Xuất phát từ ý nghĩ tạo việc làm cho người thân trong gia đình, con cháu người tù kháng chiến (NTKC) và lao động nhàn rỗi ở nông thôn, bà Dương Thị Nâu- Chủ tịch Hội NTKC xã An Bình (Long Hồ) đã mở cơ sở dạy may miễn phí và nhận hợp đồng gia công hàng may mặc, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Xuất phát từ ý nghĩ tạo việc làm cho người thân trong gia đình, con cháu người tù kháng chiến (NTKC) và lao động nhàn rỗi ở nông thôn, bà Dương Thị Nâu- Chủ tịch Hội NTKC xã An Bình (Long Hồ) đã mở cơ sở dạy may miễn phí và nhận hợp đồng gia công hàng may mặc, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Qua cù lao An Bình, theo tuyến đường nhựa đến chân cầu Tân Tạo, chúng tôi rẽ sang con đường mòn là tới nơi. Cơ sở dạy may miễn phí của bà Nâu được bao quanh bởi vườn cây xanh mát, xua tan cái nắng gay gắt giữa trưa hè.
Cơ sở dạy may miễn phí của bà Nâu (bìa trái) đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
|
Tại cơ sở, mỗi người thợ đảm nhiệm một phần việc, người lo vắt sổ, người may dây kéo… Cầm chiếc áo đầm trẻ em màu đỏ tươi thật đẹp, bà Nâu khoe: “Mấy chiếc áo đầm này chúng tôi gia công để xuất khẩu. Sau học nghề, học viên có thể nhận hàng về may gia công.”
Trước đây, con gái bà Nâu- chị Nguyễn Thanh Lam- có hơn 10 năm may gia công xuất khẩu hàng may mặc. Năm 2009, vợ chồng bà đã động viên con gái vừa ở nhà làm việc vừa dạy nghề may và tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Nói là làm, vợ chồng bà liên hệ với Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Long Hồ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức 2 khóa tập huấn cho 25 học viên tham gia. Ngoài ra, trung tâm còn cho mượn 5 máy may công nghiệp để cơ sở có máy hoạt động.
Chị Lam cho biết: Tham gia lớp học, nhiều học viên không hề biết may vá nhưng khi học xong thì làm rất tốt, như chị Nguyễn Ngọc Mai là thợ uốn tóc, nhưng học đúng 1 tuần lễ có thể may được nguyên cái áo đầm rất khéo. Hiện, ngoài thời gian làm tóc cho khách, chị luôn tranh thủ may hàng gia công, tháng nào cũng thêm được trên 1 triệu đồng.
Còn chị Nguyễn Thị Anh Đào (xã Bình Hòa Phước) thì mỗi tháng cùng chồng may khoảng 2.000 thân áo. Chị cho biết, ngoài thời gian làm vườn, chăm sóc con cái, chúng tôi “chen vô” may gia công để kiếm thêm thu nhập.
Theo bà Nâu, đa số là những người “tay ngang”, có khi chưa biết xỏ kim nhưng sau khi học thì rất gắn bó với cơ sở. Học viên có thể mang về nhà làm nên công việc khá phù hợp với lao động nhàn rỗi địa phương. Hiện, tổ hợp may gia công có 16 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng.
Để cơ sở chủ động làm việc, vợ chồng bà đã đầu tư 50 triệu đồng mua thêm máy phát điện và 6 máy may công nghiệp. Hiện, ông bà còn tìm được mối hợp đồng mới ở TP Hồ Chí Minh và chủ công ty là đồng hương của ông bà, nên dù “hợp đồng miệng” nhưng luôn được “ưu tiên” có hàng làm thường xuyên, góp phần tạo điều kiện cho bà con địa phương có thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin