Trong chức trách của mình, mấy chục năm qua tôi cảm nhận hoạt động từ thiện là việc làm cần thiết, mang tính nhân văn và nhân đạo rất cao.
Trong chức trách của mình, mấy chục năm qua tôi cảm nhận hoạt động từ thiện là việc làm cần thiết, mang tính nhân văn và nhân đạo rất cao.
Các cá nhân, tổ chức từ thiện- xã hội hay các tổ chức khác… tham gia hoạt động từ thiện, tôi nghĩ đó là hành động cụ thể, thiết thực hưởng ứng công tác an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang ra sức thực hiện và vận động toàn xã hội cùng tham gia.
Chương trình “Chuyến xe nhân ái” của THVL đã thổi vào đời sống hộ nghèo sự ấm áp của cộng đồng và niềm hy vọng vượt khó vươn lên. Ảnh tư liệu: THÚY QUYÊN
Thỉnh thoảng, có điều kiện, tôi cũng đã trực tiếp tham gia vừa với trách nhiệm, vừa với tấm lòng “thương người như thể thương thân” theo truyền thống của ông cha ta để lại.
Gần đây, tôi được nghe một đồng chí cán bộ hưu trí từng công tác trong ngành truyền thông phản ánh rằng:
“Có người không đồng tình với việc các cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo từ thiện” với ý là “đưa lên kênh truyền thông những mảnh đời bất hạnh sẽ tạo nên bức tranh xã hội và tâm lý xã hội không tốt”, vì làm như vậy không khác nào ta thán rằng dân còn quá khổ… vẽ lên bức tranh xã hội quá ảm đạm!” Chúng ta cần làm rõ vấn đề trên để có hướng đi đúng theo đường lối, chủ trương chung của Đảng.
Hoạt động từ thiện- xã hội: "Những việc cần làm ngay"
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định mục tiêu hiện tại và lâu dài là vì dân; đảm bảo cho sự toàn vẹn lãnh thổ, người dân được mãi mãi sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Hay nói cách khác “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta; của cả hệ thống chính trị và đó cũng là ý nguyện của toàn dân.
Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta nói chung đã thực hiện chính sách an sinh xã hội có hiệu quả, đã tạo sự đồng thuận trong cộng đồng rất rõ.
Riêng tỉnh nhà thời gian qua hộ nghèo được giảm dần, bình quân 2%/năm. Nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được thụ hưởng từ chính sách an sinh xã hội, từ sự hỗ trợ bởi các hoạt động từ thiện của các cá nhân và tổ chức.
Chương trình “Địa chỉ nhân đạo” của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long thời gian qua rất có hiệu quả, tạo sự đồng thuận rất cao trong dân. Chương trình đã huy động được hàng chục tỷ đồng và đã giúp cho hàng trăm gia đình qua cơn khốn khó, có những mảnh đời được “vực dậy từ cõi chết”!...
Trong hoàn cảnh khó khăn chung hiện nay, các hoạt động từ thiện của cá nhân và cộng đồng là rất cần, rất hợp lý, tạo hiệu ứng cao trong cộng đồng. Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc ta, cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng, ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động từ thiện là điều đáng mừng, đáng phát huy. Các hoạt động đó là vì con người, là thể hiện tính ưu việt của
chế độ.
Bác Hồ và Đảng ta đã dạy chúng ta phải thẳng thắn, phải trung thực, phải dám nhìn thẳng vào sự thật; không giấu giếm, né tránh những tồn tại thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với nhân dân.
Hệ thống chính trị của chúng ta có nhiều việc phải làm. Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, có những việc mà “lực bất tòng tâm” nên chúng ta khó mà sớm chu toàn với dân.
"Địa chỉ nhân đạo" đã giúp chúng ta phát hiện những “việc cần làm ngay” một cách kịp thời và có hiệu quả đối với những người đang cần và rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng và của Nhà nước. Tấm gương từ thiện, tấm lòng nhân đức, hành động văn minh vì cộng đồng, vì con người của ông Nguyễn Thành Hổ (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) không phải ai cũng làm được.
Ông nay đã 72 tuổi, lẽ ra đã được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, nhưng với cái tâm vì con người, hơn 10 năm qua sau khi nghỉ hưu, ông đã lặn lội khắp nơi trong tỉnh để cùng với “Địa chỉ nhân đạo” của đài, báo giúp đỡ cho hàng ngàn gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Riêng bản thân ông đã vận động được trên 2,7 tỷ đồng giúp trực tiếp cho các hộ nghèo khó và bệnh ngặt nghèo. Theo gương ông Nguyễn Thành Hổ, vài năm gần đây, một số cụ ông tuổi đã cao cũng đã tích cực hoạt động từ thiện như ông Trần Công Hiếu ở Tam Bình, ông Trần Công Hưng ở Long Hồ… góp phần cho sự thành công về chính sách an sinh xã hội.
Năm 2012, ngoài nguồn phân bổ của ngân sách nhà nước, chúng ta đã vận động quỹ Vì người nghèo từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu từ cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh được 21,7 tỷ đồng. Từ đó, có hàng ngàn hộ được thụ hưởng, 3.525 hộ thoát nghèo, 51.763 lượt bệnh nhân nghèo được hỗ trợ hoặc được đài thọ chi phí điều trị bệnh, đặc biệt trong đó có 114 bệnh nhân nghèo được hỗ trợ mổ tim.
Chúng ta cũng thấy rất rõ là không ít đối tượng được thoát nghèo, được hỗ trợ điều trị bệnh thông qua các kênh thông tin đại chúng. Và thông qua các kênh thông tin đại chúng đã tạo nên sự chia sẻ của cộng đồng rất lớn, có những địa chỉ mà hàng trăm cá nhân và tổ chức trong và ngoài tỉnh tham gia hỗ trợ.
Phong trào hoạt động từ thiện ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia cũng đồng nghĩa với sự hưởng ứng và đồng thuận của cộng đồng đối với chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương nào được sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng là hợp lòng dân; là đúng với lời dạy của Bác “dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Với việc hoạt động tích cực, công khai của các cơ quan thông tin đại chúng về các địa chỉ nhân đạo, các chương trình an sinh xã hội, chúng ta tin chắc rằng việc làm ấy sẽ góp phần cho việc thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo và hỗ trợ, chăm sóc kịp thời đối với những người không may có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Truyền thông rộng rãi về hoạt động từ thiện hiện nay là cần thiết
Thực tế xã hội rất cần sự chung sức của cộng đồng, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc “lá lành đùm lá rách”… Nếu không dùng công cụ thông tin tuyên truyền phổ biến quan trọng là báo- đài thì làm sao cộng đồng biết nhanh được cái cần biết để chung sức, để họ hưởng ứng và hành động theo chủ trương của Đảng và Nhà nước?
Cán bộ, đảng viên, phải phục vụ nhân dân, chăm lo cho dân; phải bằng nhiệm vụ, bằng trách nhiệm, bằng trí tuệ, bằng giải pháp phù hợp… để đem “ấm no, hạnh phúc” cho nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị không phải là quan của dân, mà là người đầy tớ, là người phục vụ nhân dân.
Cán bộ, đảng viên phải luôn tự soi xét lại mình để xem mình đã làm được gì, đã góp gì cho dân có cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn? Phải biết tự khắc phục, sửa chữa mình đối với những tồn tại, thiếu sót của mình trong công việc, trong nhiệm vụ phục vụ nhân dân.
Chỉ ở việc lo cho dân thoát nghèo, lo cho những mảnh đời bất hạnh có điều kiện vượt qua nghịch cảnh, thậm chí vượt qua cái chết… mà cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ cụ thể, vì lý do gì đó chưa phát hiện được mà quần chúng nhân dân phát hiện, báo- đài phát hiện và ra tay hỗ trợ, giúp đỡ… thì đó là việc góp phần cho cán bộ, đảng viên, cho hệ thống chính trị của chúng ta hoàn thành nhiệm vụ đối với dân. Việc đó chẳng phải là tốt, là cần sao?
Thông qua địa chỉ nhân đạo trên Báo Vĩnh Long, cộng đồng chung tay giúp những hoàn cảnh trái ngang, bệnh tật và khốn khó. Ảnh: NGUYỄN LỘC
Với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về chính sách an sinh xã hội; với sự tham gia một cách tự nguyện và tích cực của nhiều cá nhân và tổ chức; với những kết quả thiết thực đối với người nghèo; với chủ trương phát huy nội lực và phát huy sức mạnh cộng đồng của Đảng và Nhà nước; với chức năng là công cụ tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng… việc đưa lên các kênh thông tin về các địa chỉ nhân đạo, các mảnh đời bất hạnh để được sự hưởng ứng, hỗ trợ kịp thời của cộng đồng, làm giảm đi nỗi khổ của người dân là cần thiết.
Nếu dân ta không còn nghèo khổ, không còn những mảnh đời bất hạnh… thì đó là hạnh phúc của chúng ta; là thành công trong ý chí và hành động của hệ thống chính trị chúng ta; là đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chúng ta cần hoan nghênh, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động từ thiện nhằm làm cho chính sách lớn- chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta ngày càng hiệu quả hơn.
Hiện nay, có vô số những việc cần làm để “ích nước lợi dân” mà ai cũng có thể làm được và làm thành công nếu chúng ta thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Muốn làm được ta phải: quyết tâm, chí tâm và đồng tâm”. |
NGUYỄN LƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin