Xoa dịu “nỗi đau da cam”

06:08, 08/08/2013

Chiến tranh đã lùi xa, những mất mát vơi dần. Song, có nỗi đau không vơi đi mà còn nhân lên gấp bội, đó là “nỗi đau da cam”.


Cô Nguyễn Thị Khen quặn thắt đau khi con gái bị nhiễm CĐDC/dioxin.

Chiến tranh đã lùi xa, những mất mát vơi dần. Song, có nỗi đau không vơi đi mà còn nhân lên gấp bội, đó là “nỗi đau da cam”.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi lương tri và cũng là trách nhiệm của tất cả mọi người cùng chia sẻ với nỗi đau mà các nạn nhân da cam đang phải gánh chịu.

Những tiếng cười xót xa

Căn nhà tường khang trang của ông Trần Văn Bé (68 tuổi, thương binh 4/4, ấp Hiếu Xuân Đông, xã Hiếu Thành- Vũng Liêm) còn thơm mùi vôi vữa. Thấy chúng tôi, anh Trần Trung Dũng (33 tuổi) trong bộ đồ thể dục tươm tất, cười toe khoe: “Đi rút rơm cho bò ăn, phụ cha phụ mẹ kiếm tiền cưới vợ”.

Nói xong, tay và chân trái của anh đều bị rút lại, anh phóng chân đất, thoắt cái tới đống rơm tít sau hè. Mẹ anh- bà Nguyễn Thị Hồng với theo: “Chạy chậm thôi con, vấp té lăn nữa bây giờ. Tội nghiệp, tui có 4 đứa con mà 2 đứa bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC), ngoài 30 mà cứ ngơ ngơ muốn nói gì thì nói, như đứa trẻ vậy đó”.

Hồi chiến tranh, Mỹ rải chất độc hóa học xuống vùng đất Nhị Long (Trà Vinh)- nơi ông Bé tham gia kháng chiến. Vết thương chiến tranh đã liền sẹo trên cơ thể nhưng ngờ đâu nó lại gieo mầm trên 2 đứa con của ông.

Chị Trần Thị Huệ và anh Trần Trung Dũng đều bị thiểu năng trí tuệ. Anh Dũng ôm cột cười ngô nghê, làm duyên khi thấy chúng tôi đưa máy ảnh ra chụp. Anh khoe với chúng tôi “con bò nhà anh sắp đẻ con bò nhỏ để chơi với anh”, còn “cái ngón tay út bị cụt do chính anh cắn”. Chị Huệ nói lớ ngớ những câu chữ chưa tròn, lăng xăng phụ mẹ đi làm nước mời khách.

Bà Hồng tâm sự: “Nhờ uống thuốc mà bệnh tình của tụi nó cũng đỡ hơn nhiều. Chứ mấy năm trước có tự chăm sóc được gì cho mình đâu. Xuống tắm thì nghịch bùn sình, rồi cởi truồng chạy ngời ngời. Ăn cơm thì đổ tháo tùm lum. Bình thường là cười vui vẻ lắm nhưng khi lên cơn là tụi nó la hét. Chắc trời thương, vợ chồng tui già rồi nay yếu mai đau nên cho tụi nó khỏe mạnh, cũng biết chút chút để tụi tui an ủi tuổi già. Hàng tháng, với số tiền hỗ trợ trên 6 triệu đồng của nạn nhân nhiễm CĐDC, cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Nhìn căn nhà ấm áp, bà Hồng tiếp lời: “Hôm anh Sim- cán bộ Hội CĐDC của xã nói gia đình tui được ngân hàng hỗ trợ 30 triệu cất nhà. Rồi bà con, anh em thương, cho mượn thêm cất nhà đàng hoàng để ở, mừng lắm”. Anh Trung Dũng cười nói rổn rảng: “Ở nhà đất chạy té lạch bạch. Ở nhà gạch không té, chân không dơ, không cần rửa hoài”.

Ở cùng ấp Hiếu Xuân Đông, gia đình cô Nguyễn Thị Khen cũng quặn thắt với nỗi đau da cam. Người con gái lớn của cô- chị Nguyễn Thị Mai Khanh (38 tuổi) mới lọt lòng đã bị di chứng bại não. “Sanh con ra, con nằm yên không ngoa ngoe như con nít người ta, vợ chồng tui lo lắm. Bác sĩ khám con bị động kinh, giựt liền hồi tưởng tiêu rồi chứ. Vợ chồng tui ôm con chữa trị khắp nơi, tới năm 12 tuổi nó mới chập chững biết đi”- cô Khen tâm sự.

Cô Khen có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ tại khu vực xã Trung Ngãi (Vũng Liêm); xã Hòa Bình (Trà Ôn). Cũng may là chỉ có chị bị phơi nhiễm, còn 3 người con của cô sau này lành lặn, có công việc làm ổn định.

Cô đút nước cho chị uống, nhìn con xót xa: “Khu vực này nó quăng chất gì mà ở đám lá tối trời cây cỏ gì cũng trụi lá, người lở loét tùm lum. Không ngờ chất độc đó ngấm vào tui rồi lại gieo vào con tui. Tội con gì đâu, tuổi này đáng lẽ có chồng, có con cái như người ta, đằng này con mình chỉ lủi thủi trên giường; đầu gục gặc, chân tay co rút; nghỉ uống thuốc 1 ngày là giựt té”.

Xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Trong chiến tranh, Vĩnh Long đã hứng chịu khoảng 120 ngàn lít chất độc hóa học có chứa chất dioxin do Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam, làm 6.600 người bị phơi nhiễm, trong đó, có khoảng 3.000 trẻ em bị ảnh hưởng. Những tấm thân què quặt; những nụ cười ngây dại; những đôi mắt lạc thần... vẫn đeo bám những số phận, những mảnh đời các nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin một cách dai dẳng và tàn nhẫn...

Đa số các hộ gia đình nạn nhân CĐDC đều có đời sống kinh tế rất khó khăn. Những năm qua, chính quyền các cấp đã tìm mọi cách để hỗ trợ cho những gia đình này nhằm nâng cao đời sống và xoa dịu nỗi đau tinh thần mà họ phải gánh chịu.


Được hỗ trợ căn nhà khang trang, gia đình ông Trần Văn Bé (giữa) có điều kiện chăm sóc 2 con bị nhiễm CĐDC được tốt hơn.

Ông Phan Thanh Rạng- Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết: Nhiệm kỳ qua, Tỉnh hội vận động gần 8 tỷ đồng để gây quỹ, từ các tổ chức, cá nhân đóng góp.
 
Phối hợp với các ngành, đoàn thể tặng quà, khám chữa bệnh, tạo việc làm và cấp 23 suất học bổng cho các nạn nhân CĐDC/dioxin; cất mới 60 căn nhà; hỗ trợ vốn, 90 con heo, bò giống; hỗ trợ xe lăn, xe lắc và phương tiện sinh hoạt, cải thiện đời sống cho nạn nhân và gia đình.

Và, Tỉnh hội sẽ tiếp tục tích cực vận động tiền, vật chất để hỗ trợ tìm việc làm, sản xuất, mua bán nhỏ, khám chữa bệnh và cùng với Trung ương hội kiên trì đấu tranh đòi công lý đến thắng lợi cuối cùng.

 

Nhân ngày Vì nạn nhân CĐDC10/8 và kỷ niệm 10 năm ngày truyền thống Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (10/1/2004- 10/1/2014), Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã phát động một đợt hoạt động lớn trên phạm vi cả nước, với tinh thần thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, vì nạn nhân CĐDC.

Cùng với việc phát động đợt thi đua cao điểm “Hành động vì nạn nhân CĐDC”, Trung ương Hội, các cấp hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ đề da cam; tổ chức đợt vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thanh chỉ đạo, tất cả các cấp, các ngành cùng đồng hành trong cuộc đấu tranh xoa dịu nỗi đau và đòi công lý cho các nạn nhân da cam và mong muốn, thời gian tới, các nạn nhân CĐDC sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vượt qua bệnh tật, thiếu thốn về vật chất.

Đồng thời, phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các điểm còn tồn dư chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh, đánh giá tác động của dư lượng chất độc hóa học đối với sức khỏe nhân dân và chất lượng đất để có giải pháp xử lý phù hợp.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 


Người mẹ già một đời vất vả vì con, như nén nỗi đau, vỗ về bảo: “Con ngồi ngoan, lát được quà!”

Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp cùng Cổng thông tin Nhân đạo quốc gia 1400 phát động chương trình nhắn tin với chủ đề trên để kêu gọi cả cộng đồng sẻ chia với hơn 3 triệu nạn nhân da cam, nhân kỷ niệm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam.

Với cú pháp đơn giản DACAM gửi 1409, mọi người sẽ đóng góp 18.000 đồng ủng hộ các nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam.

Tin, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh