Khởi sắc vùng đồng bào Khmer

06:10, 03/10/2013

Đến những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống mới đang khởi sắc. Từ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các công trình dân sinh, các chùa chiền cũng được trùng tu phục vụ tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Và, quan trọng hơn hết là bà con đang ra sức phát triển kinh tế và tham gia xây dựng cuộc sống mới.

Đến những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống mới đang khởi sắc. Từ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các công trình dân sinh, các chùa chiền cũng được trùng tu phục vụ tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Và, quan trọng hơn hết là bà con đang ra sức phát triển kinh tế và tham gia xây dựng cuộc sống mới.


Nhạc ngũ âm là “món ăn tinh thần” không thể thiếu vào dịp lễ, tết của đồng bào Khmer.

Vui đón lễ Sel Dolta

Hàng năm, ngoài Tết Chol Chnam Thmay, lễ Oóc Om Bok thì độ khoảng cuối tháng 8 âm lịch, đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Sel Dolta, còn gọi là tết Sel Dolta, nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, họ hàng, cầu phước cho linh hồn những người đã khuất,… Lễ Sel Dolta đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Trong những ngày này, đồng bào Khmer đang háo hức đón lễ Sel Dolta (29/8- 1/9 âl). Không tưng bừng, náo nhiệt mà lễ Sel Dolta nhẹ nhàng, ấm cúng mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của người Khmer.

Ông Sơn Tài- Ban quản trị chùa Hạnh Phúc Tăng (xã Trung Thành- Vũng Liêm) cho biết: “Từ ngày 16- 30/8 âl, bà con chúng tôi đều tập trung vào chùa để nghe kinh Phật và cúng linh vị tổ tiên đã gửi vào đây.

Trong những ngày này dù khá giả hay khó khăn cũng đều làm mâm cơm tươm tất cúng ông bà. Đơn giản thì bánh tét, thịt heo kho rệu. Nhà nào khá chút thì làm thêm con gà, con vịt và đem đồ ăn đi cúng chùa, đặt bát. Ai nấy hồi hướng đến người thân quá vãng để tỏ lòng hiếu kính”.

Ngày 1/10, BCĐ Tây Nam Bộ tổ chức đoàn đi chúc lễ Sel Dolta và tặng quà cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Nhân dịp này, đoàn cũng đã dành những phần quà tặng cho các gia đình chính sách tiêu biểu.

Bà Thạch Thị Gái (75 tuổi, xã Trung Thành- Vũng Liêm) phấn khởi: “Dịp lễ tết Khmer, tui đều được quan tâm, tặng quà hết đó. Thấy vui, ấm lắm”. Còn cô Lương Thị Tuyết (xã Trung Thành- Vũng Liêm) cười tươi: “Nhà tui vừa ăn tết Việt vừa ăn tết Khmer đó nhe. Tết nào cũng vui”.
 
Chồng cô- chú Thạch Lan (thương binh 2/4) vẫn ngày ngày phụ hợ cô vót tre trúc, đan rổ, thúng bán. Nhà có 2 công vườn lên liếp trồng dừa. Cô cho biết: “Được tặng tiền ăn lễ sẽ nấu thêm món ngon cúng ông bà. Tui hy vọng dừa được giá để vợ chồng tui có thêm tiền dưỡng già”.

Lễ hội hòa theo nhịp phát triển kinh tế

Ông Sơn Tài- Ban quản trị chùa Hạnh Phúc Tăng cho biết: “Đồng bào chúng tôi bây giờ tiến bộ hơn trước nhiều lắm rồi! Nhờ Nhà nước cho điện, cho đường, cho nước sạch, cất nhà mới lại còn hỗ trợ vốn làm ăn nên cuộc sống thay đổi, vui lắm!”

Bên ly nước dừa mát lạnh, chú Thạch Quơn (cán bộ Mặt trận xã Tân Mỹ- Trà Ôn) tâm sự: “Trong ký ức của tôi, những ngày cúng ông bà tổ tiên, có nhiều bánh ngọt, trẻ con được ăn những món ngon. Nhờ dịp lễ tết để con cháu sum họp gia đình; phum sóc thêm thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau”.

Nhờ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước từ đường giao thông, nhà ở, vay vốn,... đã giúp đời sống người Khmer ổn định hơn. Thời gian qua, công tác giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí đồng bào Khmer được Đảng và chính quyền tỉnh Vĩnh Long chăm lo chu đáo. Bên cạnh đó, ý thức tự học để vươn lên thoát nghèo của bà con cũng được nâng cao.

Căn nhà nhỏ của cô Thạch Thị Năm (ấp Giữa, xã Loan Mỹ- Tam Bình) không có đồ đạc gì giá trị, song với vợ chồng cô, tài sản quý nhất là đã cho con biết chữ, có việc làm ổn định.

Cô Năm tâm sự: “Tụi tui mần mướn để cho con ăn học đó. Con gái lớn Thạch Thị Nươl đi làm ổn định phụ giúp mẹ lo các em học tiếp. Tui sướng lắm”.

Còn chú Thạch Quơn phấn khởi: “Ấp Sóc Ruộng có trên 100 em học cao đẳng, đại học đó nha. 3 con của tui cũng học đàng hoàng, có việc làm ổn định”.

Nhà bà Thạch Thị Hồng thuộc hộ nghèo cũng ráng bươn chải nuôi 2 đứa con đi học. Đứa lớn ra trường có việc làm. Đứa nhỏ học bác sĩ sắp ra trường. Bà con đã ý thức học là có tương lai, cuộc sống mới đổi thay. Rồi chú Thạch Quơn chia vui bằng những lời lẽ mộc mạc: “Trong tháng 10, chú được ra Hà Nội dự Gia đình Văn hóa tiêu biểu toàn quốc đó. Lần đầu tiên tới Thủ đô, chú vui và nôn trong lòng lắm”.


Với 15 công sen, thu nhập của gia đình chú Thạch Quơn khoảng 300 triệu đồng/năm.

Theo ông Ngô Vĩnh Tuân- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (Trà Ôn), đồng bào dân tộc Khmer chiếm 34% tổng số hộ dân trong xã. Những năm qua, nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và nỗ lực thoát nghèo của nhiều hộ Khmer, nên đời sống của bà con Khmer ở xã có bước chuyển biến đáng kể.

Nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước như: 135, 134, 167 đã cơ bản góp phần giải quyết nước sinh hoạt, nhà ở cho các hộ đồng bào Khmer. Ngoài ra, hàng năm, hàng trăm hộ còn được hỗ trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Nhiều hộ nông dân Khmer trong xã còn được hưởng chính sách trợ giá, trợ cước trong sản xuất hàng hóa nông sản, được hỗ trợ cây, con giống và vật tư nông nghiệp để sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cùng với sự quan tâm hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước và ý thức tự lực vươn lên, đời sống của đồng bào Khmer đã nhiều đổi thay. Và mỗi khi lễ tết, đồng bào sẽ ăn tết trong không khí ấm áp, vui tươi, tiết kiệm.

Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh- Sơn Ngọc Huynh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm của Đảng, chính quyền đến đời sống của đồng bào Khmer. Trong đó có nhiều chính sách chăm lo ngày càng toàn diện, tạo động lực cho nhiều hộ dân Khmer vượt khó, thoát nghèo, tạo điều kiện cho nhiều con em Khmer được học tập để sau này trở về phục vụ quê hương.

Bài, ảnh: QUYÊN ANH

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh