Lắng nghe trẻ em bằng trái tim

06:08, 21/08/2013

Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; bạo lực học đường; việc đầu tư, quản lý thiết chế sân chơi trẻ em; thực hiện quyền tham gia của trẻ em;... là những thông điệp mà gần 50 bạn nhỏ tuổi từ 12- 16 tuổi gởi gắm qua các tiểu phẩm và đặt vấn đề trực tiếp tại Diễn đàn trẻ em Vĩnh Long năm 2013.

Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; bạo lực học đường; việc đầu tư, quản lý thiết chế sân chơi trẻ em; thực hiện quyền tham gia của trẻ em;... là những thông điệp mà gần 50 bạn nhỏ tuổi từ 12- 16 tuổi gởi gắm qua các tiểu phẩm và đặt vấn đề trực tiếp tại Diễn đàn trẻ em Vĩnh Long năm 2013.


Hình ảnh hai anh em ôm nhau khóc vì nhớ mẹ trong tiểu phẩm “Nâng cánh chim non” khiến mọi người xúc động.

Với chủ đề “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, Diễn đàn do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh Đoàn Vĩnh Long tổ chức vào ngày 20/8/2013 để các cấp, ngành lắng nghe ý kiến của các em trong việc xây dựng chính sách chăm sóc, giúp đỡ trẻ em.

Lắng nghe trẻ em bằng trái tim

8 tiểu phẩm của 8 đội đến từ các huyện- thị- thành trong tỉnh được các em thể hiện thật sống động, phản ánh những vấn đề bất cập đang tồn tại liên quan đến môi trường sống, học tập, vui chơi của các em cùng những thông điệp gởi tới các cấp, ngành.

“Nâng cánh chim non” là tiểu phẩm mà các em trong đội TX Bình Minh mở màn tại diễn đàn. Câu chuyện về 2 anh em mồ côi, không nơi nương tựa bị Bảy đầu búa “chăn dắt” trở thành những đứa trẻ lang thang sống bằng nghề bán vé số, đậu phộng luộc.
 
Các em sống trong sợ hãi bởi những trận đòn của Bảy đầu búa. Và, nhờ ông hàng xóm tốt bụng đi báo công an nên các em sớm được giải thoát. Những giọt nước mắt sợ hãi về những trận đòn roi; sự khát khao được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, được đến trường như các bạn cùng trang lứa của các em và hình ảnh 2 anh em ôm nhau khóc vì nhớ mẹ đã làm khán phòng lặng im, xúc động.
 
“Người anh”- em Lương Hồng Nhân (lớp 4, Trường Tiểu học Đông Thạnh A- TX Bình Minh) xúc động: “Khi tập, cô giáo chỉ em phải nhập tâm vào nhân vật. Khi diễn, em nghĩ ngay đến những bạn nhỏ đang sống trong hoàn cảnh này thật là đáng thương nên em đã khóc thật”.

Sinh ra trong gia đình làm nông nghèo, được chọn tham gia diễn kịch tại Diễn đàn Nhân rất vui, em cho biết sẽ cố gắng học giỏi, ngoan để lớn lên có việc làm giúp mẹ. Còn “người em”- Lê Thị Ngọc Anh (lớp 4, Trường Tiểu học Đông Thạnh A) chững chạc: “Với tiểu phẩm này, đội chúng em muốn các cô chú quan tâm đến những bạn nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa để các bạn không bị kẻ xấu lợi dụng, đánh đập như thế”.

Tiểu phẩm “Em tôi” của đội Bình Tân cũng có nội dung về trẻ mồ côi bị người nuôi dưỡng đánh đập, không cho đi học. Rồi những vấn nạn về trẻ em bị xâm hại tình dục cũng được các đội Vũng Liêm, Trà Ôn gởi đến tại diễn đàn. Qua đó, trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phổ biến, việc trang bị những kỹ năng tự bảo vệ cho các em là vô cùng bức thiết.

Hiểu trẻ em bằng hành động

Tại diễn đàn này, các em đã đặt câu hỏi và khuyến nghị đáng quan tâm đến các cô chú lãnh đạo các cấp, ngành liên quan.

Em Lê Công Trí Nhân (lớp 9/7, Trường THCS Thành Đông- Bình Tân), đặt câu hỏi về các biện pháp khắc phục với bạo lực học đường đang gia tăng. Trưởng Phòng Mầm non thuộc Sở GD- ĐT tỉnh- Trương Thanh Nhuận cho biết rất chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an ninh, trật tự trường học, phòng chống bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội trong học đường.

Cụ thể, Sở GD-ĐT phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức hội thảo nhằm tìm nguyên nhân, khắc phục nạn bạo lực học đường. Nhà trường tăng cường giáo dục đạo đức; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, phát huy tính tích cực của học sinh trong học tập, rèn luyện và chủ động tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp cho học sinh… Học sinh ở các cấp học đều được sinh hoạt về chủ đề “Nói không với bạo lực học đường”.

Với câu hỏi thực trạng sân chơi trẻ em đang rất thiếu, cô Dương Thanh Thanh- Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa thuộc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho biết:
 
“Hiện cấp tỉnh có 3 điểm là Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh- thiếu niên và Công viên TP Vĩnh Long có trang thiết bị vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Cấp huyện có trang bị các dụng cụ vui chơi nhưng cũng đã xuống cấp và lâu lâu mới có tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em. Riêng cấp xã thường gắn các hoạt động vui chơi ở những nơi có nhà văn hóa xã”.

Việc sân chơi an toàn có nhưng còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi cho trẻ em. Song, các em nên tìm đến sân chơi an toàn là thư viện thiếu nhi ở các nhà văn hóa xã để tìm những quyển sách vui tươi, hồn nhiên, tâm hồn các em luôn rộng mở và giúp các em yêu thương cuộc sống này hơn.


Nạn bạo hành trẻ em cũng được các em đề cập tại diễn đàn.

Còn vấn đề về trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang đứng trước nguy cơ bỏ học, chị Nguyễn Huỳnh Thu- Phó Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định: Tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học được tiếp tục ước mơ đến trường qua các chương trình nhận đỡ đầu nuôi dưỡng học sinh nghèo; cấp học bổng;...“Các em đừng lo vì hoàn cảnh mà không tiếp tục được việc học, nhà trường, các đoàn thể biết hoàn cảnh của các em sẽ sẵn sàng tạo mọi điều kiện miễn các em ham học.

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Khắc Tiệp cho biết, thông qua diễn đàn nhằm lắng nghe, chia sẻ, được đối thoại trực tiếp, tham vấn các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các em đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Qua đó, tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về quyền tham gia của trẻ em; trách nhiệm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em.

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Khắc Tiệp trả lời câu hỏi liên quan đến trẻ em lao động sớm. Tình trạng trẻ em lao động sớm có nhiều nguyên nhân liên quan, trước hết là do gia đình và người sử dụng lao động không tôn trọng pháp luật. Pháp luật nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 12 tuổi, với lứa tuổi 13- 15 có thể tuyển dụng cho những công việc nhẹ nhàng. Do đó, trước hết cần tuyên truyền cho cha mẹ và người sử dụng lao động không vi phạm pháp luật. Quan trọng nhất là phát hiện những trường hợp trẻ em bị ngược đãi, giải cứu và giúp các em hòa nhập cộng đồng. Cơ quan này sẽ phối hợp với các ngành liên quan xem xét đề xuất mức xử phạt tương xứng với hành vi vi phạm.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh