Côn Đảo mùa tri ân

07:08, 08/08/2013

Những ngày cuối tháng 7-2013, phải vất vả lắm, những người khách phương xa mới đặt được vé máy bay ra Côn Đảo. Không phải vì mùa cao điểm nghỉ hè mà tháng 7 chính là tháng tri ân. Du khách gần xa đến với Côn Đảo là đến với mảnh đất của hơn 20.000 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống; của những chuồng bò, chuồng cọp, đòn thù…

Những ngày cuối tháng 7-2013, phải vất vả lắm, những người khách phương xa mới đặt được vé máy bay ra Côn Đảo. Không phải vì mùa cao điểm nghỉ hè mà tháng 7 chính là tháng tri ân. Du khách gần xa đến với Côn Đảo là đến với mảnh đất của hơn 20.000 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống; của những chuồng bò, chuồng cọp, đòn thù…

1. Anh Hùng, tài xế taxi Côn Đảo nhiệt tình kể: “Mấy hôm rày, khách đến đảo đông lắm, chủ yếu là những đoàn cựu tù chính trị và đoàn viên thanh niên các đơn vị...”. Như để minh chứng cho lời nói của mình, anh nói tiếp: “Cả đảo có 12 chiếc taxi mà hoạt động hết công suất. Nhiều cụ lớn tuổi mới tới khách sạn, nhận phòng xong là kêu taxi ngay để ra Nghĩa trang Hàng Dương viếng đồng đội. Nhìn các cụ trời nắng mà tay xách nách mang, nào là trái cây rồi cả mấy bó bông cúc theo máy bay ra, thấy thương các cụ quá”.

Nhiều đoàn khách đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo vào tháng 7 - mùa tri ân.

Tại trại giam Phú Hải, chúng tôi đã gặp đoàn Ban Tuyên giáo Quận ủy và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Tân Phú đến thăm Côn Đảo. Cùng theo các anh chị đi dọc những xà lim tối thui, nhìn những chiếc còng sắt nhỏ xíu mà ai cũng nghẹn ngào. Chị Phạm Thị Thúy An (Ban Tuyên giáo Quận ủy quận Tân Phú) chia sẻ:
 
“Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Côn Đảo. Cảm giác của lần đầu tiên đặt chân đến đây là tò mò và thú vị với những gì mình cảm nhận và nhìn thấy. Tháng 7 là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ nên khi đến đây tôi cảm thấy rất có ý nghĩa, hình như mình đã chọn đúng thời điểm để đến thăm nơi đây. Qua chuyến đi, tôi học được ở các bậc tiền nhân niềm tin về ngày mai tươi sáng của dân tộc và nếu ta vững tin, nếu ta cố gắng, nhất định sẽ thành công, cho dù có khó khăn, cho dù có phải hy sinh và chịu đựng nhiều như thế nào chăng nữa. Nhất định, khi con trai của tôi đủ lớn để hiểu và cảm nhận, tôi sẽ đưa con đến Côn Đảo để con được cảm nhận thật sự những gì mà chính bản thân mình đã cảm nhận chứ không còn máy móc qua sách vở, phim ảnh. Để thế hệ chúng tôi, thế hệ mai sau sẽ chứng kiến và cảm nhận được những điều kỳ diệu mà các bậc tiền nhân đã cống hiến cho đất nước”.

2. Chia sẻ về lần đầu tiên được ra thăm Côn Đảo, thượng úy Nguyễn Thanh Don, Bí thư Đoàn TNCS Tổng cục An ninh II tại TPHCM - Bộ Công an, bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi ra thăm Côn Đảo, nhân chuyến tập huấn công tác đoàn của Đoàn Thanh niên Bộ Công an. Không ai trong đoàn công tác chúng tôi cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh tượng của hơn 30 năm về trước. Những anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương mà đoàn công tác chúng tôi vừa tổ chức viếng hương, hoa và báo công là những người đã trải qua những cực hình tra tấn. Các cô chú, anh chị đã hy sinh thân mình và dòng máu các anh đổ xuống chảy mãi qua các thế hệ”.

“Một ngày bước chân vào “địa ngục trần gian”, tôi thấy mình đã từng lãng phí những tháng ngày sống không mục đích, lý tưởng và tuổi trẻ đắm say với những niềm vui vô bổ. Biết ơn chị Võ Thị Sáu, người nữ công an Anh hùng Lực lượng vũ trang, đồng đội của chúng tôi chính là bài hát và cũng là khẩu hiệu để chúng tôi phấn đấu. Sau khi về lại đơn vị, tôi sẽ tổ chức chiếu phim tư liệu “Khát vọng bất diệt” với 10 tập phim về Côn Đảo và cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc của các thế hệ anh hùng cho đoàn viên thanh niên Tổng cục An ninh II. Tôi tin đồng đội của tôi cũng có suy nghĩ như tôi”.

3. Trời đã chạng vạng nhưng dòng xe vẫn nối đuôi nhau đến với Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Từ khu vực đài tưởng niệm đến khu mộ phần đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh và các liệt sĩ khác đều nghi ngút khói hương. Một nhân viên trông coi nghĩa trang nói: “Côn Đảo là đất thiêng, quanh năm nhiều người dân khắp địa phương trong cả nước đều tìm ra đây hương khói cho anh linh các anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt, ai cũng tìm ra mộ chị Võ Thị Sáu, thắp nén nhang. Có đoàn còn lặng người hát tặng chị bài Biết ơn chị Võ Thị Sáu ngay tại mộ phần”.

Trong số chúng tôi, không ít người đã từng đến đây, nhưng lần nào cũng vậy, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quá hoang sơ và bình dị nơi đây. Bình dị ở những người dân biển đảo, bình yên của biển mỗi khi chiều về... và cả sự thiêng liêng của những người đã hy sinh ở một góc đảo xa xôi. Côn Đảo như mảnh đất thiêng, như nơi thanh lọc tâm hồn... Và nói như một cựu tù chính trị mà chúng tôi đã gặp khi ghé thăm chuồng cọp: Đến với Côn Đảo, tự mỗi người sẽ tìm ra giá trị sống cho chính mình…

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh