Tập trung tinh giản và nâng cao chất lượng công chức, viên chức

08:11, 21/11/2013

Những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm như chất lượng công chức, viên chức, cải cách bộ máy hành chính, chống tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ… đã được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn ngày 20-11…

Những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm như chất lượng công chức, viên chức, cải cách bộ máy hành chính, chống tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ… đã được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn ngày 20-11…

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn TP Đà Nẵng) nêu ra thực trạng, đến ngày 31-12-2012 cả nước có khoảng 1,7 triệu viên chức và 525.481 cán bộ, công chức. Trong đó về trình độ chuyên môn có hơn 64.000 cán bộ, công chức chưa qua đào tạo.

Đây là điều rất đáng buồn! Đại biểu đề nghị “Bộ trưởng đánh giá việc triển khai tổ chức thực hiện Luật Cán bộ, công chức như thế nào? Trong khi đó, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay có 30% cán bộ, công chức không làm được việc, con số này thực hư ra làm sao?”

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định: “Đây không phải là ý kiến của Phó thủ tướng, nên ngày hôm qua trước khi đi nước ngoài, Phó thủ tướng nói, nếu đại biểu có hỏi thì Bộ trưởng cũng nói ý kiến đó, Phó thủ tướng nói là có dư luận cho rằng”.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho rằng, đây là những phản ảnh, những kiến nghị, những đòi hỏi, mong muốn cần phải có đổi mới, cải cách công vụ, công chức nhiều hơn.

Ý thức được điều đó “Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trong này có những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức. Năm 2012, Thủ tướng ban hành Quyết định 1557 phê duyệt đề án về cải cách công vụ công chức từ nay đến năm 2015”.

Để khắc phục việc không hoàn thành nhiệm vụ của một bộ phận công chức, viên chức, Bộ trưởng đưa ra một loạt các giải pháp mà các bộ, ngành, các địa phương cần phải tập trung.

Đó là: Hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy; tập trung mô tả công việc, xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, phải bổ sung, hoàn thiện chuyển ngạch đối với công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Để đảm bảo các đánh giá, cũng phải hoàn thiện, bổ sung tiêu chí và phương pháp để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

Trên cơ sở đó, thực hiện từ Trung ương đến địa phương dưới sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP Hải Phòng) chất vấn về việc thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức được thực hiện trong thời gian vừa qua không đạt kết quả như mong muốn.
 
Đại biểu đề nghị “Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước tình trạng số lượng cán bộ, công chức, viên chức không những không giảm mà thậm chí còn tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 132 về tinh giản biên chế. Trong thời gian tới, Bộ có kế hoạch và giải pháp cụ thể nào để tiếp tục thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hay không”.

Vấn đề thứ hai được đại biểu Vinh chất vấn đó là hạn chế trong việc tuyển dụng vẫn chú trọng đến bằng cấp. Các nội dung thi tuyển chưa phù hợp, chưa thực sự quan tâm đến thực lực của người được tuyển dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, việc tăng số lượng chủ yếu cho các đơn vị mới được thành lập hoặc các đơn vị cũ nhưng được bổ sung về chức năng, nhiệm vụ hoặc là đơn vị đã có lực lượng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo Bộ trưởng, giải pháp về quản lý và tinh giản biên chế là “trước mắt từ nay đến 2016, về cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, không tăng số lượng viên chức trừ trường hợp được thành lập mới các cơ quan đơn vị được các cấp thẩm quyền cho phép hoặc phát sinh nhiệm vụ mới”.

Thực hiện quản lý biên chế thống nhất của cả hệ thống chính trị, thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về biên chế; đổi mới cơ chế quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở xác định vị trí việc làm; đẩy mạnh tuyên truyền thống nhất nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa của tinh giản biên chế.

Bên cạnh cần có các biện pháp, giải pháp để sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn đầu mối, tổ chức lại các đơn vị cấu thành trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công, cơ bản ổn định các đơn vị hành chính. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thành lập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập…

Về nội dung dư luận cho rằng, có việc chú trọng về bằng cấp, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định: Đây là một trong những nội dung Ban tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đang tập trung nghiên cứu.

“Trong công tác tuyển dụng chúng tôi cũng có đề án xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng phê duyệt đã đổi mới cách thi tuyển công chức. Trong thi tuyển công chức có 4 môn, 5 bài thi. Trong thi tuyển mới này có 3 bài thi được thực hiện trên máy vi tính đó là tin học, ngoại ngữ, chuyên môn, còn lại 2 bài vẫn thi viết” Bộ trưởng nói.

Chưa bằng lòng nội dung trả lời chất vấn về chất lượng cán bộ, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn TP Hà Nội) băn khoăn:
 
“Bộ trưởng vừa trình bày cử tri cho rằng có 30% cán bộ không làm được việc, lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước cũng nói rằng cử tri cho rằng 30% không làm được việc. Tôi xin nói với Quốc hội rằng, nếu 30% thì 700.000 cán bộ, công chức và số chi một năm là 17.000 tỷ đồng, nếu giải quyết được vấn đề này chúng ta sẽ tiết kiệm được 17.000 tỷ đồng. Theo đồng chí Bộ trưởng thì tỷ lệ không phải là 30% thì là bao nhiêu? Giải pháp trong thời gian tới để khắc phục việc này?”.

Cùng với đó đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về “bằng giả học thật, bằng giả học giả, vấn đề chạy chỉ tiêu biên chế, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ hiện nay”.

Bộ trưởng trả lời, câu hỏi 30% của đại biểu Chu Sơn Hà trùng với ý kiến của đại biểu Danh Út, đại biểu Huỳnh Nghĩa, giải pháp như đã trình bày, “bây giờ nói con số là bao nhiêu thì không có cơ sở”. Còn xung quanh câu hỏi về quan điểm có tham nhũng trong công tác cán bộ hay không? Bộ trưởng cho biết:

“Trong những năm gần đây, qua các kỳ họp Quốc hội, qua các hội nghị Trung ương, cá nhân tôi và Bộ Nội vụ cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi đã đọc kỹ báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa X trình ra trước Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nói về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức. Có đánh giá nghiên cứu kỹ nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng liên quan tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt trong thời gian sau Đại hội XI có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cũng có đánh giá thực trạng về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó có tham nhũng, có tiêu cực”.

Bộ trưởng nhấn mạnh:
 
“Chúng tôi cho đây là quan điểm tư tưởng, là gối đầu của các cơ quan làm công tác tổ chức của Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cho nên những nội dung mà đại biểu đề ra, tôi đọc kỹ các văn kiện nêu trên cũng nói tương đối kỹ, tương đối rõ.

Chúng ta phải tập trung đề ra các biện pháp, giải pháp để phòng, chống tiêu cực, phòng, chống tham nhũng nói chung, đặc biệt trong phòng, chống tiêu cực tham nhũng trong công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác khen thưởng thuộc lĩnh vực của Bộ Nôi vụ”.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh