
Kinh nghiệm qua 3 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục cho thấy, địa phương nào quan tâm thực hiện tốt công tác dân vận, ở đó có nhiều thuận lợi hơn để thực hiện đạt nhanh các tiêu chí xã NTM.
Kinh nghiệm qua 3 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục cho thấy, địa phương nào quan tâm thực hiện tốt công tác dân vận, ở đó có nhiều thuận lợi hơn để thực hiện đạt nhanh các tiêu chí xã NTM.
Nhiều tuyến đường nông thôn dài thêm mỗi ngày nhờ dân đóng góp xây dựng.
Hiệu quả từ công tác dân vận
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM nên trong 3 năm gần đây, xã Long Mỹ (Mang Thít) đã vận động hơn 840 hộ dân hiến trên 13,4ha đất ruộng, vườn cùng hoa màu với tổng giá trị trên 42 tỷ đồng.
Kết quả trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho xã triển khai thi công 24 tuyến đường giao thông kết hợp với thủy lợi dài hơn 29km, qua đó góp phần giúp xã Long Mỹ sớm hoàn thành 2 tiêu chí khó: giao thông và thủy lợi.
Nữ Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ- Trần Thu Hà, cho biết: “Qua vận động và được sự đồng thuận cao tự nguyện tham gia đóng góp nhiều của người dân nên ở xã Long Mỹ chúng tôi các công trình được xây dựng rất thuận lợi. Cụ thể là các công trình giao thông, thủy lợi đang thi công giai đoạn cuối và hoàn thành trong năm 2013 này”.
Ông Lê Văn Tâm- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước (Long Hồ), nói: “Qua quá trình vận động, nhân dân sẵn sàng hiến gần 4ha đất ruộng, vườn cùng hoa màu, chúng tôi đã thực hiện được 5 công trình, tổng vốn dân hiến trên 48 tỷ đồng. Nhờ vậy mà đến nay tiêu chí về thủy lợi ở Long Phước đã hoàn thành và cuối năm 2013 chúng tôi cũng sẽ hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông”.
Trong một lần hỏi về việc hiến đất làm đường giao thông, ông Phạm Chí Hiếu (Ấp 9, xã Mỹ Lộc- Tam Bình) bộc bạch:
“Đất đai đối với người dân chúng tôi quý lắm chớ, nhưng khi hiểu được đây là vì lợi ích chung, tôi phải “bấm bụng” mà hiến 600m2 đất giá trị khoảng 100 triệu đồng để cho con lộ được sớm thi công. Nhiều bà con ở đây cũng làm vậy, tuy có thiệt thòi trước mắt nhưng lợi ích sau này nó đảm bảo được thủy lợi cho sản xuất; thứ 2 nữa là phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con dễ dàng hơn”.
Không chỉ có ông Hiếu, nhiều người dân ở xã Mỹ Lộc đều được vận động và tạo ý thức cao trong việc chung sức xây dựng NTM. Kinh nghiệm này được đồng chí Võ Ngọc Liền- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (Tam Bình) chia sẻ: “Xã Mỹ Lộc chúng tôi xem việc vận động nhân dân hiến đất để xây dựng NTM rất quan trọng.
Để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, Đảng bộ và chính quyền xã Mỹ Lộc luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và làm tốt công tác dân vận. Tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn đều được địa phương đưa ra bàn bạc thảo luận với dân, sau đó vận động người dân cùng tham gia đóng góp.
Thực tế, người dân đã đóng góp quỹ đất gần 20ha để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, giúp cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ở xã Mỹ Lộc thời gian qua luôn gặp nhiều thuận lợi.
Năm 2012, xã được công nhận hoàn thành tiêu chí thủy lợi và trong 6 tháng đầu năm 2013, chúng tôi cũng vừa hoàn thành tiêu chí giao thông”.
Theo BCĐ Xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long, trong 3 năm gần đây, chỉ riêng tại 22 xã điểm NTM, người dân đã hiến gần 96ha đất ruộng vườn, hoa màu để cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, giúp các xã này sớm đạt thêm nhiều tiêu chí khó, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa và khu thể thao,…
Phải cho dân “ thông”
Tuy việc hiến đất xây dựng NTM mang lại hiệu quả thiết thực như vậy, nhưng gần đây, tại một số xã vẫn còn một vài hộ dân chưa thông hiểu hoặc vì bị thiệt hại nhiều nên đó đây vẫn có người “dùng dằng” đòi quyền lợi.
Có thể dẫn ra một vài trường hợp như tuyến đường liên xã Hai Châu– Tân Lập (xã Chánh Hội- Mang Thít). Công trình này lẽ ra đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm, nhưng do còn một hộ chưa nhất trí hiến đất nên công trình bị kéo dài. Nguyên do phía chủ hộ muốn được né nhà chừng 2m để tiếp tục được ở và ra một số điều kiện đòi bồi hoàn. Đến khi xã kiên trì vận động, được hộ này đồng thuận thì nguồn vốn đầu tư đã bị cắt chuyển đi nơi khác.
Một trường hợp khác như tuyến đường liên ấp Hòa An– Hòa Thuận (xã Hòa Lộc- Tam Bình) cũng chậm khởi công hơn 3 tháng là do việc giải phóng mặt bằng không thuận lợi. Nguyên nhân một phần do chính quyền địa phương có điều chỉnh nắn lại tuyến nên có 3 hộ dân chưa đồng tình.
Khi dân thông thì việc khó mấy cũng thành công.
Theo lãnh đạo xã Hòa Lộc, con đường này lúc đầu phóng tuyến người dân đồng tình rất cao. Nhưng để cho con đường đẹp và hạn chế tai nạn giao thông sau này, xã có xem xét nắn tuyến lại thì có hộ bị mất nhiều đất và con đường mới lại đi phía sau nhà nên họ chưa đồng tình hiến đất.
Theo BCĐ xây dựng NTM nhiều xã, trong quá trình vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng NTM, ít nhiều đều gặp khó khăn riêng.
Nơi nào có sự thống nhất chủ trương, kiên trì tổ chức vận động thì được sự đồng thuận cao của người dân, công trình được triển khai thi công nhanh. Chỗ nào làm chưa tới và không thông suốt thường phát sinh những “trục trặc” để rồi vuột cơ hội được đầu tư, nhiều người khác cũng phải thiệt thòi.
Kinh nghiệm làm công tác dân vận xây dựng NTM luôn là những bài học sống động, cán bộ vận động quần chúng ở cơ sở luôn cập nhật để địa phương có những công trình hạ tầng nông thôn sớm thành công.
Đồng chí Đỗ Hoàng Huynh- Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh khẳng định: “Chưa có giao thông thì chưa có NTM”. Theo đó, Nhà nước quản lý quy hoạch đường, cắm mốc. Phần còn lại vận động nhân dân thực hiện quy hoạch, chỉnh trang sạch đẹp, dù là đường đất… nông thôn cũng mới. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin