Việc dán tờ rơi, quảng cáo trên tường tràn lan ở đô thị không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn khiến người đi đường“ngứa mắt” khó chịu.
Trụ điện, vách tường, là điểm dễ dính quảng cáo nhất.
Việc dán tờ rơi, quảng cáo trên tường tràn lan ở đô thị không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn khiến người đi đường“ngứa mắt” khó chịu.
Muôn chiêu quảng cáo
Đi dọc các tuyến đường lớn như đường Hoàng Thái Hiếu, 3 Tháng 2, 2 Tháng 9… và cả đường hẻm sẽ dễ nhận thấy nhiều tờ quảng cáo được dán lên trụ điện, vách tường hoặc phun sơn trực tiếp lên đó. Nào là rao vặt, tuyển nhân viên, khoan cắt bê tông, tiết kiệm gas, lắp K+,...
Nói chung nơi nào thuận mắt người xem là nơi đó có quảng cáo. Dịp lễ, hè chính là cơ hội các cửa hàng, cơ sở kinh doanh tung ra chiến dịch quảng bá, khuyến mãi sản phẩm nhiều nhất. Phát tờ rơi chính là phương pháp ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả.
Cổng trường, ngã ba, ngã tư, điểm đèn giao thông, những tuyến đường đông đúc là “điểm ngắm” của nhóm phát tờ rơi. Ở những chốt giao thông như: ngã ba Chiều Tím, ngã tư đường 3 Tháng 2, dốc cầu Bình Lữ… thỉnh thoảng lại bắt gặp người đeo khẩu trang hoặc cả nhóm cầm trên tay xấp tờ rơi nhanh chân len lỏi vào đám đông khi dừng chờ đèn xanh.
Chị Trịnh Phi Yến (Phường 3) nói:
“Nhiều lần tôi dừng chờ tín hiệu đèn xanh thì phải cầm một mớ tờ rơi, hoặc bị bỏ vào rổ xe đem về. Tôi xua tay không lấy thì họ nhét thẳng vào xe không cần biết người đi đường có muốn nhận hay không. Tôi thấy có người đọc xong vò lại ném ngay xuống đất, có người cầm nhưng không xem rồi quăng luôn xuống đường. Đang cầm lái mà cầm thêm tờ rơi, không biết nhét vào đâu, vứt xuống đường thì mất vệ sinh… Thiệt bực mình hết sức”.
Anh Phan Minh Thiện (Phường 1) bức xúc: “Nhà tôi trong hẻm mà cũng không thoát. Bên hông nhà thường bị dán tờ quảng cáo, rao vặt, trông rất mất mỹ quan. Lâu lâu lại phải xé, có khi phải cào mới hết nhưng cũng không sạch. Vài tuần sau là bị dính nữa. Tính không dọn nữa nhưng nhìn nhà cửa bị dán thấy chướng mắt quá”.
Mục 5, Điều 29, Nghị định số 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000đ đến 300.000đ đối với mỗi áp- phích, tờ rơi, tờ gấp quảng cáo không đúng nơi quy định, không ghi rõ số lượng, nơi in; phạt tiền từ 200.000- 500.000đ đối với mỗi băng-rôn quảng cáo không đúng nơi quy định trong giấy phép. |
Để không bị xé, khó phai theo mưa gió, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh dùng chiêu quảng cáo “sang” hơn là “ịn” hoặc xịt sơn ngay trên tường, trên vách nhà. Nhà mặt tiền nên tường nhà cô L. (Phường 1) bị “đóng dấu” gần chục quảng cáo cắt bê tông. Cô cho biết:
“Làm buổi tối thì không nói gì đằng này ban ngày cũng làm tuốt. Có lần tôi đi làm về gần 12g trưa thấy 2 người đang phun sơn quảng cáo cắt bê tông trên tường, tôi hỏi sao làm vậy, hỏi ý kiến chưa mà làm thì 2 người đó trả lời tỉnh bơ “lỡ làm rồi, biết làm sao” rồi phóng lên xe chạy thẳng. Lâu lâu lại phải xé tờ quảng cáo dán tường, vì xuất hiện hoài”.
Cần có ý thức để đô thị đẹp hơn
Sau mỗi đợt phát tờ rơi, mỗi “trận” quảng cáo là đường phố, cột điện, cột đèn lại chi chít thông tin quảng cáo. Cô Trần Thị Hường- công nhân Công ty TNHH MTV Công trình công cộng than vãn: “Ngán nhất là đoạn đường có phát tờ rơi, nhiều nhất là vào mùa hè này. Trời nắng còn đỡ chứ trời mưa rất khó quét, giấy dính xuống đất quét không đi, phải lượm từng tờ. Hy vọng người phát có ý thức hơn, đừng phát bừa bãi”.
Phần lớn các đối tượng phát tờ rơi quảng cáo khi bị lập biên bản xử phạt vì quảng cáo không đúng nơi quy định đều trả lời “không biết”.
Có kinh nghiệm gần một năm phát tờ rơi cho một cửa hàng kinh doanh ở Phường 8, em Trần Thị Hồng (học sinh) cho biết: “Em phát gần cả ngàn tờ rơi/ngày, thường đi phát trong nội ô thành phố, tiền công được 80.000 đ/ngày”. Khi được hỏi có biết như vậy là vi phạm không thì em lắc đầu: “Chủ dặn sao thì em làm vậy thôi chứ em không biết”.
Anh Trần Kiến Thức- Đội phó Đội kiểm tra trật tự đô thị TP Vĩnh Long cho biết: “Các trường hợp vi phạm về lĩnh vực quảng cáo không đúng nơi quy định xảy ra rất nhiều. Đối tượng phát tờ rơi thường là học sinh, sinh viên.
Trường hợp này có thể lập biên bản để xử lý tại chỗ. Còn các trường hợp khác như sơn quảng cáo trên tường, dán ở cột điện thì không phát hiện kịp thời nên khó xử lý. Người dân cũng chưa hiểu rõ về các quy định quảng cáo nên đội cũng thường xuyên kết hợp tuyên truyền”.
Để thành phố ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp, văn minh hơn thì mỗi công dân cần ý thức hơn về bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị. Hãy phát tờ rơi một cách có văn hóa, không nên phát tràn lan, đồng thời cũng cần theo hướng dẫn của các ngành chức năng thực hiện các quy định quảng cáo.
Bên cạnh đó, những người khi nhận được tờ rơi cũng nên có trách nhiệm hơn: cương quyết không nhận hoặc nếu đã nhận thì nên giữ lại, khi vứt đi cũng nên bỏ vào thùng rác, để đường phố trở nên sạch đẹp hơn.
Ông Nguyễn Hòa Đàm- chuyên viên Phòng Văn hóa- Thông tin TP Vĩnh Long: Hiện nay thủ tục để quảng cáo rất đơn giản, chỉ cần viết thông báo gởi đến Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh trình bày nội dung, hình thức, thời gian quảng cáo. Nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh quảng cáo không thông qua cơ quan chức năng nên không được hướng dẫn, dẫn đến sai phạm. Mỗi trường hợp vi phạm quảng cáo không đúng nơi quy định sẽ bị phạt 200.000 đ/tờ rơi. Nhiều nhất là vi phạm về phát tờ rơi tại chốt đèn giao thông, công trường, nơi làm việc cơ quan nhà nước. Các trường hợp quảng cáo dán trên trụ điện, tường thì sẽ xác minh xử lý sau. Một biện pháp đặt ra là cắt thuê bao trên quảng cáo nhưng biện pháp này thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc vì thủ tục phức tạp. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin