Từ phong trào này, TP Vĩnh Long xuất hiện nhiều mô hình: Gia đình hạnh phúc; nuôi dạy con cháu thành đạt, nhiều tấm gương hiếu đễ; tình nghĩa thủy chung, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, góp phần cùng chính quyền địa phương phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao đời sống người dân và xây dựng xã- phường đạt chuẩn văn hóa.
Từ phong trào này, TP Vĩnh Long xuất hiện nhiều mô hình: Gia đình hạnh phúc; nuôi dạy con cháu thành đạt, nhiều tấm gương hiếu đễ; tình nghĩa thủy chung, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, góp phần cùng chính quyền địa phương phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao đời sống người dân và xây dựng xã- phường đạt chuẩn văn hóa.
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Bèo- anh Huỳnh Văn On (khóm Hưng Đạo Vương, Phường 1- TP Vĩnh Long) gặp không ít khó khăn. Gia đình họ sống trong ngôi nhà nhỏ tạm bợ. Không có việc làm ổn định nên cả gia đình chỉ nhờ vào nguồn thu nhập từ tiền lương của anh On.
Chị Bèo đã vượt qua khó khăn và giờ cùng chia sẻ với gia đình khó khăn khác qua “Hũ gạo tình thương”.
|
Khi địa phương phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gia đình anh chị rất đồng tình với suy nghĩ: “Muốn xây dựng gia đình văn hóa thì các tiêu chuẩn phải đạt được đó là các thành viên trong gia đình phải yêu thương, đoàn kết, biết kính trên nhường dưới, kinh tế ổn định và tạo điều kiện con cái ăn học đến nơi đến chốn”.
Từ đó, năm 2009, chị Bèo đăng ký học nghề nấu ăn tại Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm TP Vĩnh Long. Sau khóa học, chị được giới thiệu dạy lớp nữ công gia chánh. Ngoài ra, chị còn cùng đồng nghiệp mở thêm dịch vụ nấu ăn.
Đến nay, gia đình chị có thu nhập ổn định, vợ chồng chị cất được ngôi nhà khang trang và con chị đang học năm cuối Trường Trung học Cảnh sát Nhân dân 3 TP Cần Thơ. Chị Bèo cho biết: “Thấy sự xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng là việc làm thiết thực nên từng thành viên trong gia đình đều cố gắng xây dựng gia đình trở thành gia đình
văn hóa...”
Bên cạnh việc xây dựng tổ ấm cho riêng mình, chị Bèo còn tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng ở địa phương.
Là Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản 41 và Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm Hưng Đạo Vương, chị hỗ trợ hũ gạo tình thương hàng tháng cho 1 hộ nghèo của phường, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 200kg gạo giúp 20 chị có hoàn cảnh khó khăn, sửa chữa nhà cho người già neo đơn, hỗ trợ tập giúp học sinh hộ nghèo- cận nghèo học giỏi và vận động chị em tiết kiệm nuôi được 43 con heo đất, qua đó hỗ trợ gần 43 triệu đồng để các hội viên có vốn mua bán tăng thu nhập ổn định đời sống.
Bà Mai Thị Rết- khóm Hùng Vương- Phường 1 xúc động cho biết: “Nhờ chính quyền địa phương, hội phụ nữ, trong đó có cô Bèo giúp đỡ gia đình tôi mỗi tháng 10kg gạo. Cô cũng thường xuyên đến nhà hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm sự học của con tôi. 3 đứa con tôi hiện là sinh viên đại học: 1 đứa năm thứ 2, 2 đứa học năm thứ 1”.
Không riêng gì gia đình chị Bèo- anh On, gia đình anh Lê Xuân Thủy- chị Thiều Thị Tình (ngụ 39Q, Đinh Tiên Hoàng, Khóm 3, Phường 8) trước đây cũng thuộc diện hoàn cảnh khó khăn.
Nhờ sự cố gắng, cần cù lao động của vợ chồng anh, nên kinh tế dần ổn định, anh cất được căn nhà khang trang và mở một xưởng mộc sản xuất đồ gỗ tại nhà kinh tế gia đình dần ổn định, anh nuôi dạy con ngoan và còn tạo điều kiện cho từ 20- 30 công nhân tại địa phương có việc làm với thu nhập từ 3- 5 triệu đồng mỗi tháng.
Hàng năm, gia đình anh đóng góp cho các hoạt động xã hội từ 7- 10 triệu đồng. Anh Lê Xuân Thủy tâm sự: “Về gia đình văn hóa thì tôi cũng ý thức được thứ nhất là gia đình phải hạnh phúc, lo cho con ăn học cố gắng bằng với xã hội. Bên cạnh đó, các công tác xã hội mà địa phương kêu gọi hỗ trợ, ủng hộ, tôi sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Hàng năm, BCĐ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đều thường xuyên tổ chức các đoàn đến phường- xã để kiểm tra, khảo sát phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa nhằm kịp thời uốn nắn, hỗ trợ địa phương thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và phong trào ngày càng đi vào chiều sâu đạt hiệu quả khả quan.
Nói về phương hướng thực hiện phong trào trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long phát biểu: “Năm 2013 và những năm sắp tới, đặc biệt chúng tôi thấy khâu tuyên truyền giáo dục, giải thích làm sao cho mọi người dân mà đặc biệt là các thành viên của từng hộ gia đình nắm được, hiểu rõ được về tiêu chuẩn cũng như nội dung phấn đấu để đạt gia đình văn hóa so với quy định. Khi từng gia đình hiểu được thì họ mới tự giác thực hiện tốt gia đình văn hóa. Vấn đề thứ 2, tôi thấy là do những quy định mới nên phải tiến hành củng cố lại, kiện toàn lại BCĐ cho phù hợp quy định của trên”.
Có thể nói, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở TP Vĩnh Long ngày càng có sức lan tỏa và thu hút được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Từ nền tảng gia đình hạnh phúc, ngày càng có thêm những khu dân cư ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, hạn chế và đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Thông qua phong trào còn giúp cho địa phương thực hiện tốt cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Đề án Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần xây dựng thành phố trẻ Vĩnh Long ngày càng văn minh hiện đại, giàu bản sắc văn hóa
dân tộc.
Đến nay, TP Vĩnh Long có hơn 27 ngàn hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 98,55% trên tổng số hộ dân, 58/58 khóm- ấp và 8/11 phường xã đạt danh hiệu văn hóa theo tiêu chí mới. |
Bài, ảnh: HỮU THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin