Ổn định hơn nhờ chợ mới

06:07, 10/07/2013

Từ các điểm họp chợ tự phát ở đầu đường, góc phố,… TP Vĩnh Long vừa cho xây mới và đưa vào sử dụng chợ Kinh Cụt (Phường 1) và chợ Tân Bình (Tân Hội). Các chợ này vừa trả lại mỹ quan đô thị vừa giúp tiểu thương tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.


Chợ mới giúp mua bán dễ dàng- chấm dứt cảnh bán buôn ở lề đường gây mất an toàn và cản trở giao thông.

Từ các điểm họp chợ tự phát ở đầu đường, góc phố,… TP Vĩnh Long vừa cho xây mới và đưa vào sử dụng chợ Kinh Cụt (Phường 1) và chợ Tân Bình (Tân Hội). Các chợ này vừa trả lại mỹ quan đô thị vừa giúp tiểu thương tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Xuân Hằng (Phường 3)- bán rau củ ở chợ Kinh Cụt cho biết: “Tôi bán rau gần cả chục năm rồi, lúc trước bán ở bên lề đường Nguyễn Văn Bé dưới dốc cầu Kinh Cụt. Trời nắng còn đỡ chớ mưa là khỏi bán. Giờ được vô chợ mới có chỗ bán hẳn hoi, sạch sẽ mà an toàn nữa. Buôn bán thuận tiện hơn, mối mang ngày một nhiều nên thu nhập khá”.

Cô Nguyễn Thị Điều (Phường 1) cũng vui vẻ: Hồi mới nghe nói được sắp vô đây thì hơi lo về tình hình an ninh trật tự nhưng vô một thời gian rồi, thấy cũng ổn. Có chỗ bán buôn đàng hoàng, hết bán ở lề đường nắng mưa vất vả nên rất mừng!

Ông Nguyễn Văn Vương- Trưởng Ban Quản lý chợ Kinh Cụt cho biết: Lúc trước có khoảng 20 hộ bán túm tụm ở lề đường Nguyễn Văn Bé- ngay dốc cầu Kinh Cụt, vừa cản trở giao thông vừa mất mỹ quan, nhất là vào mùa mưa bão.
 
Để tạo thuận lợi cho người dân buôn bán, thành phố đã khảo sát và cho xây chợ Kinh Cụt với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như nhà lồng chợ, nhà vệ sinh, cống thoát nước… Hiện chợ có khoảng 35 tiểu thương, đông nhất là tầm 6 giờ 30 đến 9 giờ sáng.


Chợ Kinh Cụt khá đông vui vào sáng sớm.

Đưa vào sử dụng gần một năm, chợ Tân Bình đã thu hút được nhiều người dân đến buôn bán, ổn định cuộc sống. Cô Trần Thị Quý- ấp Tân Bình (Tân Hội) cho biết: “Lúc trước chợ không có nhiều mặt hàng, muốn mua phải đi chợ khác hoặc chợ lớn. Giờ có chợ ở gần thì tiện lợi hơn rồi”.

Chị Mai Thị Diễm- bán rau củ trong chợ nói: Hồi đó ở đây tự họp chợ, mạnh ai nấy che chắn tạm bợ… nên nhìn rất lụp xụp, lại không có cống thoát nước mưa nên mưa lớn là ngập luôn. Có lần gió lớn, quầy rau củ bằng mái tôn của chị còn bị sụp và tốc mái.

Giờ được xây nhà lồng, lại có cống thoát nước hẳn hoi, xe lấy rác thì đến tận nơi mưa to gió lớn cũng không sợ, nhìn vào cũng sạch sẽ và mỹ quan hơn. Chị Trịnh Thị Ngọc Thanh- tạp hóa Dì Sương vui vẻ: Có chợ mới rồi, buổi sáng rất đông vui nên bán cũng đắt hơn. Tui bán trung bình được 100.000 đ/ngày.

Cô Lê Thị Duyên- bán tạp hóa cũng nói: “Thấy chợ ngày càng đông nên tôi lấy hàng nhiều hơn. Lúc trước tôi bán dạo cứ di chuyển liên tục. Từ ngày có chợ, tui thuê gian hàng với giá khoảng 250.000đ/tháng (tính luôn tiền điện nước). Nhờ vậy mà bớt vất vả hơn”.

Một số tiểu thương khác ở chợ này cũng cho biết, lúc trước chưa có chợ Tân Bình, người dân phải đi chợ khác đường khó và khá xa. Nay có chợ mới sạch sẽ, khang trang, đi lại dễ dàng nên người dân tập trung về chợ mua. Từ 4 giờ sáng đã có tiểu thương bắt đầu bày hàng. Đông nhất là từ 6 giờ đến 8 giờ sáng.

Ông Võ Hoàng Tùng- Phó trưởng ấp Tân Bình, kiêm quản lý chợ Tân Bình cho biết: Lúc trước đây là chợ tự phát, xã có xây nền cho tiểu thương vào buôn bán nhưng diện tích chỉ 200m2. Sau này được đầu tư xây mái che, cống thoát nước với diện tích trên 500m2, đưa vào hoạt động từ tháng 10/2012.

Hiện chợ có trên 20 tiểu thương, hầu hết là lao động nghèo tại địa phương. Ông cũng cho biết thêm, hiện chợ chỉ nhóm họp vào mỗi buổi sáng nên chưa hoạt động hết công suất. Dự kiến sau khi xây xong cầu liên ấp Tân An và Tân Bình, chợ sẽ đông vui hơn.

Chợ cóc ven đường không chỉ gây mất mỹ quan, ảnh hưởng vệ sinh môi trường mà còn cản trở giao thông. Xóa bỏ các chợ này là điều cần thiết để đô thị ngày càng sạch đẹp, văn minh. Bên cạnh đó, việc xây chợ mới ở những nơi thực sự có nhu cầu còn giúp người dân thuận thiện mua bán, góp phần ổn định cuộc sống.

Mai Thị Diễm (Tân Bình- Tân Hội):


Hiện cả gia đình tôi 5 người đang thuê nhà ở ngay chợ nên có thể bán rau cải suốt ngày. Nhờ vậy có thể trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và nuôi 3 con đi học.

Huỳnh Thị Tám (Tân Bình- Tân Hội):


Trước tui che tạm quầy nhỏ ở đầu đường để bán, mưa gió rất vất vả. Từ ngày có chợ mới tui thuê đất cất quầy kiên cố hơn. Tiền lời từ việc bán hàng ăn uống khoảng 70.000- 80.000/ngày. Ngoài ra, còn có thể tận dụng thời gian rảnh để đan thảm lục bình kiếm thêm thu nhập.

Nguyễn Văn Vương- Trưởng Ban Quản lý chợ Kinh Cụt

Hơn 1 năm khai thác sử dụng, chợ Kinh Cụt dần đi vào hoạt động ổn định. Không chỉ tiểu thương ở chợ tự phát cũ (dân Phường 1, Phường 3) vô mua bán mà còn có tiểu thương từ Tân Hạnh, Phú Quới (Long Hồ),… mang “cây nhà lá vườn” ra bán. Buổi sáng hàng ngày và cuối tuần, người đi chợ rất đông.


Bài, ảnh: NAM ANH- THẢO LY


 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh