5 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phát động, các cấp hội CTĐ Vĩnh Long vận động những tấm lòng nhân ái giúp biết bao hoàn cảnh giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi động trong mọi giới biết san sẻ yêu thương.
Chị Cẩm Tú (thứ 2 từ trái sang) mừng vui trong căn nhà mới.
5 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phát động, các cấp hội CTĐ Vĩnh Long vận động những tấm lòng nhân ái giúp biết bao hoàn cảnh giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi động trong mọi giới biết san sẻ yêu thương.
Vươn lên nghịch cảnh
Trong căn nhà 167, ông Nguyễn Văn Nhanh (xã Tân Bình- Bình Tân) tâm sự: “Trước gia đình tui thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất. Tui trực bảo vệ dân phố, rảnh tui tranh thủ phụ giúp vợ mua bán nhỏ nhưng do thiếu vốn nên việc mua bán gặp nhiều khó khăn lắm”.
Trước hoàn cảnh khó khăn, năm 2009, Hội CTĐ tỉnh đã vận động cán bộ công chức cơ quan hỗ trợ gia đình ông Nhanh 2 triệu đồng. Từ số tiền hỗ trợ này, việc mua bán của gia đình ông Nhanh được thuận lợi hơn. Đến nay, ông Nhanh đã hoàn trả lại số tiền hỗ trợ cho hội. Nhờ chí thú làm ăn và chi tiêu hợp lý, gia đình ông đã thoát nghèo và tích lũy ít vốn để ổn định cuộc sống.
Trong căn nhà còn thơm mùi vôi vữa, chị Trần Thị Cẩm Tú (Khóm 1, thị trấn Tam Bình) lau đi lau lại sàn gạch bóng hới.
“Có mơ tui cũng không nghĩ mình cất được nhà. Mấy con nước, nhà tui không còn ngập nữa, cũng nhờ ông Trần Út rồi Hội CTĐ thị trấn vận động, căn nhà lá của tôi mới thành nhà tường!”- chị Tú chất phác.
Nhà chị Tú nằm sâu trong hẻm cùng, gần khu ăn uống của chợ Tam Bình. Hàng ngày, chị phụ quán cơm ngày kiếm cũng được 50 ngàn đồng.
Chồng chị thì đi làm mướn ở TP Hồ Chí Minh. Làm lụng vất vả bao năm, nhiều khi thiếu trước hụt sau nên vợ chồng chị không có khả năng sửa chữa nhà. Căn nhà lá ọp ẹp qua nhiều mùa mưa gió, nước ngập lại càng xuống cấp.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, Hội CTĐ thị trấn đã vận động ông Trần Út- Việt kiều được 26 triệu đồng và vận động thêm các nhà hảo tâm khác được 10 triệu đồng để cất lại nhà.
Mẹ chị- bà Trần Thị Nhang (63 tuổi) nhìn căn nhà mới tuy còn… trống hoác, cười móm mém: “Có nhà mới, tụi nó đi mần, cháu tui đi học, tui ở nhà yên tâm hơn. Chứ mưa gió hay nước lên, nhà dột, tui tát hổng xuể. Đồ đạc trong nhà từ từ sắm sau. Được giúp vậy, mang ơn suốt đời”.
Cô Võ Thị Ngọc Vĩnh- Chủ tịch Hội CTĐ thị trấn Tam Bình tâm sự: “Tiếp xúc ngày càng nhiều với những trường hợp khốn khó, tôi càng thấy mình phải cố gắng nhiều hơn và vận động được ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân đến với những địa chỉ nhân đạo”. Và, trong 5 năm, hội đã vận động trợ giúp được 30 địa chỉ.
Anh Võ Hữu Thường- Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tam Bình cho biết: Ngay sau khi phát động, phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, huyện thành lập BVĐ và chỉ đạo các xã- thị trấn khảo sát, lập danh sách các địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn để vận động hỗ trợ. Và chúng tôi còn quy ước với nhau, nếu xã nào để “lọt địa chỉ” thì phải tự kiểm điểm mình”
Nhờ đó, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các ban ngành huyện, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Số tiền trợ giúp không nhiều, ít nhất là 100.000 đ/tháng, nhiều nhất có thể vài trăm ngàn nhưng đó là sự trợ lực cần thiết để giúp người nghèo vượt qua khó khăn.
Thắp sáng những cuộc đời
Và, không chỉ hỗ trợ về tiền bạc mà các tổ chức, cá nhân tham gia cuộc vận động còn giúp đỡ từ vài trăm đến cả chục triệu đồng để trao “cần câu” cho các “địa chỉ nhân đạo”.
Ở TP Vĩnh Long, việc trợ vốn được các thành viên Chi hội tán trợ Hội CTĐ thực hiện theo nhiều hình thức.
Mỗi tháng, bà Đặng Thị Tươi (69 tuổi, Phường 5- TP Vĩnh Long) đều nhận được 100.000đ từ tiền Ban bảo trợ vận động. Chân đi khập khiễng cùng tuổi “xế chiều” với nhiều bệnh tật nên công việc gánh thu mua ve chai của bà Tươi bấp bênh do bữa đi, năm bữa nghỉ.
Bà Tươi tâm sự: “Tháng tui kiếm chừng 200 ngàn. Có con nhưng tụi nó cũng nghèo nên tui sống một mình. Tiền được cho thì tui mua thuốc, mua gạo, nhẹ gánh lo hơn”.
Bà Nguyễn Thị Phụng (80 tuổi, Phường 4- TP Vĩnh Long) sống trọ một mình với công việc bán vé số. Người con trai độc nhất và đứa cháu nội của bà bị bệnh tâm thần.
Trước hoàn cảnh ấy, tập thể giáo viên và học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt đã quyên góp tiền giúp bà làm vốn bán vé số để nuôi sống bản thân, nuôi con, nuôi cháu. Ngoài ra, Hội CTĐ thành phố còn vận động các nhà hảo tâm hàng tháng ủng hộ tiền để bà thanh toán chi phí nhà trọ.
Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của chị Nguyễn Thị Phương Thảo có con bị khuyết tật bẩm sinh, nằm một chỗ, nên hội hỗ trợ 1 triệu đồng giúp chị mở sạp tạp hóa nhỏ trước nhà. Nhờ vậy, chị vừa có được “đồng vô, đồng ra” cơm nước hàng ngày vừa tiện việc chăm sóc con,…
Ông Lê Thành Vỹ (thị trấn Tam Bình) là một trong những cá nhân tham gia cuộc vận động. Ông luôn cảm thông những hoàn cảnh khó khăn, những em học sinh vì nghèo mà có thể dở dang chuyện học hành... nên ông thường xuyên làm từ thiện giúp đỡ các “địa chỉ nhân đạo” trên báo đài.
Ông chia sẻ: “Thời trẻ vợ chồng mần lo cho con ăn học. Giờ con cái thành đạt gởi tiền về lo cho vợ chồng già. Tụi tui dành tiền đó làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo vươn lên”.
Vợ chồng ông Lê Thành Vỹ và bà Nguyễn Thị Kim Anh tâm sự: “Làm từ thiện vì tấm lòng để làm phước cho con cháu và là niềm vui của tuổi xế chiều”.
Theo Bí thư Đoàn ủy Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long- Đào Thị Tuyết Vân, “Mỗi chi đoàn nhận đỡ đầu ít nhất 1 học sinh có hoàn cảnh khó khăn” được Đoàn ủy phát động từ năm 2010 đến nay.
Nhờ vậy, có 10 học sinh nghèo vượt khó được đỡ đầu, với số tiền hỗ trợ hàng năm từ 2- 3 triệu đồng/học sinh. Tùy điều kiện từng chi đoàn mà hàng tháng hay hàng quý các chi đoàn cử đoàn viên đến thăm, động viên hỗ trợ tiền cho các em (mỗi tháng 300.000đ hoặc mỗi quý 500.000đ); tặng dụng cụ học tập, xe đạp, quần áo;… nhằm giúp các em có điều kiện vượt qua khó khăn, học tốt.
5 năm, phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là một cuộc vận động rất ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc. Làm tốt cuộc vận động này là góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước nên phong trào đã nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh.
Phong trào còn lan tỏa đến các vùng xa của tỉnh. Không chỉ có thế, Hội CTĐ các cơ sở còn vận động nhân dân tự nguyện thực hiện hũ gạo tình thương, ủng hộ ngày công, con giống, cây giống trong cán bộ, hội viên các đoàn thể chính trị, các hội quần chúng và nhân dân bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực trong cộng đồng dân cư.
5 năm đã vận động được tiền, hàng, ngày công lao động, thuốc khám bệnh… với giá trị chung là 30,6 tỷ đồng. Cụ thể đã giúp 94.732kg gạo, hỗ trợ nhau 912 ngày công lao động, trợ giúp thường xuyên 4.357 hộ nghèo, neo đơn. Phần lớn các đơn vị ban ngành, đoàn thể hỗ trợ thường xuyên, từ 120.000- 500.000 đ/tháng/đối tượng. Hộ được trợ vốn 2- 3 triệu đồng đến 12 triệu đồng, cất nhà tình thương từ 15- 25 triệu đồng/căn (được 105 căn)...
|
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin