Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

08:08, 16/08/2013

Sau 3 năm (từ 2010 - 2012) triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đây là đề án sâu, rộng nhất từ trước đến nay do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác dạy nghề cho LĐNT đến nay cơ bản đã đi đúng hướng và có những kết quả bước đầu đáng khích lệ; đồng thời tạo cơ sở để nâng cao số lượng cũng như chất lượng dạy

Sau 3 năm (từ 2010 - 2012) triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đây là đề án sâu, rộng nhất từ trước đến nay do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác dạy nghề cho LĐNT đến nay cơ bản đã đi đúng hướng và có những kết quả bước đầu đáng khích lệ; đồng thời tạo cơ sở để nâng cao số lượng cũng như chất lượng dạy nghề cho LĐNT trong những năm tới.

Tận dụng thời gian nông nhàn, nguồn nguyên liệu tại chỗ, phụ nữ nông thôn có thêm thu nhập từ nghề đan lục bình.

Trên 800.000 LĐNT có việc làm

Sau 3 năm triển khai đề án trên, đến nay có 822.460/1.042.059 người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất, thu nhập cao hơn (đạt 77,74% kế hoạch đặt ra); 44% LĐ thuộc hộ nghèo, sau học nghề có việc làm, thu nhập thoát nghèo; 88.222 người học nghề có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của các hộ dân trong vùng. Đồng thời, đề án đã đào tạo bồi dưỡng trên 2 triệu lượt cán bộ, công chức xã.

Đặc biệt, nhận thức của người dân về công tác dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực nông thôn chuyển biến tích cực, số người đăng ký học nghề tăng hàng năm.

Một số địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, gắn với xây dựng nông thôn mới, như: Bắc Giang với sản phẩm gà đồi Yên Thế; Bắc Kạn với cây dong riềng và các sản phẩm miến dong; Hà Nam, Hậu Giang nuôi heo trên nền sinh học (heo không tắm); Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ;…

Tại Vĩnh Long, sau 3 năm triển khai đề án, tỉnh mở 908 lớp dạy nghề cho LĐNT nông thôn, trong đó dạy nghề nông nghiệp 118 lớp, nghề phi nông nghiệp 790 lớp. Tổng số LĐNT được học nghề là 25.329 người và trong số này có đến 80,36% số người sau khi học nghề có việc làm và tăng thu nhập so với trước khi học nghề.

Thu nhập từ 900 ngàn- 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với LĐNT học các nghề về tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm thêm; 1,8- 2,5 triệu đồng/tháng đối với LĐNT học các nghề về kỹ thuật- dịch vụ. Riêng học nghề nông nghiệp, thu nhập tăng thêm nhờ nâng cao chất lượng nông sản, tăng năng suất canh tác từ 1,5- 2 lần so với trước khi học nghề.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 3 năm triển khai đề án, cũng còn nhiều hạn chế: công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế...

Một số địa phương chưa quan tâm đến hỗ trợ LĐNT sau học nghề, đặc biệt là vốn sản xuất và thị trường đầu ra cho sản phẩm; còn tình trạng dạy nghề chạy theo số lượng nên chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học; mạng lưới cơ sở dạy nghề, trang thiết bị, giáo viên dạy nghề còn thiếu
và yếu…

Trong giai đoạn 2013- 2015, cả nước phấn đấu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng trên 2 triệu LĐNT, số người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, hiệu quả cao hơn đạt từ 70% trở lên.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đối với trung tâm chung thuộc UBND cấp huyện làm đầu mối thực hiện các chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên- hướng nghiệp- dạy nghề- giới thiệu việc làm theo chính sách của
đề án.

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, năm 2013, tỉnh Vĩnh Long đầu tư trên 20 tỷ đồng tập trung đào tạo nghề gắn với tạo việc làm tại 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, tỉnh khuyến khích nhân rộng các mô hình dạy nghề nông nghiệp, nâng cao kiến thức hộ nông dân ứng dụng vào sản xuất kết hợp với các mô hình dạy nghề phi nông nghiệp, gắn với hoạt động của hợp tác xã, làng nghề như dạy nghề đan lác, xe lõi cói gắn với làng nghề sản xuất và sơ chế cói xã Thanh Bình, Quới Thiện; dạy nghề trồng và sơ chế nấm rơm gắn với làng nghề sản xuất nấm rơm xã Trung Thành (Vũng Liêm); dạy nghề tạo hình sản phẩm gốm gắn với làng nghề gốm đỏ xã Mỹ An (Mang Thít).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các địa phương, bộ ngành khi triển khai đề án trong giai đoạn tới phải bám sát vào nhu cầu thật sự của người LĐ, nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đặc biệt phải gắn đề án đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc dạy nghề cho LĐNT sẽ thúc đẩy phát triển nông thôn mới, nông dân thoát nghèo, trở thành người có thu nhập cao, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng LĐ để có bước đi phù hợp; đồng thời tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền để người dân học nghề xong được làm đúng nghề đã học.

Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện trong 11 năm (2010- 2020) với mục tiêu: dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu LĐNT, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho 6,54 triệu người theo chính sách của đề án; đào tạo, bồi dưỡng 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức xã.


Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh