Làm sao để bền vững?

01:10, 16/10/2013

Sự “bùng nổ” ngành chăn nuôi quy mô lớn hộ gia đình đã từng góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình ở Mang Thít. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều hộ đã không còn duy trì được do thua lỗ. Qua đó mới thấy, sản xuất tự phát với quy mô lớn hộ gia đình vẫn còn nhiều khó khăn.

Sự “bùng nổ” ngành chăn nuôi quy mô lớn hộ gia đình đã từng góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình ở Mang Thít. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều hộ đã không còn duy trì được do thua lỗ. Qua đó mới thấy, sản xuất tự phát với quy mô lớn hộ gia đình vẫn còn nhiều khó khăn.

Khó duy trì

Khác với các trang trại có quy mô lớn, nuôi gia công,… có đầu ra ổn định, nhiều hộ dân tự phát triển đàn nuôi từ vài chục đến vài trăm con heo, bò hay vài ao cá, chuồng gà… trong mấy năm gần đây gần như… hết “nhúc nhích” nổi. Tình hình dịch bệnh, giá cả và đầu ra luôn là dấu hỏi lớn cho người chăn nuôi.

Chú Bảy Quang bên đàn bò thay thế, “bù lỗ” cho đàn heo còn gần 200 con.

Chú Bảy Quang (xã Chánh An) cho biết, năm vừa rồi dịch bệnh đã “kéo chết cả đàn heo”, lỗ mấy trăm triệu đồng. Trong khi đó, năm nay vừa tái đàn hơn 200 con cũng “ngoắt ngoải chết” hơn 40 con, trước mắt đã thấy lỗ. “Tôi là một trong những hộ gia đình có số lượng đàn heo lớn của xã, nhưng giá cả lúc trồi lúc sụt, giá thức ăn thì luôn tăng, hao hụt con giống, đã khiến việc nuôi heo không có lời nữa. Đợt này, thanh toán xong đàn heo là tôi… đầu hàng”.

Trong khi đó, từ đàn heo gần 200 con, đến nay gia đình chị Mai Lan (xã An Phước) chỉ còn vài chục con. Chị Lan cho biết, phải chuyển qua các vật nuôi khác để “đắp lỗ” và “nói tới con heo là ngán tới tận cổ”. Nhiều hộ khác cũng giảm hoặc ngưng nuôi, có hộ thì chấp nhận thiếu nợ để duy trì đàn heo.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi thời điểm này đã giảm gần 3% so với cùng kỳ và thực tế chắc còn giảm nhiều. Ông Nguyễn Tấn Lợi- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết, giá cả, đầu ra là những khó khăn chung và cũng chưa có giải pháp gì để người dân an tâm sản xuất. Ngay cả thủy sản- ngành mũi nhọn cũng gặp nhiều khó khăn.

Các hộ chăn nuôi cần tuân thủ quy trình nuôi và phối hợp với ngành chức năng.

Trao đổi với bà Trần Thị Thân- cán bộ nông nghiệp xã An Phước, bà cho biết, nhiều hộ chăn nuôi có quy mô lớn trên địa bàn xã đã không còn duy trì được. Hiện nay, một số hộ chăn nuôi heo, cá tra quy mô lớn ngày xưa đã treo ao, chuồng. Phát triển tự phát, chưa có kiến thức chuyên môn, khoa học kỹ thuật, không có đầu ra ổn định… cũng là những nguyên nhân khiến việc chăn nuôi thua lỗ.

Không chỉ heo, cá tra gặp khó mà con gà cũng đang khiến nhiều hộ cũng “gà gật” theo. Chú Tám C. (xã An Phước) cho hay, trại gà hơn 5.000 con vừa “chuyển” cho một hộ khác: “Người nuôi sao luôn chịu thua thiệt? Không biết ngành chăn nuôi có còn duy trì lâu dài nữa hay không?”

Làm sao duy trì?

Đó là một câu hỏi lớn. Bởi lẽ chăn nuôi ở hộ gia đình có quy mô lớn đã góp phần làm cho Mang Thít được đánh giá là một trong những huyện có số lượng đàn nuôi lớn. Theo ông Nguyễn Tấn Lợi, người chăn nuôi luôn chịu thiệt thòi. Giá thức ăn tăng chứ không giảm, hao hụt con giống,… đến khi bán thì bị ép giá. Đây là mấu chốt cần giải quyết để người chăn nuôi có lời.

Theo anh Nguyễn Văn Vinh (xã Chánh An) thì các ngành chức năng nên quan tâm nhiều hơn, tránh tình trạng để người nuôi “tự bơi”, “lời ăn lỗ chịu”. Cần tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tạo đầu ra sản phẩm, đảm bảo chất lượng thuốc thú y, thức ăn gia súc gia cầm… Có như thế ngành chăn nuôi trong dân mới phát triển bền vững.

Trong khi đó, theo chú Bảy Quang thì người dân cũng nên tìm hiểu để chuyển qua mô hình chăn nuôi khác hoặc “nuôi con này duy trì con kia”. Hiện chú cũng đang dần chuyển sang con bò để bù lỗ cho đàn heo. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ kịp thời cho người dân con giống chất lượng, thuốc thú y đảm bảo hay hỗ trợ kinh phí khi xảy ra dịch bệnh…

Theo ông Nguyễn Tấn Lợi- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, để duy trì số lượng đàn nuôi ở các hộ gia đình, trước hết bà con cần nắm kỹ các quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc, tuân thủ tiêm phòng, quản lý dịch bệnh cùng ngành thú y… Nếu có thắc mắc, yêu cầu gì thì cứ đến phòng nông nghiệp. Tuy nhiên, các cấp ngành cũng cần có những giải pháp cụ thể để chăn nuôi phát triển bền vững.


Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh