“Tuổi cao chí càng cao”- có những người dù đã bước qua cái tuổi “thập cổ lai hy” nhưng vẫn không ngừng cống hiến, đặc biệt là phát huy tốt vai trò của người cao tuổi (NCT) trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
“Tuổi cao chí càng cao”- có những người dù đã bước qua cái tuổi “thập cổ lai hy” nhưng vẫn không ngừng cống hiến, đặc biệt là phát huy tốt vai trò của người cao tuổi (NCT) trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Công trình nhà máy nước ấp Cái Sơn được đẩy nhanh tiến độ thi công sau khi bà Võ Thị Biết hiến đất.
Làm mới những ngôi nhà
Khi những cánh đồng lúa chín vàng rực chờ ngày thu hoạch, thì tại xã Hòa Hiệp (Tam Bình) có ít nhất 3 căn nhà được sửa chữa mới. Đó là nhờ vào các tổ hùn xi măng sửa nhà của các Chi hội NCT xã.
Vụ lúa Hè Thu vừa qua, ông Nguyễn Văn Thủng (76 tuổi) ở Ấp 9 được nhận vốn, liền kêu thợ tới sửa ngay căn nhà sau nhiều năm xuống cấp. Bởi “mong ước lắm mãi đến nay mới thực hiện được”.
“Tui “thèm” tô tường lắm rồi. Tui mong vụ Thu Đông này sẽ tới lượt tui”- ông Huỳnh Văn Cà đã bắt đầu câu chuyện như thế. Cất nhà cả chục năm, nhưng vì phải lo cho con ăn học đến... “hụt hơi”, nên ông vẫn chưa thể thực hiện được ước mơ...
Cũng có trên chục năm ao ước được... tô tường, ông Nguyễn Văn Đầy vừa nhận vốn lợp tôn xong, nay tiếp tục tham gia tổ hùn xi măng sửa nhà. Ông tâm sự: “Đất nhà chỉ hơn 4 công, tui phải đi làm mướn mới đủ chi tiêu cho gia đình, nên chỉ có tham gia tổ hùn vốn tui mới dần có nhà hoàn chỉnh để ở”.
Theo ông Hồ Phong Nẫm- Chi hội trưởng NCT Ấp 9: Do đa số các hội viên NCT tại địa phương đều chưa xây nhà hoàn chỉnh, nên sau khi xoay hết vòng tổ hùn vốn lợp tôn, tôi tiếp tục phát động hội viên tham gia tổ hùn xi măng sửa nhà.
Theo đó, mỗi người chỉ cần góp 10 bao xi măng/vụ lúa. Với 13 người tham gia, giá mỗi bao xi măng khoảng 86.000đ. Như vậy, sẽ được quy ra thành tiền trên 11 triệu đồng.
“Tường nhà tui cũng bị nứt, nổ hết trơn rồi. Nhận được tiền, tui sẽ tu sửa lại nhà cửa cho đẹp hơn”- ông Nguyễn Quốc Việt nói. Còn ông Nguyễn Văn Tư cũng dự định khi nhận được vốn sẽ góp thêm chút đỉnh tiền để đổ cột, lợp tôn, lót gạch tàu.
Ông Nguyễn Văn Lựu thì: “Tui nhường cho những hộ có nhu cầu cần sửa nhà sớm. Tới phiên tui, tui sẽ tráng sân xi măng để phơi lúa, phần tiền còn dư sẽ nuôi gà, vịt thêm thu nhập”.
Theo Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Hội NCT xã Hòa Hiệp: Đến nay, toàn xã có 3 tổ hùn vốn sửa nhà. Hiện, hội đang phấn đấu đến năm 2014 sẽ nhân rộng thêm 5 ấp, mỗi ấp có 2 tổ hùn vốn, để giúp hội viên sớm có điều kiện an cư và đặc biệt là góp phần cùng địa phương thực hiện đạt tiêu chí về nhà ở.
Cho nông thôn ngày càng mới
Nhìn công trình Nhà máy nước nông thôn ấp Cái Sơn (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) được đẩy nhanh tiến độ thi công, người dân địa phương ai cũng cảm ơn bà Võ Thị Biết (79 tuổi) đã hiến hơn 1 công đất để người dân ở các Ấp 11, 6A và Cái Sơn có nước sạch sử dụng.
Chỉ có khoảng 3 công đất, nhưng bà đã chủ động đề nghị được hiến để thực hiện mơ ước “có nước sạch sử dụng” cho người dân địa phương.
Bà cười hiền: “Hôm trước, tui định hiến 1 công, nhưng nghe nói là còn thiếu chút đỉnh, nên tui bảo nếu cần cứ lấy thêm đất mà xây. Trước kia giặt giã, cả nhà tui góp tiền, góp của cho cách mạng, thậm chí có đến 4 người đã hy sinh, thì phần đất này có là bao nhiêu đâu?”
4 công vườn của bà Nguyễn Thị Thu Vân (ấp Cái Sơn) đang cho trái xum xuê. Vậy mà, khi công trình làm đường giao thông nông thôn đi qua, bà hiến cả công đất với ý nghĩ chân chất “có lộ đi cũng khỏe, con cháu mình đi làm, đi học cũng dễ hơn”.
Thế là, khi công trình chạy dọc theo phần đất, cả nhà bà sẵn sàng đốn cây để tạo mặt bằng thông thoáng cho đơn vị thi công. Chính từ sự tích cực đó, nhiều hộ dân lân cận cũng đã “gật đầu cái rụp” khi được vận động.
Ngoài tích cực hiến đất, ông Phan Văn Thương còn muốn tự tay đưa học trò qua đường.
Có hơn 5 công vườn, nhưng ông Phan Văn Thương (Ấp 6A) đã hiến 4.200m2 để xây trường học. Ông kể, đất này do cha mẹ tui để lại và đã có 4 lần hiến đất để làm điểm dạy học. Đến nay, phần đất này được dùng để xây Trường Mẫu giáo Mầm non Mỹ Lộc và điểm phụ Trường Tiểu học Mỹ Lộc.
Anh Phan Tấn Tài- con ông Thương cho biết: “Phần đất này, trước đây trồng cây ăn trái, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm, nhưng cả nhà tui đều đồng ý hiến để các cháu khỏi phải qua sông, đi học xa vất vả như trước nữa”.
Khi tiếng trống tan trường vang lên, ông Thương (hiện là bảo vệ tại điểm chính của trường) vội chạy ra mở cổng và tất tả ra lộ nhìn trước ngó sau, rồi lần lượt đưa từng đám học trò qua bên kia lộ. Các em nhỏ cũng không quên gửi lời chào tạm biệt ông.
Những việc làm tuy nhỏ đó nhưng giúp chúng tôi hiểu được ý nghĩa trong những lời mộc mạc: “Tự tay tui làm, tui sẽ an tâm hơn”. Chính những người vì mọi người như ông đã soi gương sáng cho con cháu noi theo và góp phần tô thắm cho bức tranh nông thôn ngày càng mới.
Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc- Võ Ngọc Liền cho biết: “Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã triển khai xây dựng 5 công trình giao thông nông thôn và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Để làm được điều này, chính là nhờ sự đồng lòng, chung sức của người dân địa phương trong việc tích cực hiến đất. Đặc biệt là NCT đã phát huy tích cực vai trò tiên phong của mình trong các phong trào để các thế hệ con cháu noi theo”.
Theo bà Ngô Thị Hồng Lạc- Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh: Trong quý III/2013, có 13 hội viên NCT hiến 5.460m2 đất làm đường giao thông nông thôn; sửa chữa và đổ đá gần 5.000m đường, làm 2 cây cầu giao thông nông thôn; cất, sửa chữa 6 căn nhà cho NCT nghèo và trồng 5.500 cây, hoa, kiểng... góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin