Cà Mau triển khai 20 dự án ứng phó nước biển dâng

06:08, 17/08/2013

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, đến nay tỉnh Cà Mau đã triển khai trên 20 chương trình, dự án nhằm chủ động đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia được các bộ, ngành Trung ương trực tiếp đầu tư.


Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hơn 40km bờ biển ở tỉnh Cà Mau thường xuyên xảy ra rạn nứt, lún đất, xói lở nghiêm trọng. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, đến nay tỉnh Cà Mau đã triển khai trên 20 chương trình, dự án nhằm chủ động đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia được các bộ, ngành Trung ương trực tiếp đầu tư.

Ngoài ra, Cà Mau còn có nhiều tiểu dự án trên cơ sở cụ thể hóa trong các chương trình mục tiêu lớn được xác định, trước mắt có 3 việc cần làm ngay. Một là duy trì một bộ phận dân cư tiếp tục sống ổn định ven biển.
 
Hai là di dời dân ở những nơi không an toàn về nơi an toàn. Ba là làm tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, qua đó làm cho người dân hiểu đúng, tránh hoang mang, tiến tới là sống chung với biến đổi khí hậu và nước biển dâng chứ không phải trốn tránh.

Tỉnh Cà Mau là địa phương có 3 bề là biển, với tổng chiều dài 252km. Tại đây có trên 5.000 hộ dân sinh sống bằng nghề trổng rừng và khai thác thủy sản. Đối với những hộ này đã thích ứng với điều kiện vùng ven biển, cụ thể như bà con cất nhà sàn, chiều cao cách mặt đất 1-2m, để lúc thủy triều lên cao cũng rất an toàn.

Mặt khác bà con sống trên đê hoặc trong đê nên không có gì nguy hiểm, như vậy số hộ này là tiếp tục ổn định cuộc sống với điều kiện là mở rộng chương trình nhà sàn để bảo đảm an toàn khi có bão và nước biển dâng. Hiện nay có trên 1.200 căn nhà sàn được người dân xây dựng khu vực ven biển.

Tuy nhiên, hiện nay còn gần 1.000 hộ dân hiện đang sinh sống ngoài đê, che lều dựng trại ngay trong rừng phòng hộ thì cần phải sắp xếp trên tinh thần khẩn trương. Biện pháp cho trường hợp này, hoặc là bà con tự nguyện về các khu tái định cư, hoặc sẽ bị cưỡng chế.

Hiện nay riêng huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển là 2 huyện trọng điểm ven biển đã hoàn tất 2 khu tái định cư, có khả năng tiếp nhận 600 hộ vào đây sinh sống. Thế nhưng chỉ có 45 hộ đăng ký vào đây ở, hầu hết là bà con không chịu vào.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Hiển cho biết huyện sẽ phấn đấu để đến năm 2015 không còn hộ dân nào sống trái phép trên lâm phần rừng phòng.

Ngọc Hiển là huyện cuối cùng cực Nam của Tổ quốc, có diện tích rừng phòng hộ lên tới 17.000ha, đây là rừng chắn sóng biến, hạn chế sạt lở. Do vậy không thể bất cứ hộ dân nào sống trong khu vực này do không an toàn.

Tỉnh chỉ đạo cho các phương tiện thông tin đại chúng địa phương mở chuyên mục, chuyên đề về biến đổi khí hậu và nước biển dâng với thời lượng thỏa đáng, thông qua đó giúp người dân có đầy đủ thông tin về biến đổi khí hậu và nước biển dâng để chủ động phòng tránh./.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh