giở trò; vụ một thanh niên khuyết tật (ở TX Bình Minh) sau khi xem phim “tươi mát” đã rủ bé gái cùng xóm vào phòng “hạ hỏa”,… một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động nạn XHTD trẻ em vẫn đang tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng nếu như các cấp, các ngành và mỗi gia đình không góp sức chung tay phòng chống.
Để nhận biết trẻ bị xâm hại, cha mẹ, người thân cần chú ý đến những thay đổi hành vi đột ngột ở trẻ như sợ hãi người khác đến gần, kêu đau, chảy máu ở thân thể, đặc biệt là bộ phận sinh dục, các bé thường né tránh khi có ai đề cập đến vấn đề giới tính, chậm có kinh.
|
Kỳ cuối: “Bảo vệ trẻ- trách nhiệm không của riêng ai”
Bài, ảnh: PHƯỢNG NGHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin