Khói thuốc lá vẫn "thờ ơ" bay ở nơi công cộng

07:10, 11/10/2013

Từ ngày 1/5/2013, Luật Phòng chống thuốc lá (TL) có hiệu lực. Những nơi cấm TL là cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, nơi vui chơi giải trí của trẻ em, phương tiện giao thông công cộng (ôtô, máy bay, tàu điện) và cơ sở/khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra, cũng sẽ cấm hút TL hoàn toàn trong nhà tại nơi làm việc, địa điểm công cộng, các trường cao đẳng, đại

Từ ngày 1/5/2013, Luật Phòng chống thuốc lá (TL) có hiệu lực. Những nơi cấm TL là cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, nơi vui chơi giải trí của trẻ em, phương tiện giao thông công cộng (ôtô, máy bay, tàu điện) và cơ sở/khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra, cũng sẽ cấm hút TL hoàn toàn trong nhà tại nơi làm việc, địa điểm công cộng, các trường cao đẳng, đại học, học viện và các địa điểm công cộng.

Song, tình trạng người người vẫn vô tư, thờ ơ “nhả khói” và khói TL vẫn ngập chốn công cộng dù thấy biển cấm kèm theo những hình phạt răn đe. Tại bến phà Đình Khao (Long Hồ), dù mặt được bịt kín 3 cái khẩu trang, song, tôi vẫn cảm thấy ngột ngạt và muốn buồn nôn bởi khói TL.


Thờ ơ, thản nhiên “nhả khói” tại bệnh viện.


Người và xe đứng đợi phà ken cứng, dù có quy định cấm hút thuốc tại bến phà nhưng nhiều người vẫn thản nhiên “rít khói”. Có phụ nữ ẵm đứa bé chưa đầy 3 tháng tuổi đang ngủ say trên tay mẹ mà người chồng hút thuốc và xung quanh có 5 người “nhả khói”. Khói thuốc đặc quánh trong không gian, tôi thật xót xa cho đứa bé và những người không hút thuốc xung quanh như tôi phải hít thuốc thụ động như thế.

Hút TL chiếm đến trên 30% trong tổng số nguyên nhân gây ra các loại ung thư ở người. Tại Việt Nam, có gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến TL. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến TL.

Nếu các biện pháp phòng chống tác hại TL hiệu quả không được thực hiện, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030.

Theo tôi, để luật cấm hút TL đạt hiệu quả cao cần tiến hành thực hiện không TL trước tiên tại các công sở, bệnh viện, trường học thật nghiêm trước khi phát động rộng rãi. Cần nêu rõ các điều cấm như thế nào, các khoản phạt là bao nhiêu; những ai có quyền phạt, ai có quyền khuyến cáo nhắc nhở người hút.

Ở các quán cà phê, quán ăn, các nơi công cộng, các khu chợ đông người, trường học, cơ quan,... đều phải treo nhiều bảng có ghi số điện thoại của tổ chức kiểm tra khu vực đó để khi cần người dân có thể thông báo ngay. Tại các nước trên thế giới như Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Ý, Mỹ... đều phạt tiền rất nặng đối với người hút TL tại khu vực cấm.

Tại Singapore, người dưới 18 tuổi hút thuốc bị phát hiện sẽ bị phạt tới 300 SGD (5,1 triệu đồng); trong khi hút thuốc ở chỗ cấm có thể bị phạt đến 200 SGD, thậm chí bị đưa ra tòa và phạt đến 1.000 SGD. Bên cạnh lực lượng cảnh sát, các nhân viên công lực như tuần tra môi trường, quản lý công viên cây xanh, Cục Bảo vệ sức khỏe của Bộ Y tế..., bảo vệ và người quản lý các tòa nhà, điểm công cộng... đều có quyền bắt và giữ người vi phạm quy định cấm hút thuốc.

Ngoài hệ thống camera dày đặc ở các điểm công cộng, Chính phủ Singapore cũng khuyến khích người dân làm “tai mắt” hỗ trợ pháp luật với số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng liên quan được công bố rộng rãi trên Internet và các phương tiện truyền thông.

Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần thể hiện quyền và trách nhiệm của mình để sớm đưa luật này vào cuộc sống.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh