Không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân mà cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Bé Tư, bà con gọi là Tư Thọ, thương binh loại A, hạng 3/4 (ấp An Thạnh B, Long Phú- Tam Bình) còn giúp nhiều đồng đội vượt khó.
Nuôi động vật hoang dã là thú vui giải trí của ông Tư Thọ (bìa trái) và để giúp đỡ đồng đội.
Không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân mà cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Bé Tư, bà con gọi là Tư Thọ, thương binh loại A, hạng 3/4 (ấp An Thạnh B, Long Phú- Tam Bình) còn giúp nhiều đồng đội vượt khó.
Cứ đến 8 giờ sáng, người dân ở chợ Long Phú (Tam Bình) không lạ gì hình ảnh bác Tư Thọ đã gần 70 tuổi xách bao gom rau, củ, quả úng do tiểu thương dạt ra về làm thức ăn cho bầy động vật hoang dã. Ông Tư Thọ cười tươi: “Mấy món đồ bỏ này có thể giúp cho bầy nhím và heo rừng của tui no bụng cả ngày đó. Ngoài ra, tui còn góp phần làm sạch môi trường cho chợ xã”.
“Tui vừa tậu chúng từ Tây Ninh về, đợi chúng sinh sản, tui sẽ giúp đồng đội con giống để nuôi”- ông Tư nói.
Sau đó, ông dẫn chúng tôi tham quan trại nuôi heo rừng cách nhà không xa.
Trong chuyến đi Đồng Nai cách nay hơn 5 năm, ông mua về 3 con nái và 1 con đực. Năm đầu tiên, ông cho xuất chuồng gần 20 con heo (7- 8 kg/con), giá 1 triệu đồng/con.
Hiện, trại nuôi heo của ông có tổng cộng hơn chục con nái và gần 30 con heo con, cho thu nhập trên 65 triệu đồng/năm. Ngoài mối quen đến mua, ông còn ưu ái bán trả chậm cho đồng đội 18 con giống để làm “cần câu cơm”.
Bên tách trà hàn huyên, ký ức về những tháng ngày chống chọi với bom rơi, lửa đạn như ùa về, ông kể về cái thời đầy gian khó và hào hùng ấy…
Năm 1960, khi chỉ mới 16 tuổi, ông tham gia làm giao liên trong đội du kích ở xã Loan Mỹ (Tam Bình). Sau đó, ông được học cứu thương quân y và công tác ở quân y huyện, rồi rút về Trung đoàn 3, Quân khu 9.
Như định mệnh, ông đã gặp và phải lòng cô Nguyễn Thị Gửi- cô gái cùng quê ngày nào, giờ công tác Ban quân trang của Phòng Hậu cần Tỉnh Đội. Tình yêu này đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho nhau trong thời chiến và cả những ngày tháng chống chọi với bệnh tật và “giặc đói” sau này.
Chiến dịch Mậu Thân 1968, khi cùng đồng đội tấn công vào TX Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long), ông đã bị thương nặng ở vùng mông (mất đi toàn bộ mảng thịt bên phải).
Hiện vẫn còn 1 mảnh đạn nằm trong phổi, miếng miểng văng vào đầu đến giờ cũng âm ỉ đau- nhất là những khi trái gió trở trời, ông lại phải chống chịu với từng cơn đau nhức. Những lúc bị hành sốt, ông dường như… không kiểm soát được bản thân và cứ chạy vòng vòng…
Hòa bình, ông trở về quê nhà, hành trang mang theo là chiếc ba lô, đôi bàn tay trắng cùng 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông là có người vợ cùng ông vượt qua gian khó.
Quyết không chịu cảnh đói nghèo, ông mượn chiếc ghe, ngược xuôi chạy mua chuối già lên Sài Gòn bán lẻ. Dành dụm mua được chiếc ghe 5 tấn, rồi 15 tấn, đi mua bán gạo. Đối với một người khỏe mạnh, chuyện khuân vác khá vất vả, đối với một thương binh càng vất vả hơn.
Đến khi sức khỏe không cho phép ông làm việc quá sức, ông bán ghe để mua xe tải chở cây vụn từ Đăk Lăk về làm nghề mộc. “Những chiếc tủ, bàn, ghế được làm từ… cây vụn, đã giúp tôi có tiền nuôi 3 thằng con trai và 2 đứa cháu ngoại vào đại học”- ông Tư khoe.
Cái thời “ăn nên làm ra” đó còn giúp ông tích lũy kha khá số vốn và ký hợp đồng lau bóng gạo xuất khẩu cho một nhà máy gạo ở TP Vĩnh Long. Rồi mở 2 trại cưa cho con gái và con rể quản lý. Bên cạnh, ông còn thành lập DNTN Tấn Lực chuyên chạy xe khách tuyến Tam Bình- TP Hồ Chí Minh, với 5 chiếc xe đã đem đến thu nhập khoảng 70 triệu đồng/tháng.
Điều làm ông hạnh phúc nhất là các con đều ham học và chí thú làm ăn. Mà tất cả đều do ông đã vạch kế hoạch để các con lựa chọn con đường cho mình.
Giờ đây, ông đã sở hữu trong tay tổng tài sản trị giá trên 15 tỷ đồng. Hiện, ông giao cho các con quản lý kinh doanh. Ông thì dành thời gian chăn nuôi động vật hoang dã. Ý định của ông là khi họp mặt đồng đội, biết người nào khó khăn ông sẽ giúp đỡ con giống, kinh nghiệm làm ăn.
Ông Trần Minh Thắng- Chủ tịch Hội CCB xã nhận định: Ông Tư Thọ là một trong những điển hình CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi của tỉnh.
Tham gia tổ góp vốn xoay vòng nhưng ông không bao giờ nhận mà nhường luôn cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Nhà nước có chính sách an dưỡng cho thương binh nhưng ông cũng nhường luôn suất của mình cho đồng đội. Không những vậy, ông còn vận động bạn bè, người quen hỗ trợ cất 2 căn nhà cho đồng đội trị giá 90 triệu đồng.
Mới đây, ông Tư còn vận động và được người quen hứa sẽ giúp cất 6 căn nhà và tặng mỗi hộ 1 con bò; trong đó, có 1 hộ là CCB. Đồng thời, vận động 1.000 cuốn tập để tặng cho học sinh nghèo và con cháu CCB vào đầu năm học mới. Ông tâm niệm: “Hồi đó, đồng đội mình sống chết có nhau nên giờ giúp nhau là lẽ đương nhiên”.
Ông Nguyễn Văn Bé Tư được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng I, II, III; được tặng Huân chương Kháng chiến hạng II, III; Huy chương Kháng chiến hạng I; 6 Huy hiệu Dũng sĩ quyết thắng và 10 bằng khen cấp trung đoàn, cùng nhiều Huy hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin