Trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều người không thống nhất, dẫn đến khiếu kiện dây dưa kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, trật tự xã hội ở địa phương.
Trước khi tiến hành thực hiện dự án, chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chuyên môn cũng như Ban lãnh đạo Công ty CP Xi măng Công Thanh tổ chức nhiều cuộc họp dân để lấy ý kiến về địa điểm, các phương án di dời, hỗ trợ đền bù và được đa số người dân đồng tình nhất trí cao.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều người không thống nhất, dẫn đến khiếu kiện dây dưa kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, trật tự xã hội ở địa phương.
Dự án Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Công Thanh đã được UBND tỉnh Vĩnh Long chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng từ nửa đầu năm 2011 (theo Công văn số 825/UBND-KTTH ngày 6/4/2011) và được sự đồng ý của Bộ Xây dựng (Công văn số 667/BXD-VLXD) về chủ trương đầu tư trạm nghiền xi măng tại huyện Bình Tân, với tổng diện tích đất phải thu hồi là 409.471,7m2 (trong đó có trên 380m2 đất nông nghiệp); còn lại là đất công cộng 18.398,4m2. 100 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, với gần 400 nhân khẩu, đáng lưu ý là ở khu vực này còn có trên 240 ngôi mộ cần phải di dời.
Trước yêu cầu chính đáng của một số hộ dân bị giải tỏa, đền bù, ngày 21/8/2012, UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có Công văn số 2348/UBND-KTN về chủ trương chấp thuận áp dụng giá đất cục bộ để bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo đó, mức giá đền bù được nâng lên vị trí 4: Từ bờ sông Hậu trở vào 100m là 60.000 đ/m2 đối với loại đất trồng cây hàng năm (kể cả đất nuôi trồng thủy sản); từ bờ sông Hậu trở vào 100m là 70.000 đ/m2 đối với loại đất trồng cây lâu năm (kể cả đất nuôi trồng thủy sản); đối với các vị trí còn lại áp dụng giá đất 50.000 đ/m2.
Đồng thời, áp dụng hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại dự án trên, theo quy định về bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Ngoài ra, Công ty CP Xi măng Công Thanh còn hỗ trợ thêm cho hộ dân 30.000 đ/m2 đất theo quy định.
Riêng đối với việc hỗ trợ, di dời mồ mả, ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, Công ty CP Xi măng Công Thanh còn hỗ trợ thêm 1.000.000 đ/mộ, đồng thời đối với những hộ không có đất hoặc không muốn di dời thì công ty sẽ quy hoạch một khu vực riêng trong khuôn viên cụm công nghiệp.
Vậy tại sao vẫn còn trên 20 hộ dân không đồng tình mà tiếp tục khiếu nại?
Qua cuộc họp dân ngày 3/6/2013 của UBND huyện Bình Tân và theo tìm hiểu của chúng tôi thì đa số các hộ này đều cho rằng giá đền bù đất còn thấp hơn so với mặt bằng giá cả thị trường hiện tại và không đồng tình với việc chia nhiều khung giá đền bù trên cùng một diện tích đất (được tính từ bờ sông Hậu vào 100m với các diện tích còn lại chênh lệch từ 10.000- 20.000 đ/m2).
Đáng chú ý là có một số ý kiến đề nghị nên thu hồi hết thửa đối với những diện tích đất bị ảnh hưởng hơn 2/3 diện tích, vì số diện tích còn lại không thể tiếp tục canh tác được. Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn 5 hộ dân kiên quyết không đồng ý với phương án cho tiến hành xây dựng nhà máy nghiền xi măng trên địa bàn vì lo ngại môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cho bản thân, gia đình, con cháu họ sau này...
Chủ trương phát triển các cụm- tuyến công nghiệp nhằm tạo đòn bẩy trong phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương là đúng và nhất quán, được Tỉnh ủy quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện đạt được nhiều kết quả thiết thực trong thời gian qua.
Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Công Thanh trên 380ha đất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao và ảnh hưởng đến hàng trăm nhân khẩu ở một địa phương, đây là vấn đề lớn, cần có bước đi cẩn trọng, chắc chắn, phải tính toán hiệu quả kinh tế- xã hội lâu dài. Điều không chỉ người dân địa phương mà dư luận trong nội bộ cũng quan tâm, lo ngại đó là vấn đề bảo đảm môi trường, sức khỏe của nhân dân khi nhà máy xi măng hoạt động.
Duy Dẫn- Phúc Hậu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin